Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tỷ phú Elon Musk và sự ‘góp mặt’ trong những mâu thuẫn thế giới

(VTC News) -

Trong 4 tuần qua, Elon Musk xuất hiện trong tin tức liên quan đến hàng loạt mâu thuẫn địa chính trị như việc đưa ra một kế hoạch hòa bình cho Nga và Ukraine.

CEO Tesla Elon Musk trong những tháng gần đây nổi lên như một nhân vật đầy “thị phi” trong sân khấu chính trị toàn cầu. Mặc dù rất nhiều giám đốc điều hành tỷ phú thích đăng tải những dòng trạng thái lên mạng xã hội Twitter về các vấn đề thế giới, nhưng không ai có thể gây ảnh hưởng, và có thể là rắc rối, nhiều như Musk.

Trong khi phần lớn tài sản của Musk đến từ cổ phần trong công ty ô tô điện Tesla, ảnh hưởng của ông lại chủ yếu đến từ công ty tên lửa SpaceX – đơn vị điều hành mạng vệ tinh Starlink. Starlink có thể phủ sóng internet tới các khu vực xung đột và các điểm nóng về địa chính trị, và nó đã trở thành một công cụ thiết yếu của quân đội Ukraine.

Elon Musk. (Ảnh: Getty)

Ảnh hưởng của Musk nay càng tăng lên khi thỏa thuận mua Twitter đi đến kết thúc. Ông tự cho mình là một người theo chủ nghĩa tự do ngôn luận và dự kiến ​​sẽ kiểm duyệt nội dung Twitter.

Những người chỉ trích Musk lo lắng rằng tỷ phú này sẽ rất khó tách bạch lợi ích kinh doanh khỏi những ý kiến của mình, đặc biệt là khi nói đến Tesla, công ty đang ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Karen Kornbluh, giám đốc Quỹ Marshall Đức, một tổ chức tư vấn địa chính trị và là cựu cố vấn của Tổng thống Barack Obama, bình luận: “Công nghệ đã trở thành trọng tâm của địa chính trị. Đây là một điều vừa đáng chú ý vừa lộn xộn, và Elon Musk đang ở trung tâm”.

Trong một số trường hợp, Musk cũng mang đến những điều có lợi. Khi cung cấp quyền truy cập internet Starlink ở Ukraine vào đầu năm và tài trợ ít nhất một phần phần cứng và dịch vụ, tỷ phú này đã góp phần trang bị cho cả dân thường và binh lính một phương tiện liên lạc quan trọng trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga.

Nhưng những thông điệp mà ông lan truyền cùng lúc đó cũng đã gây ra vấn đề. Tuần trước, trong một bài đăng trên Twitter, Musk nói không thể tài trợ "vô thời hạn" cho việc sử dụng Starlink của Ukraine, trước khi đột ngột đổi ý và tiếp tục tài trợ.

Cuối tháng trước, Musk tham dự một sự kiện riêng ở Aspen mang tên The Weekend, do cựu giám đốc điều hành Google và cố vấn chính phủ Eric Schmidt đồng tổ chức cùng một số người khác. Sự kiện quy tụ các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh ở Mỹ, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, cựu Phó Tổng thống Al Gore và cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Joseph Dunford.

Vào giờ ăn trưa, dưới một chiếc lều trên sân golf, ông Musk đã trò chuyện sâu với doanh nhân tỷ phú David Rubenstein, theo hai người tham dự sự kiện.

Cuối cuộc trò chuyện, trước sự ngạc nhiên của nhiều người tham dự, ông Musk đề xuất một kế hoạch hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraine, trong đó để Nga sáp nhập đất Ukraine.

Theo những người tham dự sự kiện, ý tưởng này đã khiến nhiều người tức giận. Ngày hôm sau, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden, ông Jake Sullivan, đã có cuộc nói chuyện video tại sự kiện và một người tham dự đã đặt câu hỏi về kế hoạch hòa bình của Musk. Ông Sullivan không bình luận về phát biểu của CEO Tesla tại sự kiện này. Tuy nhiên, 10 ngày sau đó, ông Musk đã tiết lộ kế hoạch của mình trên Twitter và được điện Kremlin ủng hộ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các trợ lý hàng đầu trong khi đó phản đối quyết liệt kế hoạch của Musk. Nhưng mối ràng buộc vẫn còn: các thiết bị đầu cuối Starlink đã trở thành một phương tiện liên lạc quan trọng cho quân đội Ukraine.

