Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì COVID-19

(VTC News) -

Tại Hội trường Thống Nhất (quận 1, TP.HCM), diễn ra Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch COVID-19.

Video: Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch COVID-19. (Nguồn: TTXVN)

Tối 19/11, TP.HCM tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch COVID-19 tại Hội trường Thống Nhất.

Cùng thời điểm, tại TP Thủ Đức và các quận, huyện cũng thực hiện nghi thức thắp nến tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch.

Nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng tổ chức Lễ tưởng niệm và tiếp sóng chương trình từ đầu cầu TP.HCM.

Tại TP.HCM:

20h50, các đại biểu tại Hội trường Thống Nhất dâng hương hoa trước khi kết thúc Lễ tưởng niệm. Cùng lúc đó, người dân bắt đầu thả hoa đăng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

 

Người dân thả hoa đăng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

 

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè rực sáng với đèn hoa đăng.

Chị Ngọc, (ngụ phường 25, quận Bình Thạnh, công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM) cho biết, hôm nay chị tới đây để tưởng niệm cho những đồng bào, cán bộ, chiến sĩ không may qua đời vì COVID-19, cầu nguyện cho những linh hồn được siêu thoát, an nghỉ nơi vĩnh hằng; cũng như chia sẻ những mất mát, đau thương không gì bù đắp được với thân nhân những người đã khuất.

Chị Ngọc tham gia Lễ tưởng niệm từ rất sớm, để chia sẻ nỗi đau, mất mát với đồng bào.

"Thực sự vô cùng đau xót, có những bệnh nhân chỉ quay đi quay lại đã trút hơi thở cuối cùng mà không có cách nào cứu chữa. Họ ra đi trong cô độc, không lời trăn trối, không lời nhắn nhủ với gia đình. Nỗi đau này để nhắc nhở người dân chúng ta không bao giờ được quên sự hy sinh mất mát của hàng vạn đồng bào tử vong vì COVID-19, cũng như để những người ở lại đề phòng, cảnh giác với dịch bệnh, vượt qua những khó khăn và từng bước trở lại cuộc sống bình thường mới", chị Ngọc xúc động nói.

Người dân TP.HCM cầm hoa trắng, thắp đèn hoa đăng tưởng nhớ đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19.

 

Bà Phụng (65, tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) tới chùa Pháp Hoa từ sớm để tham gia Lễ tưởng niệm. Tuy không có người thân mất vì COVID-19, nhưng bà Phụng vẫn tới đây vì đồng bào đã qua đời do COVID-19. "Tôi không có người thân mất vì COVID-19 nhưng tôi đến đây vì đồng bào, vì những người đã hy sinh cho dân thành phố khỏe mạnh, tôi rất cảm ơn các lực lượng chức năng, y bác sĩ, quân đội đã giúp thành phố dần khoẻ trở lại", bà Phụng nói.

 

 

Chị Lan, ngụ phường 21, quận Bình Thạnh cho hay, hôm nay chị đến điểm lễ tưởng niệm thật sớm để chia sẻ với những mất mát, đau thương không gì bù đắp được của hơn 2 vạn đồng bào, chiến sĩ đã mãi mãi ra đi vì COVID-19.

Chị Lan, ngụ quận Bình Thạnh tới Lễ tưởng niệm từ rất sớm, chị không giấu nổi xúc động khi nhớ lại thời gian điều trị COVID-19 ở bệnh viện dã chiến.

Bản thân chị Lan cũng là F0 đã khỏi bệnh, nhớ lại những ngày điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 13 chị Lan không cầm nổi nước mắt khi chứng kiến rất nhiều người đã ra đi mà không có người thân bên cạnh.

“Mình không còn biết dùng từ gì để diễn tả nữa, thật sự rất đau thương, mỗi lần mình nghĩ lại là lại khóc thật to”, chị Lan nghẹn ngào.       

20h25, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu từ đầu cầu TP.HCM.

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu từ đầu cầu TP.HCM.

Ông Đỗ Văn Chiến đánh giá dịch bệnh đã lây lan cho hơn một triệu người, cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 đồng bào.

“Nỗi đau đến tột cùng khi nhiều người đến lúc "nhắm mắt xuôi tay" không có người thân ở bên cạnh, không lời trăng trối. Nhiều gia đình có 2-3 người tử vong, có những người đại dịch đã cướp đi cả cha mẹ, người ruột thịt. Có những em bé sinh ra không được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ, không được uống giọt sữa đầu đời”, ông Chiến xúc động nói.

Đại dịch khiến hàng nghìn người già yếu không nơi nương tựa, hơn 2.600 trẻ mất cha mẹ. Nhiều người khi mất chưa được tổ chức lễ tang chu đáo theo phong tục, tập quán, để lại nỗi day dứt trong lòng người thân và đồng đội.

“Trong giờ phút thiêng liêng này, xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt đồng bào, đồng chí và kiều bào ta ở nước ngoài đã tử vong và hy sinh vì dịch bệnh”, ông Chiến nói.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ông kêu gọi đồng bào đề cao ý thức phòng chống dịch, không lơ là, chủ quan nhưng không hoang mang, hốt hoảng. “Nhất định đất nước ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục phát triển hơn nữa, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”, ông nói.

