Trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đưa ra các kiến nghị nhằm cải thiện công tác cứu hộ, cứu nạn ở khu vực miền núi.
Thứ nhất, Thiếu tướng đề nghị về lâu dài, Chính phủ nên chủ động đánh giá lại toàn bộ các khoản đầu tư, không những vào thủy điện mà kể cả phủ xanh về rừng, đặc biệt là các khu vực sạt lở.
"Mặc dù đã dự báo tốt rồi nhưng vẫn cần đánh giá. Ví dụ như Trạm 67, nơi đoàn cán bộ Quân khu 4 của Thừa Thiên Huế bị nạn vốn đã được xây dựng ổn định mấy chục năm rồi. Hoặc là khu vực sạt lở vùi lấp 22 chiến sĩ của Đoàn 337 cũng đã lâu rồi. Khu vực địa chất ở đó tương đối ổn định mà nay lại có những trận lũ quét, lũ ống đặc biệt nghiêm trọng như vậy", ông Nghĩa cho hay.
Tướng Đặng Ngọc Nghĩa dẫn chứng cụ thể vị trí Trạm Kiểm lâm 67 là vùng rất rộng trên 5.000 m2, cách xa núi 300-400m, hay như vị trí đóng quân của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 đã gần 30 năm. Ông Nghĩa cũng thừa nhận thực tế xảy ra những điều bất khả kháng, khác với những phương án đã diễn tập, luyện tập hàng năm khi cứu hộ, cứu nạn vùng bão lũ.
Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa. (Ảnh: VOV)
Từ đó, ông Nghĩa đề nghị cần đánh giá lại toàn bộ khu vực miền núi để xem xét về nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, lũ ống. Đặc biệt là khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, rồi vùng Tây Bắc.
Thứ hai, cần phải trang bị thêm các phương tiện hiện đại. Ví dụ, khi xảy ra tình huống, cần phải có định vị, phương tiện để phát hiện con người nhằm đưa ra các phương án cấp cứu kịp thời.
Ngoài ra, cần chú trọng vào các phương tiện cơ động trong đêm.
"Phương tiện thủy của chúng ta còn khiêm tốn, chưa hiện đại. Sông Bồ, ngược lên là vùng Rào Trăng 4, rất nguy hiểm. Các chiến sỹ công an phải chèo xuồng cứu hộ. Mà ở đó có những vụ chìm xuống do dòng nước xoáy rồi", vị đại biểu Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.
Thứ 3 là, chú trọng "tại chỗ cho người dân".
"Có dự báo thời tiết, phải chỉ đạo cơ động ngay. Lực lượng kiểm lâm, những người làm ăn trên nương rẫy phải cơ động ngay. Nhiều năm chúng ta đã làm tốt vấn đề này nhưng vừa rồi, có những cái bất khả kháng".
Ngoài ra, theo ông Nghĩa, vấn đề dự báo và quan trắc cũng hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, cũng nên tính tới vấn đề phủ sóng điện thoại. Như trường hợp Rào Trăng vừa rồi không có sóng, người dân phải trèo lên đồi mới có thể liên lạc được.