“Tôi nhập ngũ tháng 2/1965 sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Trong 10 năm ở chiến trường (1965 – 1975) tôi đã tham gia 4 chiến dịch, bao gồm: Chiến dịch Mậu Thân (1968), Chiến dịch đường 9 - Nam Lào (1971), Chiến dịch Quảng Trị (1972) và Chiến dịch Mùa Xuân 1975”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Anh hùng LLVTND nói với phóng viên VTC News trong cuộc phỏng vấn mới đây.
Trong 10 năm ấy, tôi đã trực tiếp tham gia 67 trận đánh, chủ yếu là các trận đánh ở mặt trận Bình - Trị - Thiên. Tôi nhớ mãi trận tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới Mỹ ở Sáp Đá Mài (Tân Kim, Cam Lộ, Quảng Trị) đêm 4 rạng sáng 5/4/1970.
Thất bại Xuân Mậu Thân 1968 khiến chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ phá sản. Với bản chất hiếu chiến, ngoan cố, Mỹ chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, tiếp tục cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam. Mỹ tập trung tất cả các lực lượng, nguồn lực như không quân, hải quân, lính thuỷ đánh bộ, kỵ binh bay, Sư đoàn bộ binh số 1 (Anh cả đỏ), Sư đoàn bộ binh 25 (Tia chớp nhiệt đới)…
Thời điểm này, Mỹ áp dụng chiến thuật “Trâu rừng” của tướng Abrams (*), tức là vào ban ngày chúng dùng xe tăng càn quét kết hợp với hoả lực cả ở trên không, dưới biển, mặt đất để tiêu diệt quân giải phóng.
Tối đến, chúng sẽ quay lại khu vực có thể bảo vệ toàn bộ lực lượng, mỗi đại đội sẽ tạo thành một cụm với khoảng 16 – 17 xe tăng. Gọi là chiến thuật “Trâu rừng” vì ta cứ hình dung chúng (xe tăng) như đàn trâu, cụm vào một điểm rất khó đánh. Phía trước quân Mỹ ủi đất để chống B40 của ta bắn vào, cùng với đó là dây thép chắn phía trước, hoả lực của ta sẽ bị ngăn lại, không thể trúng xe tăng được.
Chúng ta tìm đủ mọi cách đánh, tiêu diệt từng chiếc xe tăng, rồi ba chiếc một, nhưng xong là chúng kéo về khắc phục, sửa chữa…
Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội bàn chiến thuật để tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới Mỹ tại Sáp Đá Mài (Tân Kim, Cam Lộ, Quảng Trị) tháng 4/1970
Lúc đó tôi là đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27, mặt trận B5. Tôi được cấp trên giao nhiệm vụ đưa một đại đội luồn vào bên trong, đánh sâu từ bên trong lòng địch, tiêu diệt một cụm bộ binh cơ giới Mỹ ở Sáp Đá Mài bằng B40, B41 và lựu đạn chống tăng. Chúng tôi huấn luyện để người lính nào cũng có thể sử dụng thuần thục tất cả các loại vũ khí, kể cả đồ cướp được của địch, có thể dùng để đánh trả địch.
Sau 4 ngày đêm, chúng tôi trinh sát, nắm quy luật, đêm mùng 4 rạng sáng 5/4/1970, tôi đã đưa cả đại đội vào vị trí phía nam cụm bộ binh cơ giới Mỹ, vì phía trước họ cảnh giác rất cao nên phải luồn vào trong để đánh cụm phía sau. Nhờ cách đánh luồn sâu, đánh từ phía sau, đánh bên trong lòng địch nên địch bất ngờ, phản ứng rất yếu kém, bị tiêu diệt trong khoảng thời gian rất ngắn.
Khoảng 3h30 - 4h sáng, chúng tôi bám sát 16 chiếc xe tăng, có những xạ thủ chỉ cách mục tiêu 15 – 20m. Xe tăng của Mỹ chủ yếu là M48, M41 và thêm xe bọc thép M113.
Xe tăng M48 của thủy quân lục chiến Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, chiếc này có trang bị ủi đất
Xe tăng M41 trong một cuộc tập trận của lính Việt Nam cộng hòa
Theo hiệp đồng, phát súng đầu tiên phải bắn vào xe chỉ huy của địch, sau đó đồng loạt các hướng nổ súng tấn công.
Tôi ra lệnh cho đồng chí Khoét, xạ thủ B41, bắn một phát trúng xe chỉ huy địch, xe bùng cháy. Tôi cho bắn hai phát nữa để tiêu diệt hoàn toàn cụm chỉ huy. Các trung đội còn lại của ta đồng loạt tấn công. Chỉ trong vòng 15 phút, chúng tôi tiêu diệt 8 xe tăng, 30 phút tiếp theo tiêu diệt thêm 8 chiếc, làm chủ hoàn toàn chiến trường.
