Tuyển Việt Nam nằm cùng bảng B vòng loại thứ ba World Cup 2022 với các đối thủ: Nhật Bản, Australia, Ả Rập Xê Út, Trung Quốc và Oman. Trong số 5 đội tuyển này, Trung Quốc là đối thủ giàu duyên nợ nhất với bóng đá Việt Nam.
6 lần chạm trán giữa hai ĐTQG trong quá khứ, Trung Quốc toàn thắng. Tuy nhiên, sự tiến bộ của tuyển Việt Nam trong 3 năm qua khiến Trung Quốc phải thay đổi cách nhìn về đối thủ. Theo tờ Sohu của Trung Quốc, tuyển Việt Nam xứng đáng được tôn trọng.
Tiến Linh từng làm khổ hàng thủ U22 Trung Quốc.
"Tuyển Việt Nam chơi rất hay sau Asian Cup 2019. Họ tuân thủ lối đá kỹ thuật và có tiến bộ rõ rệt trong thời gian qua. Ở vòng bảng, Việt Nam từng dẫn Iraq tới 2-1 và chỉ thua bởi khoảnh khắc ngôi sao của Ali Adnan ở phút cuối. Trong trận thứ hai, Việt Nam thua Iran 0-2, nhưng không hề lép vế. Iran đã thắng nhờ sự tỏa sáng của tiền đạo Sardar Azmoun.
Ở vòng loại thứ hai World Cup 2022, tuyển Việt Nam cùng bảng UAE, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Nhiều người tin rằng đây sẽ là bảng đấu phức tạp, nhưng họ có thành tích đáng ngạc nhiên với 5 thắng, 2 hòa và 1 thua sau 8 trận. Tuyển Việt Nam không còn như xưa, nên Trung Quốc phải có sự quan tâm, dè chừng đúng mực", Sohu phân tích.
Tuyển Việt Nam giành vé World Cup 2022 được không?
Đặc biệt, lịch thi đấu sắp xếp Trung Quốc gặp Việt Nam ở hai trận vào ngày 7/10 (lượt đi trên sân Trung Quốc) và 1/2/2022 (lượt về trên sân Việt Nam).
Cả hai mốc thời điểm nói trên đều trùng vào những ngày lễ lớn của Trung Quốc và Việt Nam. Do đó, Sohu mong muốn tuyển Trung Quốc giành chiến thắng để nhân đôi niềm vui cho người hâm mộ.
"Hai trận đấu giữa Trung Quốc và Việt Nam đều trùng vào những ngày lễ lớn. Trận lượt đi vào ngày 7/10, đây là ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ Quốc khánh.
Trận lượt về diễn ra vào ngày 1/2, đây cũng là ngày nghỉ Tết cổ truyền của Trung Quốc và Việt Nam. Trong những ngày lễ lớn như vậy, cả tuyển Trung Quốc và Việt Nam đều muốn mang tới niềm vui cho CĐV.
Dù vậy, nhìn nhận cục diện vừa qua, đội tuyển quốc gia càng thêm gánh nặng suy nghĩ và áp lực trước trận đấu. Trung Quốc đang không chiếm ưu thế so với Việt Nam ở hai trận vòng bảng. Trước khi gặp Việt Nam, Trung Quốc phải so tài với Australia, rồi tiếp đón Nhật Bản trên sân nhà. Chúng ta khó giành kết quả tốt ở hai trận này", Sohu phân tích.
U22 Việt Nam thắng U22 Trung Quốc năm 2019.
Bên cạnh tuyển Việt Nam, báo Trung Quốc cũng đánh giá những đối thủ cùng bảng B như Nhật Bản, Australia. "Trong 5 đối thủ cùng bảng, Nhật Bản rõ ràng mạnh hơn Trung Quốc. Australia và Ả Rập Xê Út từng gặp Trung Quốc trong những năm gần đây.
Chúng ta có thắng, có thua những đối thủ này, nhưng cả Australia và Ả Rập Xê Út đều từng dự World Cup 2018 tại Nga. Kinh nghiệm thi đấu của họ nhiều hơn hẳn Trung Quốc. Australia cũng chuẩn bị hoàn thành quá trình chuyển giao lực lượng giữa lứa cũ và lứa mới.
Tuyển Trung Quốc đang có phong độ cao.
Trong nhóm hạt giống số 3, đáng tiếc Trung Quốc không nằm cùng bảng UAE. Đó là đối thủ ưa thích của Trung Quốc trong khu vực Tây Á, do UAE thi đấu tương đối chậm. Dù vậy, ở chiến dịch vòng loại thứ hai, UAE đã nhập tịch một số cầu thủ, nên sức mạnh tổng thể của đội tuyển này được cải thiện.
Ả Rập Xê Út là đối thủ cạnh tranh truyền kiếp của Trung Quốc. Họ vượt vòng loại thứ hai với thành tích thắng 6, hòa 2, loại Uzbekistan khỏi cuộc chơi. Điều này cho thấy Ả Rập Xê Út rất lợi hại. Oman cũng từng là đối thủ ưa thích của Trung Quốc, nhưng đã lâu hai đội không gặp nhau nên không thể đánh giá đội bóng này thế nào", Sohu nhấn mạnh.
Để thực hiện tham vọng dự World Cup, Trung Quốc đã nhập tịch 3 cầu thủ gốc Brazil (đều là tiền đạo) và xây dựng lối chơi xung quanh ngôi sao Wu Lei. 5 trận gần nhất, Trung Quốc toàn thắng, ghi 19 bàn vào lưới đối thủ.
Tuyển Trung Quốc đánh bại Việt Nam ở lần gần nhất chạm trán trên sân Mỹ Đình (vòng loại Asian Cup 2011), nhưng U22 Trung Quốc lại thua U22 Việt Nam trong cuộc so tài tháng 9/2019 tại Vũ Hán.
Theo BLV Vũ Quang Huy, trận đấu giữa Việt Nam và Trung Quốc rất thú vị và sẽ giải đáp cho người hâm mộ những thắc mắc về sức mạnh thực sự của cả hai.