Ông Musk không trả lời một số yêu cầu bình luận của New York Times.

Vào giữa tháng 9, khi quân đội Ukraine tiến vào các vùng lãnh thổ phía nam mà trước đó Nga kiểm soát, họ đã mất quyền tiếp cận Starlink ở một số khu vực gần chiến tuyến, theo các nguồn tin. Hai người trong số này nói rằng đó là do tỷ phú Musk đã tạo "rào cản địa lý" để dịch vụ chỉ có thể được sử dụng ở một số khu vực nhất định. Trong khi đó, những người khác ở Ukraine báo rằng hệ thống vẫn đang hoạt động tốt.

Musk được cho là đã thảo luận vấn đề này với cả chính phủ Ukraine và chính phủ Mỹ, nhằm xác định các địa điểm mà quân đội sẽ tiếp cận Starlink. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói rằng hội đồng, cùng với Văn phòng Kiểm soát Tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ, và "các quan chức toàn chính phủ Mỹ đã nói chuyện với Starlink và trả lời các câu hỏi về chính sách Mỹ, giống như chúng tôi làm với tất cả các công ty”.

Trong tháng này, Musk gây thêm bất ổn cho Ukraine khi nói rằng ông không thể tiếp tục thanh toán dịch vụ Starlink cho nước này. Nghe điều đó có vẻ như tỷ phú Tesla đang “gánh” toàn bộ chi phí liên quan, nhưng trên thực tế, chính phủ Mỹ, Anh và Ba Lan đã trả cho SpaceX ít nhất một phần chi phí, theo các tài liệu mà New York Times có được.

Dimitri Alperovitch, đồng sáng lập Silverado Policy Accelerator, một tổ chức tư vấn địa chính trị ở Washington nhận định: “Ông ta cần phải quyết định xem Starlink là một dịch vụ thương mại cung cấp công nghệ thiết yếu cho khách hàng của mình hay một dịch vụ phụ thuộc nhiều vào lợi ích địa chính trị của những người quản lý và do đó, đối với những khách hàng có lo ngại về an ninh quốc gia sẽ là không đáng tin cậy”.

Các thiết bị đầu cuối cung cấp mạng internet của Starlink đã trở thành một phương tiện liên lạc quan trọng cho quân đội Ukraine. (Ảnh minh họa)

Không chỉ Ukraine, Musk cũng “lấn sân” sang tình hình ở Iran.

Khi các cuộc biểu tình lan rộng khắp nước này và chính quyền được cho là chặn truy cập internet ở một số khu vực, tỷ phú Mỹ đã xuất hiện để cung cấp lựa chọn thay thế. “Đã kích hoạt Starlink”, Musk nói trong một thông báo trên Twitter sau khi Washington dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt hạn chế khả năng hoạt động của các công ty công nghệ Mỹ ở Iran, để họ có thể hỗ trợ những người biểu tình.

Nhưng như nhiều người Iran sớm biết, lời hứa của Musk không thành hiện thực. Các chi tiết liên quan về việc tại sao Musk không thể cung cấp dịch vụ này trong Iran không được tiết lộ.

Dù vậy, theo Amir Rashidi, chuyên gia về quyền kỹ thuật số từ Iran, các tin tặc đã bắt đầu một chiến dịch lừa đảo, bằng cách gửi tin nhắn qua các kênh truyền thông xã hội với các đường dẫn nói là để truy cập vào Starlink. Người dùng truy cập vào đây, thay vì được vào hệ thống mạng vệ tinh của ông Musk, có thể bị dính vào các phần mềm độc hại lấy thông tin từ điện thoại người dung.

Ông Rashidi nói thêm một số lượng nhỏ thiết bị được buôn lậu qua biên giới vẫn giúp một số nơi ở Iran có thể truy cập Internet Starlink, nhưng người sử dụng các thiết bị này có thể bị theo dõi.

Rashidi nói dù Musk có ý giúp đỡ nhưng chiến thuật của ông là "rất vô trách nhiệm”. “Đó chỉ là một người muốn nhảy lên nói tôi đang làm điều tốt mà không hiểu hậu quả sẽ như thế nào”.

Phương Anh

Tin mới