Lúc này, sâu trong lòng cứ điểm của địch đã có báo động, các cụm xe đều nổ máy, trên trời rợp máy bay OV10, L19… Chúng tôi giải quyết chiến trường rồi cho anh em lùi về phía sau theo từng tổ ba người.
Đánh nhau ở chiến trường này nhiều năm, chúng tôi rất thạo địa hình nên ẩn nấp và tắt máy vô tuyến để tránh bị địch phát hiện. Theo quy định phải ẩn nấp đến tối mới bắt đầu quay trở lại căn cứ.
Sáng hôm đó, đến 9h, các cụm xe Mỹ ở xung quanh mới dám nhúc nhích dưới sự chi viện của máy bay để tiến vào cụm chỉ huy mà chúng ta đã tiêu diệt trong đêm ở Sáp Đá Mài.
Những chiếc xe tăng cháy được quân Mỹ cẩu về Đông Hà và Bái Sơn. Còn số lính Mỹ chết ở đó được trực thăng mang đi. Suốt ngày hôm đó, cho đến 16h, toàn bộ cụm bộ binh cơ giới Mỹ ở khu vực Tân Kim rút hết về Đông Hà. Chúng tôi đã góp phần đánh bại chiến thuật “Trâu rừng” của tướng Abrams.
Sau đó 5 ngày, tôi được bổ nhiệm làm tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, đơn vị chủ công của Trung đoàn 27.
Video: Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể chuyện hóa giải ‘trận pháp trâu rừng’
Trong Chiến dịch đường 9 - Nam Lào tôi đang là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 27, mặt trận B5, có nhiệm vụ cắt đứt đường tiếp tế của Mỹ vào Bản Đông (theo báo Quảng Trị, Bản Đông thuộc tỉnh Savannakhet, Lào - PV).
Ngày 9/3/1971, tôi đã bố trí Tiểu đoàn 3 ở gần đường 9 (gần căn cứ của Mỹ) dài khoảng 5 km.
Lúc đó, đoàn xe đầu tiên của địch (mỗi đoàn khoảng 30 - 50 chiếc gồm xe vận tải, xe cơ giới) có xe tăng, hoả lực bảo vệ và trực thăng dẫn đường nên chúng tôi để chúng đi, để khiến chúng chủ quan, rằng không có quân giải phóng mai phục.
Đoàn thứ hai có khoảng 50 xe, chúng vẫn rất cảnh giác, nhưng chúng tôi đã đưa địch vào thế bị phục kích, đồng loạt nổ súng, chặn đầu và khoá đuôi, hai bên sườn đánh vào. Trong vòng 45 phút, chúng tôi tiêu diệt 28 xe và cắt đứt luôn đường tiếp tế của địch. Những đoàn phía sau thấy bị chặn nên đã quay đầu, chạy ngược về Đông Hà.
Nếu như tổ chức tốt hơn, chúng tôi có thể tiêu diệt thêm vài chục xe nữa.
… Sau trận đánh tại Đường 9, tôi và trung đoàn trưởng Phạm Minh Tâm được tư lệnh Lê Trọng Tấn và chính ủy Lê Quang Đạo cho đi cùng ra dự Tổng kết Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào.
Tôi được trực tiếp báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về trận đánh này. Đại tướng rất hoan nghênh và nói rằng: “Phải huấn luyện và đánh tốt hơn. Không chỉ đánh phục kích mà phải đánh được cả các chiến thuật khác tuỳ vào tình hình thực tế ở Quảng Trị”.
Nếu nói đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, phải nhắc đến cuộc hành quân thần tốc xuyên Việt. Lúc đó tôi là trung đoàn trưởng Trung đoàn 27.
Chúng tôi thực hiện cuộc hành quân bằng cơ giới từ Tam Điệp (Ninh Bình) vào để dự bị đánh Huế nhưng ngày 26/3/1975 thì Huế đã được giải phóng. Chúng tôi vào bán đảo Sơn Trà, sau đó được lệnh quay ra Đông Hà và bắt đầu cuộc hành quân theo đường Trường Sơn Đông, tập kết tại Đồng Xoài, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Khi chúng tôi hành quân đến đèo Ang Bun (trên đường Trường Sơn) thì nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đài 15W với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”.
Tôi phổ biến mệnh lệnh này cho cán bộ, chiến sĩ. Anh em đang mệt nhọc, bừng dậy, tiếp tục hành quân vào tập kết ở Bình Phước và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Đêm 29/4/1975, chúng tôi đã đến Búng, cách Lái Thiêu khoảng 10 km. Lúc đó, trục đường 13 mịt mù đêm tối. Chúng tôi theo hiệp đồng của mặt trận, ở đó có cơ sở cách mạng, hô mật khẩu “Hồ Chí Minh” mà đáp lại “Muôn năm” thì đúng là của ta.
