Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tỷ giá USD/VND ‘lặng sóng’ đến hết năm?

Tỷ giá USD/VND được dự báo ổn định cho tới hết năm do đồng USD suy yếu, dự trữ ngoại hối tăng và thặng dư thương mại kỷ lục.

Tỷ giá USD/VND gần như lặng sóng trong hai tháng qua. Giá USD mua bán trên thị trường tự do cũng về sát với giá USD niêm yết tại ngân hàng thương mại. Tỷ giá tại Viecombank được duy trì liên tiếp quanh 23.060 – 23.270 đồng.

Chia sẻ với VnExpress, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc khối ngoại hối và thị trường vốn HSBC nhận định, tỷ giá USD/VND trong 4 tháng cuối năm cũng sẽ ổn định. Dựa trên các yếu tố như đồng USD suy yếu, thặng dư thương mại trong 8 tháng, dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước cao kỷ lục và có thể tăng tiếp tới cuối năm, tỷ giá USD/VND đến hết năm sẽ không có biến động.

Trong cuộc khảo sát của Reuters với 75 chuyên gia ngoại hối toàn cầu, có tới 47 người dự báo đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu trong ít nhất 3 tháng tới.

Các chuyên gia này đánh giá, động lực lớn nhất cho đà tăng của đồng USD trong hơn 2 năm qua là môi trường lãi suất hấp dẫn - nay đã không còn. Tuần trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố chấp nhận thời kỳ lạm phát cao hơn và tập trung thúc đẩy thị trường việc làm. Động thái chính sách mới của Fed là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng tới đồng đôla trong 4 tháng còn lại của năm.

Khi lãi suất của Mỹ dự kiến được duy trì ở mức thấp lâu hơn như kế hoạch mới của Fed, các chuyên gia dự đoán đồng bạc xanh sẽ còn suy yếu nhẹ trong năm 2021.

Bên cạnh yếu tố đồng USD yếu, nguồn cung đôla tại Việt Nam được đánh giá dồi dào nhờ thặng dư thương mại. Dự trữ ngoại hối cũng đang ở mức cao kỷ lục, chưa kể Ngân hàng Nhà nước dự kiến mua thêm. Sáng 4/9, Thủ tướng cho biết con số dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức kỷ lục gần 92 tỷ USD và dự kiến lên 100 tỷ USD vào cuối năm nay. Tức trong 4 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước có thể mua thêm 8 tỷ USD.

8 tháng đầu năm, thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 12 tỷ USD do nhập khẩu giảm hơn 2% trong khi xuất khẩu tăng nhẹ 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư thương mại trong 8 tháng giúp Việt Nam có nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn.

Giao dịch USD tại một ngân hàng thương mại. (Ảnh: Giang Huy)

Ông Ngô Đăng Khoa nhận định, COVID-19 ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng toàn cầu, thương mại của nhiều nước đang sụt giảm. Trong bối cảnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đang khả quan so với các nước trong khu vực.

Chuyên gia của HSBC nói, hiện tại tâm lý người dân và thị trường đang khá ổn định và hợp tác trong công cuộc chủ động phòng chống dịch. "Tuy chưa thể đánh giá mức độ phục hồi, có thể nói thời điểm xấu nhất đã qua. Tôi cho rằng hoạt động thương mại của Việt Nam sẽ tiếp tục có kết quả tích cực", ông Khoa nói.

Mặc dù vậy, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, tiền đồng có thể lên giá nhẹ so với USD trong thời gian tới, nếu Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ hạn chế mua vào ngoại tệ trong ngắn hạn.

Động thái này, theo BVSC, có thể xảy ra nếu trạng thái xuất siêu của Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức cao. Gần đây, Việt Nam chịu nhiều sức ép trước các đợt rà soát của Mỹ với các nước cần theo dõi về thao túng tiền tệ.

Ba tiêu chí để xem xét một nước thao túng tiền tệ là thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD, thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP, can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ. Việc can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ ít nhất 6 trên 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng ít nhất 2% GDP trong 12 tháng.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), quá khứ cho thấy Bộ Tài chính Mỹ không cứng nhắc bám theo ba tiêu chí trên trong việc đánh giá một quốc gia thao túng tiền tệ.

Một chuyên gia lâu năm trong ngành đánh giá, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng nhưng vẫn thấp so với các nước. Chính phủ Việt Nam cũng làm việc rất chặt chẽ với Mỹ để giải quyết vấn đề họ quan ngại, để chứng minh không mua vào liên tục ngoại tệ trong cả năm hoặc không dùng công cụ tỷ giá, phá giá một cách chủ ý để hỗ trợ xuất khẩu.

KBSV cho rằng Việt Nam có thể giải giải trình với Bộ Tài chính Mỹ về nhu cầu gia tăng dự trữ ngoại hối là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam nhận được nhiều khuyến cáo của các tổ chức tài chính về thiếu hụt dự trữ ngoại hối.

Báo cáo của KBSV cũng nêu, Việt Nam có thể cải thiện tình trạng xuất siêu sang Mỹ thông qua việc cam kết mua thêm sản phẩm, hàng hóa Mỹ, đồng thời có các biện pháp hạn chế tối đa việc hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam nhằm tìm đường tới Mỹ. Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước có thể cần ưu tiên sử dụng các công cụ khác của chính sách tiền tệ ngoài việc mua tăng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ cho nền kinh tế.

Nguồn: VnExpress

Tin mới