Chủ tịch Hạ viện Mỹ lên đường công du châu Á hôm 29/7 và bắt đầu thăm chính thức các đồng minh quan trọng của Washington. Tuy nhiên, thông báo mới nhất do văn phòng của bà Pelosi đưa ra không đề cập đến đảo Đài Loan.
"Hôm nay, phái đoàn Quốc hội Mỹ sẽ đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm tái khẳng định cam kết mạnh mẽ và không thể lay chuyển của Mỹ đối với các đồng minh và bạn bè của chúng tôi trong khu vực", bà Pelosi khẳng định mục đích công du.
“Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ dẫn đầu phái đoàn Quốc hội đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm các chuyến thăm đến Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản”, trích thông cáo báo chí.
Chuyến thăm sẽ tập trung vào các vấn đề an ninh song phương, quan hệ đối tác kinh tế và quản trị dân chủ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trước đó, bà Pelosi, người đứng thứ hai trong danh sách kế vị tổng thống Mỹ, từ chối trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến kế hoạch của mình.
“Tôi không bao giờ nói về chuyến đi của mình. Đó là một mối nguy hiểm đối với tôi”, bà nói với các phóng viên hôm 27/7.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi không tới thăm Đài Loan. (Ảnh: Washington Post)
Ban đầu, bà Pelosi dự định thăm Đài Loan vào tháng 4. Kế hoạch này bị Nhà Trắng và Lầu Năm Góc phản đối, bởi động thái như vậy được cho là sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, một mối quan hệ vốn đang ở mức thấp. Chuyến đi sau đó bị hoãn do chủ tịch Hạ viện Mỹ mắc COVID-19.
Sau khi báo cáo về kế hoạch thăm Đài Loan của bà Pelosi được đưa ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 19/7 tuyên bố sẽ đáp trả bằng “các biện pháp cương quyết và mạnh mẽ” nếu chuyến đi được tiến hành. Tuyên bố này được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên lặp lại hôm 25/7.
Trong cuộc điện đàm hôm 28/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra lời cảnh báo cứng rắn đối với Tổng thống Joe Biden về vấn đề này. Đài Loan đã nổi lên như một điểm nóng đáng chú ý trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và không loại trừ khả năng thống nhất bằng vũ lực.