Trong khu vực Búng có một căn nhà đơn sơ nhưng có ánh đèn, còn những căn nhà khác đều tắt hết. Tôi cho anh em bám qua nghĩa địa, trinh sát vào đọc tín hiệu “Hồ Chí Minh” ba lần thì mãi sau có một bà má khẽ mở cánh cửa ra đáp “Muôn năm, muôn năm, muôn năm”. Đúng rồi, là cơ sở của ta.
Tôi và chính uỷ Trịnh Văn Thư cùng tổ trinh sát vào nhà. Trong căn nhà có má và có 2 người con là em Phước 16 tuổi và Đức 14 tuổi.
Tôi đặt bản đồ chỉ huy lên bàn có đèn dầu và nói: “Thưa má, con là chỉ huy của Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam. Sáng mai chúng con có nhiệm vụ theo quân đoàn 13 đánh vào Sài Gòn. Đề nghị má cung cấp các thông tin mà má biết”.
Má nhìn tấm bản đồ chỉ huy của tôi, nói má không rành. Má chạy vào nhà một lát rồi đưa một tấm bản đồ, trải ra rồi nói: “Đây, các con đang đứng ở đây. Từ đây theo trục đường 13 vào thì qua Lái Thiêu. Các con phải đánh rất nhanh và nhanh chóng đánh chiếm cầu Vĩnh Bình thì mới vào được Sài Gòn”.
Tôi hỏi lại má rằng còn đường nào vào Sài Gòn nữa không thì má bảo có đường sắt Lái Thiêu nhưng xe tăng không đi được.
Má cung cấp tất cả thông tin xong thì bảo: “Sáng mai má sẽ cùng hai con lên xe tăng dẫn bộ đội đánh vào”.
Tôi đáp lại: “Chúng con cảm ơn má. Má đã già, các em còn nhỏ. Chúng con đánh xong sẽ quay về cảm ơn má và đồng bào”.
Sáng 30/4/1975, theo đúng quy định của mặt trận, 5h bắt đầu tấn công. Tấn công qua Lái Thiêu thì bắn cháy 3 xe. Tiểu đoàn 5 của tôi giải phóng quận Lái Thiêu luôn. Toàn bộ đội hình của trung đoàn bằng cơ giới và xe tăng vào đánh chiếm cầu Vĩnh Bình.
Cầu Vĩnh Bình trên Quốc lộ 13 dẫn từ Bình Dương về Sài Gòn
Anh hùng Hoàng Thọ Mạc (ảnh: báo Quân đội nhân dân)
Đánh đến cầu Vĩnh Bình là vào khoảng 9h sáng. Địch bắn sang, ta bị hỏng một xe. Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc nhảy xuống dùng B41 bắn cháy ba xe của địch, sau đó đồng chí bị thương và hy sinh. Tôi quyết định đưa thi thể đồng chí Hoàng Thọ Mạc lên xe tăng cùng tiến vào Sài Gòn.
Khoảng 10h30 thì chiếm được Bộ Tư lệnh Thiết giáp quân ngụy ở Gò Vấp và chiếm luôn 13 căn cứ hậu cần, tiếp quản luôn Tổng y viện Cộng hòa.
Sau chiến dịch, đồng chí Hoàng Thọ Mạc được tuyên dương anh hùng, có lẽ là người anh hùng đầu tiên của Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Sau khi Chiến tranh Nam Tư kết thúc, tôi nhận nhiệm vụ là đặc phái viên của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà dẫn một đoàn sang đó để nghiên cứu.
Đoàn công tác đầy đủ các thành phần, bao gồm đại diện hải quân, lục quân, không quân… và đặc biệt là lực lượng kỹ thuật. Nhiệm vụ quan trọng nhất mà tôi được giao phó là nghiên cứu về chiến tranh điện tử. Lúc bấy giờ Việt Nam cũng đã có Cục Tác chiến Điện tử, có Thiếu tướng Nguyễn Duy Bi là cục trưởng đi cùng đoàn.
Chúng tôi phải đi với danh nghĩa là đoàn du lịch chứ không công khai, từ Việt Nam qua Thái Lan, qua Thuỵ Sĩ, sau đó mới vào Nam Tư.
Chúng tôi được gặp tất cả lãnh đạo như Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng và các bộ ban ngành của Nam Tư, nghe họ trao đổi tình hình, diễn biến. Đoàn đi thực địa để biết được hậu quả từ các loại tên lửa của địch bắn vào Nam Tư. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu cách đối phó của nước bạn.
Thời điểm đó, tôi rất ấn tượng khi gặp một tốp sinh viên dùng tác chiến điện tử để khống chế, làm tê liệt bộ máy chiến tranh của đối phương. Tôi đã giao Thiếu tướng Nguyễn Duy Bi nghiên cứu kỹ để xem cách xử lý của nước bạn. Đây hoàn toàn không phải là lực lượng quân đội mà là những sinh viên giỏi chuyên nghiên cứu khoa học.
