Ngày 2/7, trong thông báo gửi tới các đối tác cung cấp hàng may mặc hệ thống siêu thị Big C Việt Nam, Central Group Việt Nam, đơn vị sở hữu, cho biết kể từ tháng 7, Central Group Việt Nam tạm ngừng đặt hàng của các nhà cung cấp theo hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết giữa 2 bên.
Sự việc khiến nhiều doanh nghiệp và người Việt vô cùng bức xúc. Chiều 3/7, nhiều doanh nghiệp cung cấp sản phẩm dệt may cho Big C Việt Nam kéo đến văn phòng Central Group sau thông báo ngừng nhập hàng của chuỗi siêu thị này. Họ mang theo băng rôn phản đối việc Big C tạm dừng hợp đồng nhập hàng. Bên cạnh đó, cộng đồng mạng đã dấy lên làn sóng chỉ trích, kêu gọi cùng tẩy chay Big C, ủng hộ hàng Việt.
Nhiều doanh nghiệp kéo đến văn phòng Central Group phản đối việc ngừng nhập hàng Việt Nam. Ảnh: Zing
Central Group là tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan, hoàn tất việc mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam từ tập đoàn Casino (Pháp) vào tháng 4/2016 với giá 920 triệu euro (tương đương 1,05 tỷ USD). Thương hiệu Big C vẫn được sử dụng sau đó.
Trước đó, Central Group đã tham gia đấu thầu nhằm mua lại Big C kể từ đầu tháng 3, và điều này hoàn toàn nằm trong kế hoạch chiến lược của tập đoàn nhằm mở rộng mạng lưới phát triển trong khu vực ASEAN.
Central Group là một trong những tập đoàn mẹ lớn nhất tại Thái Lan, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, chuỗi cửa hàng bán lẻ, khách sạn và nhà hàng. Tập đoàn này đã liên tục bơm vốn đầu tư đều đặn trong suốt 18 năm nhằm phát triển công ty con Big C tại Việt Nam từ những ngày đầu tiên.
Tập đoàn Thái Lan nhắm đến Big C là bởi Big C Việt Nam đã xây dựng được một mối quan hệ tốt không chỉ giữa các nhà cung cấp và các khách hàng, mà còn bao gồm cả nhân viên, chính quyền địa phương và cả cộng đồng trong và ngoài nước. Điều này giúp Central Group dễ dàng hơn trong việc phát triển và mở rộng thêm mạng lưới.
Sau khi sở hữu Big C, Tập đoàn Central Group công bố kế hoạch đầu tư lớn tại thị trường Việt Nam, nâng gấp đôi số siêu thị, trung tâm thương mại trong vòng 5 năm tiếp theo (tức đến năm 2021). Cuối năm ngoái, lãnh đạo cấp cao của Central Group cho biết sẽ chi thêm 1,5 tỷ USD để tăng số lượng cửa hàng tại cả Việt Nam và Thái Lan để tăng doanh số thêm 14%.
Central Group mua Big C Việt Nam từ năm 2016. Ảnh: VietnamFinance.
Ngoài Big C, Central Group sở hữu nhiều kênh bán lẻ khác tại Việt Nam như chuỗi điện máy Nguyễn Kim, cửa hàng đồng giá Komonoya, siêu thị Lan Chi, Trung tâm mua sắm Robins, Marks and Spencer,…
Liên quan đến việc ngưng nhập hàng Việt, chiều tối ngày 3/7, Big C Việt Nam đã phản hồi thông tin sau cuộc tập hợp “bất thường” của nhiều doanh nghiệp và người lao động tại trụ sở của Central Group Việt Nam.
Trong thông cáo phát đi tối 3/7, đại diện Big C Việt Nam tiếp tục khẳng định việc tạm dừng các đơn đặt hàng với nhà cung ứng may mặc của Việt Nam chỉ là tạm thời, không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam.
Đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group cũng nói đang xem xét lại danh mục hàng hóa và tính khả thi từ nhà cung cấp. Theo Big C, hiện chuỗi siêu thị có hơn 4.000 nhà cung cấp Việt Nam. Và Big C đang trong quá trình xem xét với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc.