Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tỷ lệ ảo giảm mạnh, hơn 70% thí sinh trúng tuyển đã nhập học

(VTC News) -

Hiện hơn 70% số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ ảo năm nay giảm mạnh so với các năm trước.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, đợt xét tuyển năm nay tỷ lệ thí sinh ảo giảm đáng kể so với năm ngoái. Nguyên nhân có thể do một số thí sinh trúng tuyển nhưng lại không xác nhận nhập học vì nguyện vọng trúng tuyển không phải là nguyện vọng 1 mà chỉ là trúng tuyển ở các nguyện vọng 3, 4… Hoặc có thể trúng tuyển nhưng ngành học có mức học phí quá cao thí sinh không đủ điều kiện theo học nên các em không xác nhận nhập học và chờ cơ hội xét tuyển bổ sung. Tất cả  sẽ được Bộ GD&ĐT tổng hợp, phân tích sau khi có dữ liệu đầy đủ.

Theo thống kê, đến nay, khoảng hơn 72,41% thí sinh xác nhận nhập học - có thể thấy tỷ lệ ảo giảm mạnh so với nhiều năm.

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2022.

Theo Thứ trưởng Sơn, nếu như các năm trước, hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT chỉ hỗ trợ các trường xử lý lọc ảo đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT thì năm nay đã mở rộng lọc ảo đối với tất cả các phương thức, tổ hợp xét tuyển. 

Cơ bản đến nay hệ thống hoạt động trơn tru và tương đối ổn định. Hệ thống mang lại nhiều kết quả tích cực như thí sinh được quyền lựa chọn nguyện vọng mình ưu tiên; các trường tập trung dữ liệu để có được kết quả trúng tuyển từ hệ thống; Bộ GD&ĐT có được cơ sở dữ liệu thống nhất, minh bạch trong toàn hệ thống và khắc phục nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý.

Thứ trưởng cũng cho biết, trong quá trình chạy hệ thống có những trục trặc nhất định như buổi đầu tiên thí sinh xác nhận nhập học có xảy ra hiện tượng hiển thị thông tin trúng tuyển lặp lại - lỗi này được khắc phục ngay sau đó và không ảnh hưởng đến kết quả trúng tuyển của thí sinh; việc thanh toán lệ phí trực tuyến ban đầu cũng gặp một số vấn đề nhưng sau khi kéo dài thời gian và phân luồng thanh toán đã khắc phục tình trạng nghẽn, quá tải…

Ngoài ra, do có quá nhiều phương thức xét tuyển khác nhau đưa vào hệ thống nên trong quá trình đăng ký xét tuyển thí sinh có sự nhầm lẫn trong việc sắp xếp nguyện vọng. Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn để tổ kỹ thuật, các trường đại học sửa các lỗi nhầm lẫn, sai sót đảm bảo quyền lợi của thí sinh. 

Về tổng thể, việc tổ chức xét tuyển năm nay có sự chuyển đổi rất mạnh về mặt công nghệ, đảm bảo quyền lợi thí sinh và giảm lượng thí sinh ảo, góp phần cho việc thúc đẩy chuyển đổi số. 

Trước một số ý kiến hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT quá ôm đồm và ít nhiều làm giảm quyền tự chủ trong tuyển sinh của các trường, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, Bộ GD&ĐT xây dựng hệ thống xét tuyển nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi của thí sinh và nếu làm tốt việc này cũng đảm bảo quyền lợi cho các trường. Nếu thí sinh có cơ hội trúng tuyển nhiều hơn thì các trường cũng có cơ hội tuyển sinh tốt hơn, phù hợp hơn.

Ở góc độ quản lý, dù các trường có quyền tự chủ trong việc đưa ra các phương thức xét tuyển nhưng Bộ GD&ĐT có cơ sở dữ liệu đầy đủ về tình trạng thí sinh đăng ký, kết quả trúng tuyển ra sao, xác nhận nhập học thế nào. Trên cơ sở dữ liệu đó, Bộ sẽ có những phân tích, nhận định để làm tốt hơn công tác quản lý và hỗ trợ các trường trong việc đưa ra phương thức xét tuyển phù hợp, công bằng và đảm bảo chất lượng.

Nếu các trường có nhiều phương thức xét tuyển phức tạp, không đảm bảo quyền lợi, sự công bằng giữa các thí sinh hoặc xét tuyển vượt số lượng chỉ tiêu theo quy định thì Bộ có căn cứ và công cụ để điều chỉnh việc này. Cách làm này sẽ khiến các trường bớt tự do hơn trong một số trường hợp nhưng quyền tự chủ của các trường Bộ GD&ĐT hoàn toàn tôn trọng.

"Nhìn chung Bộ GD&ĐT xây dựng và nâng cấp hệ thống phần mềm để hỗ trợ các trường, hỗ trợ thí sinh và chỉ yêu cầu làm đúng các bước cần thiết chứ không làm phức tạp vấn đề", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Hà Cường

Tin mới