Họ nói rằng, thời điểm chiến tranh tại Việt Nam, Mỹ sử dụng tên lửa Shrike (tên lửa chống radar AGM-45 Shrike - PV). Nếu địch bắn vào trận địa tên lửa của ta mà ta tắt radar đi thì sẽ bắn trật ra ngoài. Nhưng thời điểm Chiến tranh Nam Tư, dù tắt radar thì tên lửa vẫn định vị được và bắn trúng mục tiêu. Công nghệ đã thay đổi rất nhiều.
Tư lệnh Không quân của Nam Tư hy sinh là do đến thăm trận địa tên lửa. Khi đó, họ đã tắt toàn bộ hệ thống radar, nhưng địch vẫn định vị được và phóng tên lửa đúng vào đó.
Nam Tư huấn luyện lực lượng chính quy, bắn máy bay theo radar nhưng không hạ được. Sau đó họ sử dụng pháo 57 mm, giống như cách mà Việt Nam đã từng áp dụng, nhìn máy bay bằng mắt thường và bắn, ba khẩu pháo tập trung bắn một máy bay.
Máy bay rơi nhưng họ không bắt được phi công vì địch điều trực thăng đến cẩu đi. Điều này hoàn toàn khác biệt so với Việt Nam vì chúng ta thực hiện chiến tranh nhân dân, khi máy bay rơi, nhân dân đã bao vây để bắt phi công luôn rồi.
Chúng tôi chia sẻ với nước bạn kinh nghiệm đánh bộ binh, kể cả bộ binh cơ giới ở chiến trường Nam Việt Nam. Chúng tôi cũng đã rút được rất nhiều kinh nghiệm và lớn nhất là việc tác chiến điện tử.
Chiến tranh thông thường và chiến tranh công nghệ ở mức độ nhất định thì chúng ta đã trải qua rồi.
Nghĩ về chiến tranh trong tương lai và thực tiễn của các cuộc chiến tranh đã xảy ra thì phải tính đến các biện pháp đối phó chiến tranh vũ trụ. Các nước lớn đang tính toán để đưa vũ khí vào vũ trụ. Các nhà khoa học quân sự phải nghiên cứu để tìm cách đối phó.
Chiến tranh không gian mạng có thể khống chế cả một khu vực trong những khoảng thời gian nhất định, làm đối phương tê liệt và rối loạn về thông tin. Thế giới đang tập trung vào cái này, còn Việt Nam chỉ mới “khởi nghiệp”, nhiều hạn chế.
Điều này bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân vì chúng ta chỉ mới trả qua tác chiến điện tử ở mức độ nhất định. Việt Nam mới chỉ thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng từ năm 2017, nên cần phải đầu tư, kể cả con người và công nghệ thì mới có thể theo kịp tình hình hiện nay.
Hay như chiến tranh sinh học. Có thể trong tương lai, người ta không sử dụng vũ khí hoả lực mà là vũ khí sinh học. Vấn đề này cũng cần được nghiên cứu kỹ và có cách đối phó.
Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm trong chiến tranh thông thường nhưng chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh sinh học thì còn hạn chế nên về mặt chiến lược cần có định hướng, xây dựng đội ngũ thực thi các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
Để tránh được các cuộc chiến tranh thì việc đầu tiên chúng ta phải tự quyết định vận mệnh của mình, bằng sức mạnh Việt Nam, bằng văn hoá Việt Nam, bằng truyền thống Việt Nam, bằng nghệ thuật chiến tranh nhân dân để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Không thể dựa vào nước này, mong đợi vào nước kia vì bài học đã có rồi.
Muốn làm được điều này thì phải khôn khéo để thực hiện đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, “Việt Nam sẵn sàng làm bạn, làm đối tác tin cậy của tất cả các nước. Việt Nam tranh thủ sự đồng tình của tất cả các nước trên mọi mặt từ ngoại giao, kinh tế, quốc phòng an ninh cho đến khoa học, kỹ thuật…”.
Xin cảm ơn ông!
(*): Tướng Creighton Williams Abrams, Jr., (1914 -1974), sĩ quan quân đội Mỹ, một trong những chỉ huy xe tăng thiện chiến nhất trong Thế chiến thứ hai. Ông ta thống lĩnh các lực lượng Mỹ tại Việt Nam từ 1968-1972, giữ chức Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ từ 1972–1974.
(Từ điển bách khoa Britannica)
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Anh hùng LLVTND, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng tham mưu trưởng. Ông sinh năm 1947, quê xã Hải Long, huyện Hải Hậu, Nam Định. Năm 40 tuổi, ông được phong tướng, là vị tướng trẻ nhất của quân đội ta lúc đó.