Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tướng Nguyễn Thị Xuân: Có cán bộ sợ trách nhiệm khi mua sắm vật tư chống dịch

(VTC News) -

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân nêu thực trạng một số cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm khi mua sắm vật tư chống dịch trong phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 25/7.

"Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiệm vụ quan trọng cấp bách hiện nay là đầu tư, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, đang có những vướng mắc về mặt pháp lý, xuất hiện tâm lý sợ trách nhiệm, trông chờ dựa vào cấp trên của một số cán bộ chủ trì ở những cấp có quyết định đầu tư, mua sắm trực tiếp. Chưa kể có thể xuất hiện một số tình huống phát sinh phức tạp hơn nữa", Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cho hay. 

Theo Thiếu tướng Xuân, mặc dù Chính phủ đã ra nghị quyết, chỉ thị liên quan đến phòng chống dịch, nhưng dưới góc độ quản lý nhà nước, các quyết định chỉ đạo của Chính phủ vẫn chưa đủ mạnh, quy trình thủ tục vẫn có độ trễ lớn.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk).

Về quyết định bổ sung nội dung về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 vào chương trình để đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, nữ đại biểu đoàn Đắk Lắk cho rằng nên có nghị quyết chuyên đề riêng, với tên gọi riêng. 

"Đây là nghị quyết mang tính lịch sử, ban hành tại thời điểm lịch sử và cho một giai đoạn hết sức lịch sử. Với sức mạnh lịch sử như vậy, nghị quyết xứng đáng có tên gọi riêng", đại biểu Xuân nói. 

Theo nữ đại biểu, do tình hình dịch bệnh phức tạp, tình hình sản xuất kinh doanh rất khó khăn, nguồn thu ngân sách không vững chắc, có thể suy giảm không chỉ năm nay mà còn những năm sau. Do vậy, tiết kiệm chi ngân sách lúc này là rất cần thiết.

Đại biểu Xuân đề nghị Chính phủ tính toán để tiết kiệm tối đa các khoản chi thường xuyên, chưa cần thiết, giảm thiểu hội họp, công tác đông người, tạm dừng dự án đầu tư công không trọng điểm, tập trung nguồn tiền cho việc mua bán và sản xuất vaccine, bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.  

Về đảm bảo sản xuất, lưu thông sản phẩm, nông sản thiết yếu, Thiếu tướng Xuân cho rằng TP. HCM là một thực trạng. 

"Cần kết hợp chuỗi sản xuất, lưu thông sản phẩm nông nghiệp đến các đô thị và các vùng dịch, đảm bảo vận chuyển nông sản thực phẩm nhanh nhất, ngắn nhất, hiệu quả nhất. Tôi cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, xem xét báo cáo chính phủ về việc xuất khẩu gạo phải đảm bảo an ninh lương thực trong tình huống xấu nhất", bà Xuân cho hay. 

Song Hy

Tin mới