“Đối tượng tung tin đồn thất thiệt gây thiệt hại không kém gì những tội phạm nghiêm trọng trong các lĩnh vực khác, thậm chí là nặng nề hơn. Cần quan điểm mạnh mẽ trong bảo vệ doanh nghiệp, thị trường và trật tự xã hội, không dừng lại ở phạt hành chính với các đối tượng vi phạm”, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nêu quan điểm trước tình trạng thông tin thất thiệt đang tăng nhanh.
Tràn lan tin đồn, doanh nghiệp thiệt hại hàng nghìn tỷ
Liên tiếp những ngày qua, nhiều đối tượng liên quan việc tung thông tin sai sự thật lên mạng xã hội đã bị cơ quan chức năng xử lý. Đáng chú ý, ngày 27/10, Tòa án Nhân dân Quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) tuyên án 2 năm tù đối với Facebooker Đặng Như Quỳnh về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Theo cáo trạng, từ cuối năm 2019 đến tháng 4/2022, bị cáo sử dụng tài khoản Facebook “Đặng Như Quỳnh” đăng tải nhiều bài viết hoặc chia sẻ lại bài viết của người khác, bao gồm nội dung ám chỉ về việc các cơ quan tố tụng sẽ xử lý hình sự đối với Chủ tịch HĐQT một tập đoàn lớn.
Thông tin này sau đó đã lan truyền tại nhiều diễn đàn mạng xã hội, kéo theo phản ứng tiêu cực của hàng loạt nhà đầu tư. Liên tiếp các phiên chứng khoán sau đó, nhiều cổ phiếu của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn bị bán tháo, trong khi trước đó có xu hướng tăng. Riêng vốn hóa mã chứng khoán của một đơn vị lớn trên thị trường đã giảm tới 5.200 tỷ đồng chỉ trong vài ngày.
Đặng Như Quỳnh nhận mức án 2 năm tù giam với cáo buộc đăng bài viết sai sự thật.
Cũng liên quan các doanh nghiệp lớn, trước đó, ngày 11/7/2022, chủ tài khoản “Hoàn Tô”, tức Tô Vĩ Hoàn, cũng bị xử phạt vì đăng tải thông tin sai sự thật về việc một lãnh đạo tập đoàn bị cấm xuất cảnh. Đối tượng này bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng, yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai sự thật. Ngoài ông Hoàn, cơ quan chức năng còn xử lý 9 đối tượng khác ở 7 tỉnh, thành phố cùng tung tin đồn có nội dung tương tự.
Mới đây nhất, ngày 30/10/2022, Cục An ninh Chính trị Nội bộ, Cục An ninh Kinh tế - Bộ Công an phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội đã làm việc với Nguyễn Xuân Lượng (trú tại huyện Chương Mỹ) và Bùi Tiến Dũng (trú tại huyện Thanh Oai) về hành vi sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội đăng tải, bình luận thông tin sai sự thật về thị trường tài chính, chứng khoán, gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an đối với các nhà đầu tư.
Tại buổi làm việc, Nguyễn Xuân Lượng và Bùi Tiến Dũng đã thừa nhận hành vi vi phạm. Cơ quan công an đang củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 29/10, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, khẳng định, có thông tin thất thiệt, cả trong và ngoài nước, liên quan tới Tập đoàn đầu tư An Đông gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng thị trường chứng khoán và hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Trung tướng Xô cũng nêu thực tế, trong 10 tháng năm nay, Bộ Công an khởi tố 527 vụ vi phạm trên không gian mạng, tăng so với cùng kỳ năm trước.
“Cần xử lý mạnh tay, dứt khoát và nhanh chóng để bảo vệ doanh nghiệp, thị trường”
Với hàng loạt tin đồn thất thiệt thời gian qua, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI - cho rằng, thiệt hại từ những đối tượng này mang lại nghiêm trọng không kém tội phạm ở nhiều lĩnh vực khác, thậm chí nặng nề hơn.
Điều nguy hiểm hơn được ông Đức chỉ ra, đó là thiệt hại không chỉ tính bằng tiền, mà là sự mất lòng tin vào doanh nghiệp và cả thị trường.
“Đây là thiệt hại không thể đo lường được, bởi niềm tin không chỉ ảnh hưởng giao dịch hiện tại của một doanh nghiệp mà của cả thị trường, không chỉ trong hiện tại mà cả trong tương lai”, vị luật sư nói.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, mỗi tin đồn sẽ tạo ra nhiều vòng ảnh hưởng trong thời gian dài. Với một số doanh nghiệp nhỏ, tin đồn sẽ sớm bị quên lãng. Tuy nhiên, với các đơn vị, tập đoàn lớn, tin đồn tạo thành ấn tượng xấu và dai dẳng với người tiếp nhận.
Tâm lý ấy khó thay đổi trong một sớm một chiều, thậm chí tồn tại trong nhiều năm. Trong khi ấy, với bất kỳ doanh nghiệp nào, niềm tin chính là yếu tố sống còn, quyết định thành bại trong kinh doanh.
Từ hậu quả nghiêm trọng ấy, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc xử phạt hành chính hiện nay 10-20 triệu đồng là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Đặc biệt là hành vi này có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nền kinh tế có khi lên tới cả trăm, nghìn tỷ đồng.
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI. (Ảnh: Tiền Phong).
Luật sư Đức chỉ ra, tại nhiều quốc gia phát triển, có các quy định rõ ràng về vấn đề tin giả trên mạng xã hội với mức phạt rất nặng, cả hành chính lẫn hình sự. Ở Việt Nam, ngoài tuyên truyền cho người dân, điều quan trọng, theo luật sư này, cần tăng mức xử phạt, gồm cả xử lý hình sự các đối tượng tung tin sai sự thật.
Theo ông, các đối tượng tung tin đồn thất thiệt hoàn toàn có thể bị xử lý về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 - Bộ luật Hình sự với mức phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội có thể bị phạt tù từ 2-7 năm.
“Cần xử lý mạnh tay, dứt khoát và nhanh chóng để bảo vệ doanh nghiệp, thị trường, bảo vệ an ninh kinh tế, trật tự xã hội. Ngoài ra, cần xử lý những vụ việc điển hình một cách kịp thời, nghiêm minh, để chính những người vi phạm và nhà đầu tư, người dân cảm nhận được bằng thực tế”, ông Trương Thanh Đức nêu ý kiến.
Trả lời báo chí mới đây về vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đặt ra vấn đề, tin đồn ngoài xuất phát từ sự suy diễn, cũng có nguyên nhân do phá hoại. Do đó, theo ông, tùy tính chất, mức độ, ý thức chủ quan của người tung tin đồn, hậu quả hành vi mà cơ quan chức năng có thể áp dụng biện pháp xử lý bằng pháp luật cho đúng.
“Những hậu quả do người tung tin đồn gây ra rất lớn, không thể chỉ xử lý hành chính, mà cần phải xem xét xử lý hình sự nhằm tạo sự răn đe cho kẻ khác”, ông Vân khẳng định.