 

20h05, bắt đầu trình chiếu phóng sự "Cuộc chiến sinh tử" về quá trình chống đại dịch COVID-19 ở TP.HCM. Điểm cầu chính ở TP.HCM, tiếp sóng tới Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trình chiếu phóng sự "Cuộc chiến sinh tử".

20h15, nhiều người dân ở TP.HCM chắp tay bái vọng, tưởng nhớ đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19.

Người dân bái vọng từ chùa Pháp Hoa (TP.HCM).

19h50, ngay từ sớm, lãnh đạo TP.HCM đã có mặt để chỉ đạo công tác chuẩn bị. 

Tại điểm cầu Hội trường Thống Nhất TP.HCM, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP.HCM đã có mặt như ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước; ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng...

Các nguyên lãnh đạo cũng có mặt, gồm nguyên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình; nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa tới Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì đại dịch COVID-19.

Đội nghi lễ vào vị trí, chuẩn bị bắt đầu Lễ tưởng niệm.

19h55, để chuẩn bị cho lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19, các tăng ni Phật tử chùa Pháp Hoa đã làm 2021 hoa đăng để thả trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Chùa Pháp Hoa (TP.HCM) rực sáng, chuẩn bị cho Lễ tưởng niệm.

19h, ông Dương Tấn Khanh, Trưởng phòng Văn hoá, Thông tin và Thể thao quận Bình Thạnh cho biết, để tổ chức buổi lễ tưởng niệm thật trang trọng, quận đã tổ chức diễn tập từ hôm qua. Đúng 20h30, Lễ tưởng niệm sẽ được tiến hành.

Tại quận Bình Thạnh (TP.HCM), chính quyền và người dân chuẩn bị chu đáo cho Lễ tưởng niệm.

"Chúng tôi mong làm sao để buổi lễ đậm dấu ấn trang trọng, nhằm chia sẻ những mất mát, đau thương đối với thân nhân các nạn nhân tử vong cũng như cán bộ, chiến sĩ hy sinh do dịch COVID-19", ông Khanh nói.

Đầu cầu Bình Thạnh sẽ tiếp sóng chương trình Lễ tưởng niệm.

Dự kiến quận Bình Thạnh sẽ tổ chức thả 400 đèn hoa đăng trên kênh Nhiêu Lộc, do lãnh đạo quận, thân nhân các nạn nhân tử vong do COVID-19 và các bạn đoàn viên thanh niên thực hiện.

Lúc 19h, Nhà thờ Tân Định (quận 3) thắp sáng đèn, chuẩn bị cho trước giờ Lễ tưởng niệm.

Nhà thờ Tân Định, quận 3, đã sáng đèn, chờ tới Lễ tưởng niệm.

Bên trong nhà thờ, người dân tới đọc kinh tại nhà thờ, trước giờ diễn ra Lễ tưởng niệm.

Tại Hà Nội:

Lãnh đạo TP Hà Nội và người dân dâng hương hoa tưởng nhớ đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19.

 

 

Dâng hương hoa tưởng nhớ những người đã qua đời vì COVID-19.

 

 

 

19h55, lãnh đạo Hà Nội đã có mặt tại Công viên Thống Nhất, chuẩn bị tham dự Lễ tưởng niệm từ đầu cầu Thủ đô.

Lãnh đạo Hà Nội có mặt từ sớm chuẩn bị cho buổi lễ.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng tham dự buổi lễ từ đầu cầu Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh tham dự buổi lễ từ đầu cầu Hà Nội.

Tối 19/11, tại Công viên Thống Nhất (quận Đống Đa, Hà Nội), Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành sẽ tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sỹ hy sinh do đại dịch COVID-19.

Công viên Thống Nhất (Hà Nội) trước giờ diễn ra Lễ tưởng niệm.

An ninh thắt chặt bên ngoài Công viên Thống Nhất.

Người vào dự Lễ tưởng niệm phải khai báo y tế và quét mã QR trên Sổ sức khoẻ điện tử

Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) sẽ là điểm cầu chính với 1.000 đại biểu tham dự là đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và TP.HCM; thân nhân, gia đình đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19. Còn tại TP Thủ Đức và các quận, huyện, số lượng tham dự giới hạn 100 đại biểu/địa phương.

Tại Lễ tưởng niệm, sẽ trình chiếu một số hình ảnh, phóng sự; phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; nghi thức tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19.

Các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ…) cùng đánh chuông tưởng niệm; các tàu, thuyền, sà lan… đang lưu đậu tại các khu vực cảng kéo còi tưởng niệm lúc 20h30.

Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, người dân trên địa bàn được vận động tắt đèn và thắp nến tại khu vực công cộng, đường đi bộ, công viên, khu dân cư, căn hộ, khách sạn, văn phòng, nhà dân.

Các quận 1, 3, 4, 5, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình sẽ tổ chức thả hoa đăng tại tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hũ - Bến Nghé vào lúc 20h35 cùng ngày.

Nhóm PV

Tin mới