'Home schooling' là khái niệm mới với phụ huynh Việt Nam, nhưng ở phương Tây, giáo dục tại nhà đã bắt nguồn, phát triển và được cải tiến từ cách đây rất lâu.
Định hướng cá nhân
Ý tưởng chủ đạo của học tại nhà là trẻ cần học theo nhịp độ riêng và phong cách phù hợp nhất với chúng. Trong giáo dục, các chuyên gia gọi cách tiếp cận này là “giáo dục định hướng cá nhân” và phương pháp này đã được sử dụng tại một số trường học.
Bill Gates và Mark Zuckerberg là những “fan bự” của phương pháp này. Bởi phương pháp này có xu hướng sử dụng công nghệ để thiết kế giáo án phù hợp với người học. Trong một bài viết gần đây, Bill Gates đã chỉ ra rằng phương pháp học này sẽ giúp người học tăng điểm số trong môn Đọc và Toán học.
Những phụ huynh lựa chọn dạy con tại nhà có thể tận dụng và phát huy phương pháp giáo dục này. Cha mẹ luôn là những người theo sát con mình, nên hơn ai hết họ hiểu đứa trẻ cần những thông tin gì và cần phải hướng dẫn chúng ra sao.
Trẻ có thể học nhiều hơn
Không sử dụng giáo trình chính thống, trẻ được giáo dục tại nhà có cơ hội khám phá nhiều chủ đề, lĩnh vực mà bình thường phải lên cấp trung học cơ sở hoặc đại học mới được dạy. Trẻ hoàn toàn có thể học tâm lý năm lớp 4 hoặc học tài chính năm lớp 8.
Mặc dù nhiều gia đình theo phương pháp giáo dục tại nhà để dạy các môn như Tiếng Anh, Toán, Khoa học và Lịch sử nhưng rõ ràng phương pháp giáo dục không chỉ giới hạn tầm hiểu biết của trẻ trong những môn học đó.
Học ở nhà, trẻ được học nhiều hơn. (Ảnh: Christian Headlines)
Mạng xã hội giúp trẻ hình thành tình bạn bền vững
Một hiểu lầm phổ biến nhất về trẻ được giáo dục tại nhà là chúng thiếu những kỹ năng xã hội. Trước khi mạng Internet ra đời, quan điểm này có phần đúng.
Tuy nhiên, học sinh ngày nay có cơ hội làm quen với những người bạn cùng tuổi ở các trường tư thục hoặc công lập. Những đứa em được giáo dục tại nhà vẫn có thể sử dụng các ứng dụng như snapchat, instagram hay facebook.
Những ứng dụng này một mặt có thể ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí là gây nghiện đối với trẻ, nhưng mặt khác có vai trò tích cực, kết nối những học sinh học tại nhà với bên ngoài, đặc biệt là với các học sinh ở trường học truyền thống với nhau.
“Các em đang làm tốt, thậm chí còn hơn thế nữa”, Brian Ray - một nhà nghiên cứu về giáo dục tại nhà đến từ Tổ chức Nghiên cứu Giáo dục Tại nhà Quốc gia từng nói.
Không có băng nhóm, bạo lực học đường
Những đứa trẻ theo giáo dục tại nhà không phải đối mặt với những tiêu cực trong môi trường giáo dục. Tuy nhiên, nhiều người lên tiếng chỉ trích phương pháp học tại nhà lại cho rằng những hạn chế của môi trường giáo dục truyền thống lại có ích để tôi luyện đứa trẻ cứng rắn hơn.
Thực tế cho thấy, những đứa trẻ bị bắt nạt thường có biểu hiện sợ hãi, trầm cảm, có kết quả tệ hơn trên lớp và không đi học đều. Trẻ được giáo dục tại nhà có thể học trong môi trường hài hòa hơn. Việc học tại nhà không tách biệt khỏi thế giới thực.
Những đứa trẻ theo giáo dục tại nhà không phải đối mặt với những tiêu cực trong môi trường giáo dục. (Ảnh: Business Insider)
Trái với tên gọi, giáo dục tại nhà chỉ diễn ra thực sự tại nhà trong một khoảng thời gian nhất định. Phần lớn hoạt động giáo dục diễn ra tại các trường cao đẳng cộng đồng, tại thư viện hoặc tại sảnh của các bảo tàng địa phương.
Claire Dickson, một sinh viên trường Harvard và từng là người học tại nhà đã chia sẻ rằng những trải nghiệm này có tác động tới trẻ thành niên nhanh chóng hơn nhiều. Việc học tại nhà sẽ nuôi dưỡng cho trẻ tư duy cởi mở.
Khi trẻ dành nhiều thời gian với người lớn ở “thế giới thực”, chúng hiếm khi nhìn nhận trường học tách biệt với các lĩnh vực đời sống khác.
Gắn bó trường đại học
Giáo dục tại nhà thực sự có ý nghĩa nhìn từ những thành tích đạt được. Các nghiên cứu cho thấy học sinh được giáo dục tại nhà thường làm tốt hơn các bài thi chuẩn hóa, gắn bó với trường đại học và làm tốt hơn khi ghi danh vào học.
Năm 2009, một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tỉ lệ tốt nghiệp đại học của học sinh giáo dục tại nhà là khoảng 67% trong khi có tỉ lệ tốt nghiệp của học sinh trường công chỉ 59%.