Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Tuýt còi' gần 100 trường đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu

Năm 2021, Bộ GD&ĐT xử phạt gần 100 trường đại học tuyển vượt chỉ tiêu.

Thông tin trên được ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2021-2022 vừa diễn ra tại Đà Nẵng.

Tuyển sinh vượt 3% là bị xử phạt

Ông Cường cho biết, qua thanh tra, kiểm tra, các đoàn đã kịp ngăn ngừa, khắc phục các thiếu sót trong nhiều lĩnh vực của ngành. Các sai phạm tập trung vào nhóm tuyển sinh, thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, nhà giáo, người học không đúng quy định; vi phạm về sử dụng nhà giáo không đúng quy định của các trung tâm ngoại ngữ, việc mua và sử dụng văn bằng không hợp pháp; tổ chức các khoản thu chi không đúng quy định và thành lập cơ sở giáo dục mầm non trái phép....

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021. (Ảnh: Quang Vinh)

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong năm đầu tiên thực hiện Nghị định 04 và Nghị định 127 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, có 11 Sở GD&ĐT đã phát hiện sai phạm, bị xử phạt với số tiền 347 triệu đồng.

Riêng đối với giáo dục đại học, năm 2022 Thanh tra Bộ GD&ĐT đã xử phạt hành chính gần 100 trường đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Việc xử lý vi phạm căn cứ theo quy định của Nghị định 04, số lượng tuyển sinh của các trường vượt 3% là đã bị xử phạt. Theo ông Cường, việc thanh tra, kiểm tra để ngăn ngừa và răn đe, chứ không chỉ nhắm vào mục đích xử phạt.

Nghị định 04 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2021. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học không công bố đề án tuyển sinh, không công khai đề án tuyển sinh, tuyển sinh sai đối tượng, tuyển sinh vượt chỉ tiêu đều có thể bị xử phạt tiền, mức cao nhất là 100 triệu đồng cho một vi phạm. Nghị định cũng nêu rõ, với hành vi tuyển sinh đào tạo trình độ đại học nếu tuyển sai dưới 10 người học thì mức phạt từ 10 - 30 triệu đồng; từ 10 đến dưới 30 người học mức phạt từ 30 - 70 triệu đồng…

Tránh “giơ cao đánh khẽ”

Trước đó ở mùa tuyển sinh năm 2021, có trường đại học đã tuyển gấp 16 lần chỉ tiêu. Đơn cử như Đại học Công đoàn, theo danh sách trúng tuyển đại học chính quy năm 2021 bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, một số ngành có số thí sinh trúng tuyển vượt rất xa so với chỉ tiêu được công bố. Ngành Công tác xã hội, số thí sinh trúng tuyển là 446/200 chỉ tiêu (vượt 123%); ngành Xã hội học là 405/200, (vượt hơn 100%). Các ngành như Bảo hộ lao động, Quan hệ lao động đều vượt 80%... Như vậy có thể thấy, đa phần các ngành học của Trường đại học Công đoàn đều có thí sinh trúng tuyển vượt chỉ tiêu.

Tương tự, Đại học Kiến trúc có 19 ngành đào tạo, được chia thành 12 ngành, nhóm ngành tuyển sinh thì chỉ có 3-4 ngành có số thí sinh trúng tuyển dưới chỉ tiêu, còn lại đều vượt. Đơn cử nhóm ngành Điêu khắc và Thiết kế nội thất vượt gần 85%, ngành Thiết kế thời trang vượt 113%, ngành Quản lý xây dựng vượt 144%...

Việc xử phạt các trường đại học tuyển vượt chỉ tiêu, có 2 luồng ý kiến trái chiều. Ngay từ thời điểm áp dụng thông tư này, nhiều cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đã cho rằng mức phạt này vẫn chưa đủ sức răn đe khi so với nguồn thu học phí từ số lượng thí sinh tuyển vượt chỉ tiêu, thậm chí với các trường ngoài công lập thì 100 triệu đồng mới chỉ bằng bằng thu học phí của 2 đến 3 học sinh trong hai năm học. Trong khi đó, việc gọi số lượng thí sinh trúng tuyển vượt nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của sinh viên, từ điều kiện cơ sở vật chất đến tỷ lệ giáo viên...

Nhưng cũng có những quan điểm khác cho rằng, với trường công mà bị phạt 70 - 100 triệu đồng là cao. Theo PGS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, trường công thì liên quan tới ngân sách nhà nước, mà dùng ngân sách nhà nước để nộp phạt là một vấn đề lớn. Ngay như một trường công tự chủ như đại học Bách khoa Hà Nội, giả sử bị phạt thì lấy tiền đâu để nộp phạt? Còn lãnh đạo Trường đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội nêu quan điểm, cần phải xem xét vượt chỉ tiêu trong trường hợp nào. Cứ vượt chỉ tiêu mà phạt là không hợp lý…

Như vậy, xử lý vi phạm trong tuyển sinh đại học nếu không làm thấu đáo, rốt ráo hẳn sẽ là bài toán không đơn giản với cơ quan quản lý. Thậm chí sẽ là căn bệnh “nhờn luật” khó chữa. Làm thế nào để việc thanh tra tuyển sinh đạt hiệu quả thực sự?

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, tăng cường hậu kiểm sau tuyển sinh không chỉ nhằm phát hiện các hành vi gian dối, các vi phạm “nhãn tiền” như báo chí đang nêu ra mà phải là việc làm thường xuyên và trên diện rộng với tất cả các trường. Không nên chỉ thanh tra ngẫu nhiên một vài đơn vị và xử lý âm thầm mà nên công khai để xã hội và người dân được biết. Từ đó, tạo cơ sở, niềm tin cho người dân và thí sinh tham khảo lựa chọn trong các mùa tuyển sinh tiếp theo.

Theo ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, điều ngành giáo dục mong muốn không phải là ở những số liệu hay bao nhiêu cuộc thanh tra, kiểm tra. Cái cần rút ra là sau mỗi cuộc thanh tra chúng ta nhận được những bài học và những đề xuất gì cho người lãnh đạo, quản lý, giải pháp gì cho cơ sở giáo dục.

Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết

Tin mới