Vừa trải qua kỳ nghỉ 3 ngày 2 đêm tại Cát Bà (Hải Phòng), anh Phạm Ngọc Tùng, chủ một doanh nghiệp ở TP.HCM vẫn chưa hết bức xúc vì bị ép dùng dịch vụ chất lượng tồi mà giá vẫn đắt đỏ.
Khách chật vật đi du lịch giữa mùa cao điểm đông nghẹt người.
Anh Tùng kể, để chuẩn bị cho chuyến đi, anh đã đặt trước 6 phòng nghỉ tại một khách sạn gần khu vực chợ hải sản. Khi quảng cáo với anh, chủ khách sạn gửi hình ảnh rất sạch đẹp và hấp dẫn, đồng thời đưa ra yêu cầu “khách ăn tại khách sạn ít nhất mỗi ngày 1 bữa chính". Giá phòng nếu khách ăn 2 bữa là 1,3 triệu đồng/phòng/đêm, còn ăn 1 bữa là 1,5 triệu đồng. Với mức giá này, anh Tùng biết chủ khách sạn đang ép khách sử dụng dịch vụ ăn uống của mình, tuy nhiên anh vẫn đồng ý với suy nghĩ hai bên cùng có lợi.
“Tuy nhiên, khi nhận phòng, chúng tôi ngã ngửa vì giá phòng tiền triệu mà chất lượng chỉ xứng đáng nhà nghỉ giá vài trăm nghìn đồng. Không chỉ chật chội, tiện ích cũng rất tồi tệ: tivi có nhưng không sử dụng được, nước tắm thì lúc có lúc không. Chủ khách sạn còn tận thu bằng việc tính tiền từng chai nước, không miễn phí như những nơi khác”, anh Tùng nói.
Chưa hết, bữa ăn cũng không đảm bảo chất lượng, số lượng thực phẩm đã ghi trong hợp đồng. Theo anh Tùng, gia đình anh đặt sẵn bữa ăn với giá 300.000 đồng/người/bữa và yêu cầu mỗi bữa đều có hải sản. Tuy nhiên, khi phục vụ, khách sạn lại yêu cầu tất cả hải sản phải được tính bằng cân: ghẹ 6-7 con/kg được bán với giá 650.000 đồng/kg, cá mú 700.000 đồng/kg, mực trứng 600.000 đồng/kg...
Đáng nói là dù anh Tùng đã chấp nhận trả phí đắt hơn nhưng các món ăn lại rất kém tươi ngon, hoàn toàn không như quảng cáo trước đó. "Ghẹ và tôm ăn rất bở giống như để trong tủ đông, bề bề rang muối thì được nhúng thật nhiều bột chiên giòn để che đi kích cỡ quá nhỏ. Bữa ăn đầu tiên của 16 người đã bị đội lên cả triệu đồng so với hợp đồng được ký kết mà chất lượng vẫn không đảm bảo, khiến chúng tôi phải ra ngoài ăn bù để được thưởng thức hương vị biển”, anh Tùng bức xúc kể lại.
Không hài lòng với món ăn ở khách sạn nhưng gia đình anh Tùng vẫn phải ăn bữa thứ 2 theo đúng ký kết và đã phải nhận quả đắng hơn, với các đĩa thức ăn được làm theo kiểu "bôi" ra cho có mà giá vẫn siêu đắt. Ví dụ ốc biển xào xả ớt 250.000 đồng/đĩa; bò xào 200.000 đồng/đĩa, mực chiên 300.000 đồng/đĩa…
“Khi họ bưng các món ăn lên, thức ăn hoàn toàn biến mất giữa rất nhiều nguyên liệu khác kèm vào khiến ai cũng lắc đầu ngao ngán”, anh Tùng nói.
Không chỉ gặp cảnh bị ép phải sử dụng dịch vụ không tương xứng giá cả, có khách du lịch còn phải nhập viện cấp cứu sau những bữa ăn kém chất lượng.
Chị Khương Thị Thủy (Yên Lập, Phú Thọ) cho biết, ngày 24-27/6, đoàn nhà chị gồm 24 người đi du lịch ở Sầm Sơn (Thanh Hóa). Vì là dịp cuối tuần, khách đông nên giá phòng đắt gấp đôi, gấp 3 ngày thường.
“Tuy nhiên, chuyển đi nghỉ mát không trọn vẹn khi mà ngay sau bữa ăn tối đầu tiên, đoàn đã có 6 người đau bụng phải nhập viện điều trị. Nguyên nhân chắc chắn do chất lượng đồ ăn không đảm bảo. Tuy nhiên, do ngại phiền toái nên chúng tôi không phản ánh với cơ quan chức năng địa phương”, chị Thủy kể.
Khách tăng đột biến, doanh nghiệp "cháy" tour
Anh Cao Đăng Huy, khách du lịch đến từ thị xã Duy Tiên (Hà Nam) cho biết: “Chúng tôi đặt tour gói VIP để thăm Vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) với giá 800.000 đồng/người bao gồm cả vé tham quan, các dịch vụ cũng như bữa ăn trưa trên tàu. Dù đã đặt trước hàng tháng thời nhưng khi đến bến tàu, không chỉ riêng chúng tôi mà hàng nghìn khách phải chờ rất lâu giữa nắng nóng oi bức để đợi lên tàu. Hướng dẫn viên nói do lượng khách quá đông nên họ cũng không kiểm soát được”.
Khách xếp hàng giữa nắng nóng để chờ lên tàu thăm Vịnh Lan Hạ.
Đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành xác nhận việc khách tăng đột biến giữa cao điểm mùa du lịch, nhất là khi thị trường mở cửa trở lại sau đợt COVID-19 kéo dài.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc tiếp thị Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho biết, chỉ riêng tháng 5, công ty đã cung ứng dịch vụ cho hơn 30.000 khách, con số này dự báo tiếp tục tăng mạnh trong tháng 6-7, trong đó có những đoàn khách lớn.
Bà Trà nhận xét, so với trước dịch thì lượng khách và doanh thu của các công ty lữ hành còn cách biệt khá nhiều, song so với cùng kỳ năm ngoái thì tình hình kinh doanh đang phục hồi tốt.
Theo bà Trà, do gặp nhiều khó khăn sau đại dịch nên nhiều dịch vụ du lịch chưa thể đáp ứng được nhu cầu của lượng khách tăng đột biến. Chưa kể nhiều dịch vụ tát nước theo...giá xăng để chặt chém khách.
“Do vậy, trong thời gian cao điểm mùa du lịch, người dân nên lựa chọn những doanh nghiệp, khách sạn có uy tín để đặt phòng, đặt tour và có hợp đồng cụ thể. Tốt nhất nên chuyển sang đi du lịch từ trung tuần tháng 7 để giảm nhiệt mùa du lịch và có được kỳ nghỉ bổ ích, với giá cả hợp lý”, bà Trà tư vấn.