Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tuyển sinh 2023: Chỉ tiêu xét tuyển 7 trường đại học khối ngành Y Dược

(VTC News) -

Nhiều trường đại học khối ngành Y Dược trên cả nước công bố chỉ tiêu, phương án tuyển sinh hệ chính quy năm 2023, cơ bản giống năm ngoái.

Năm nay, trường Đại học Y Dược - Đại học Huế tuyển sinh 1.600 chỉ tiêu cho 13 ngành học, trong đó ngành Y khoa lấy chỉ tiêu cao nhất 400 em.

Trường dùng 2 phương thức để xét tuyển đầu vào, gồm: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm thi tốt nghiệp kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

GS.TS Đinh Thị Thanh Hải, Phó hiệu trưởng trường Đại học Dược Hà Nội cho biết, các quy định, tiêu chí tuyển sinh năm nay được giữ ổn định như 2022 với bốn ngành, gồm: Dược học, Hóa dược, Hóa học và Công nghệ sinh học. Trừ ngành Dược học tuyển 780 sinh viên, mỗi ngành còn lại đều tuyển 60 em.

Các phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định về tuyển thẳng của Bộ GD&ĐT và nhà trường, xét tuyển kết hợp kết quả học tập THPT với chứng chỉ SAT/ACT, xét tuyển đối với học sinh giỏi các lớp chuyên của trường THPT năng khiế, chuyên cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh. Trường cũng dùng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 để xét tuyển.

Sinh viên y dược thực hành. (Ảnh minh hoạ: VNU)

Khoa Y Dược - Đại học Đà Nẵng xét tuyển hơn 150 chỉ tiêu cho 4 ngành học, gồm: Y khoa, Điều dưỡng, Răng - Hàm - Mặt và Dược học. Trường tuyển sinh chủ yếu từ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2023. Ngoài ra, trường xét học bạ (20 chỉ tiêu ngành Điều dưỡng và 20 chỉ tiêu tuyển thẳng cho tất cả các ngành học).

Trường Đại học Y tế Công cộng tuyển sinh bằng 4 phương thức, gồm: Xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2023, xét học bạ, xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2023 (chỉ thực hiện với ngành Khoa học dữ liệu).

Trường tuyển sinh 805 chỉ tiêu với 7 ngành gồm: Y tế công cộng, Kỹ thuật xét nghiệm y học; Dinh dưỡng, Công tác xã hội; Kỹ thuật phục hồi chức năng, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Khoa học dữ liệu. Trong đó, Kỹ thuật xét nghiệm y học tuyển nhiều nhất với 215 chỉ tiêu, Y tế công cộng 190 và Kỹ thuật phục hồi chức năng 130.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, phương hướng tuyển sinh năm nay của trường cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Trường dự kiến chỉ có một số điều chỉnh nhỏ về mặt kỹ thuật.

Trường áp dụng 2 phương thức xét tuyển gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển. Hai phương thức xét tuyển độc lập nhau, thí sinh có thể sử dụng cả 2 phương thức nhưng thí sinh đã trúng tuyển sẽ không được tham gia xét tuyển ở phương thức khác.

Theo PGS.TS Phạm Anh Vũ Thụy, phụ trách Phòng Đào tạo, Khoa Y - Đại học Quốc gia TP.HCM, trường tuyển sinh 5 ngành hệ đại học chính quy, gồm: Y khoa (100 sinh viên), Răng-Hàm-Mặt (50), Dược học (50), Y học cổ truyền (75) và Điều dưỡng (200).

Phương thức tuyển sinh và chỉ tiêu tuyển sinh mỗi ngành được giữ ổn định như năm 2022. Khoa Y dành 45% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, tăng 10% so với năm 2022.

Phương thức ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM được dành khoảng 15-20% chỉ tiêu, phương thức xét tuyển dựa vào kết quả các kỳ thi quốc tế là 10%. Số chỉ tiêu ở cả hai phương thức này tăng 5% so với năm ngoái.

Với các phương thức còn lại, số chỉ tiêu khoảng 5-10%. Trong đó, phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế giảm 5-10% so với năm 2022.

Đại học Y khoa Tokyo năm nay tuyển sinh gần 300 thí sinh bằng 3 phương thức xét, gồm: Xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, xét tuyển theo phương án riêng (xét học bạ, xét kết hợp bài tham luận và phỏng vấn), xét tuyển thẳng dành cho thí sinh đạt giải quốc gia.

GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội cho biết, từ nay đến 2024, trường chưa có kế hoạch tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho năm 2025, khi Bộ GD&ĐT không còn theo đuổi kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay, trường sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo ngành Y Dược để xây dựng phương án tổ chức kỳ thi riêng.

Để tổ chức kỳ thi riêng cần ngân hàng câu hỏi đủ lớn, quy mô rộng và đầu tư kinh phí tốn kém. Nếu chỉ tổ chức thi để tuyển sinh 1 -2 ngành nóng như Y đa khoa, Răng - Hàm - Mặt... thì càng không hiệu quả, các ngành còn lại ít người đăng ký xét tuyển, gây lãnh phí. Do vậy, muốn hiệu quả cần sự chung tay của các trường trong khối ngành Y Dược, chung đề thi, chung lọc ảo.

Hà Cường

Tin mới