Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tuyệt sắc cảng Cái Rồng giữa nắng trưa

(VTC News) - Cái Rồng khép mở những hòn núi muôn hình vạn trạng, nhô lên khỏi mặt vịnh, chặn gió, chặn sóng, chặn đường chân trời, chặn ngang tầm mắt.

(VTC News) - Lần đầu tiên tôi đến Cái Rồng cách đây đã 6 năm. Ngày ấy, khi cùng một vị giám đốc ở Cẩm Phả ra Cái Rồng, xuống bè nổi thưởng rượu ngán, tôi cứ hỏi mãi về tên Cái Rồng mà ai cũng như ai chỉ cắt nghĩa được nửa chừng, tức chữ “Rồng” = con Rồng.

Mang câu hỏi trở về rồi lục lọi, tra cứu, liên hệ, so sánh... cũng tượng tận gốc. Hóa ra, chữ “Cái” theo nghĩa gốc là động từ rót nước, khơi nước, dẫn nước, trừu tượng hóa một chút sẽ là nâng đỡ, bao bọc.  Sau này từ “Cái” được Việt hóa, nó thành danh từ với nghĩa kênh, rạch hoặc biến âm thành Gái, Mái = Mẹ = Lớn (đường Cái là đường lớn).

Vịnh Vân Đồn nhìn từ cảng Cái Rồng 

Đẩy cửa xe khuôn đồ xuống, đầu nạp lại toàn bộ những gì đã biết về Cái Rồng, chờ một câu thắc mắc từ ai đó trong đoàn là tung võ. Nhưng... không ai hỏi cả.

Cái Rồng/Con rạch Rồng đón chúng tôi bằng một trưa nắng gắt, bốc tanh, đặc mùi của khu ngư cảng.

Chúng tôi có 3 giờ “transit” ở một quán nước kiêm quán cắt tóc gội đầu. Không hiểu sao phố huyện Vân Đồn hôm nay nhiều quán nước, kiêm quán cắt tóc gội đầu bình dân đến vậy. Phải chăng người Vân Đồn đi biển nhiều mà tóc mọc nhanh, hay những lữ khách tới đây chỉ để... cắt tóc?

3 giờ, đủ để một anh bạn đi cùng đoàn có thể cắt tóc tới 5 lượt, mỗi lượt cắt 2 phân mới trọc lóc cái đầu và vừa đến giờ tàu chạy.

3 giờ, đủ để những con nghiền chơi bài, đánh bay thùng nước lavie với luật chơi ai thua phải tu nửa chai nước. Trò chơi phạt kiểu này ít nhất hạ được 4 miệng ăn khi bữa trưa ập tới.

3 giờ, đủ để những khuôn mặt tái tím hoàn hồn, dư một khoảng dạo phố huyện ngắm nghía, sắm thêm những thứ mà đi về thời nguyên thủy chắc chắn sẽ không có.

Và 3 giờ, đủ để tôi ngắm no Cái Rồng, liếm no vị mặn dính môi, hít no mùi tanh nồng, “bắn” gần no cái thẻ máy ảnh 4G.

Cái Rồng khép mở những hòn núi muôn hình vạn trạng, nhô lên khỏi mặt vịnh, chặn gió, chặn sóng, chặn đường chân trời, chặn ngang tầm mắt. Người ta bảo biển cả bao la nhưng tôi bảo biển cả có lúc vô cùng chật chội. Ấy là khi biển làm tù nhân, bị ma trận sơn ghìm sóng, khóa lòng; Ấy là biển nằm trong vịnh - cái vịnh với những hòn Tỳ Nam, hòn Đồng, hòn Rồng, hòn Cò, hòn Cỏ, hòn Ót... đọc tên như đập phách, xướng âm.

Thuyền về cảng Cái Rồng 

Cái Rồng, 20 năm có lẻ cho tờ giấy khai sinh khuyết cha, thiếu mẹ, đến giờ vẫn giằng nhau mãi một cái tên chính danh đã đi đầu mở đường, lấn biển...

Mà giằng nhau mãi làm chi cho mệt! 20 năm có lẻ là bao? 20 năm có lẻ cũng là hậu sinh, nó bằng bao nhiêu phần so với 14.000 năm của di chỉ người Soi Nhụ và Hà Giắt, sống mãi tận thời đồ đá mới trên vùng đất này?

Cái Rồng ăn ra biển bằng cầu cảng bê tông cho thuyền bè ngay đêm tấp bến. Còn biển đã tiến, đã lùi rồi lại lùi, lại tiến với những hòn, những rặng. Sức người có hạn, thời gian một đời người có hạn vậy có đáng gì trước sức thiên nhiên vô biên, vô hạn?

Trưa “transit” Cái Rồng nắng gắt, bất giác cảm nhận về biển cả đất trời và con người đã vô tình kẹt giữa hai sự vật.

Xem những hình ảnh ở cảng Cái Rồng:

 
 
 
 
 
 

Bài và ảnh: Hà Thành

Nguồn:

Tin mới