Kinh phí tháo gỡ và lắp đặt biển hiệu mới do UBND quận Thanh Xuân chi trả từ nguồn xã hội hóa. Những biển hiệu mới này rất giống nhau về cách trang trí và phông chữ. Tuy nhiên, một số thương hiệu lớn vẫn tìm cách để giữ nguyên màu sắc nhận diện của mình. Ngoài ra, một số cửa hàng vẫn "trưng" ra những tấm biển hiệu cũ để tạo điểm nhấn, dễ dàng cho khách nhận biết hơn.
Trước nhiều ý kiến khen chê trái chiều từ phía dư luận, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào - người vừa được mời làm giám khảo Liên hoan kiến trúc thế giới Berlin đã bày tỏ quan điểm cá nhân và chia sẻ một số giải pháp mới cho các chủ của hàng.
"Cá nhân tôi ủng hộ chủ trương và quyết tâm của TP.Hà Nội khi thực hiện đồng bộ hóa biển hiệu. Tuy nhiên về cách làm thì chúng ta cần phải trao đổi thêm" - KTS Hoàng Thúc Hào chia sẻ - "Trong thực trạng các tuyến phố vẫn còn lộn xộn và ngổn ngang như hiện nay, nếu chúng ta chỉ tập trung vào biển hiệu thì e rằng chưa đủ thay đổi mỹ quan đô thị. Theo tôi để có sự nhận diện tốt hơn và tạo cảnh quan đẹp hơn thì 10 hay 15 nhà gần nhau sẽ cùng một màu sơn, có thể sơn mặt tiền hay cửa sổ mặt tiền... Đến dãy nhà khác thì lại sơn một màu sắc khác".
"Vấn đề đặt ra là chính quyền phải là phải thuyết phục được người dân có ý thức đóng góp vào lợi ích chung của đô thị" - KTS Hoàng Thúc Hào nói thêm.
Hà Nội tuyên bố sẽ lấy ý kiến, lắng nghe, tiếp thu và chỉnh sửa sao cho phù hợp. Nhưng có một điều chắc chắn rằng Lê Trọng Tấn sẽ không phải là tuyến phố duy nhất bị đồng phục hóa. Con phố tiếp theo có thể sẽ là Thái Thịnh, đoạn từ Tây Sơn đến Láng Hạ.
Phong Linh