Nguồn gốc của tục xông đất
Theo quan niệm truyền thống, sau thời điểm Giao thừa, người nào bước vào nhà đầu tiên cùng với lời chúc mừng năm mới thì đó là người xông đất. Mỗi phong tục tập quán đều có những ý nghĩa nhất định, theo quan niệm truyền thống của người Á Đông, ngày mùng 1 của năm sẽ có những ảnh hưởng lớn đến các ngày còn lại.
Nếu ngày mùng 1 mọi chuyện suôn sẻ thì người ta tin rằng cả năm sẽ được an lành, nhiều điều may mắn, vạn sự như ý. Do vậy, việc chọn người xông đất đầu năm rất quan trọng, chọn người có tính tình vui vẻ, hòa đồng, có đạo đức tốt và thành công trong công việc làm người mở đầu trong ngày mùng 1 cho gia chủ để có một năm may mắn, tài lộc.
Ngoài ra, người thân trong gia đình cũng có thể tự xông đất cho nhà mình. Thông thường người được chọn xông đất cho gia đình thường ra ngoài từ lúc chưa hết giờ trừ tịch và dự lễ tại đình chùa sau đó xin hương hái lộc. Lúc trở về nhà cũng là lúc bước sang năm mới, mang lại sự may mắn, tốt lành cho gia đình.
Tục xông đất được thực hiện vào ngày đầu tiên của năm mới. (Ảnh: Lao Động)
Ý nghĩa tục lệ xông nhà đầu năm
Người Việt Nam từ xưa rất coi trọng tục “xông đất đầu năm” bởi sự xông đất, xuất hành, những cử chỉ đầu tiên, những lời nói đầu năm đều có ảnh hưởng trong năm. Khi lễ Giao thừa đánh dấu một năm đã qua, nhường cho năm mới tốt đẹp đến, nhà ở được coi như hoàn toàn đổi mới, người bước chân tới xông đất sẽ là sứ giả do sự may mắn đưa đến.
Thông thường gia chủ sẽ có ý định mời người nào đó xông đất cho nhà mình. Người được mời xông đất sẽ được gia chủ sẽ dựa vào sức khỏe, đức tài, sự thành đạt…để dự đoán vận hạn của gia đình mình trong năm.
Hầu hết ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam, phong tục xông đất đều tương tự như nhau. Người đến xông đất thường đem theo những phong bao lì xì để mừng tuổi trẻ con, người già và chúc mừng năm mới đến toàn thể gia đình. Sau đó, người xông đất sẽ được gia chủ chúc mừng năm mới và ngồi chơi nói chuyện chỉ khoảng 5 đến 10 phút rồi xin cáo từ chứ không nên ở lại lâu.
Tục xông đất thể hiện tinh thần hướng đến những điều tốt lành, may mắn và cầu mong một năm mới mọi sự đều thuận lợi cho các thành viên trong gia đình. Một số gia đình chọn hình thức xông nhà theo cách chọn một người trong gia đình hiền lành, tốt vía và mát tay sẽ ra khỏi nhà trước thời khắc Giao thừa.
Người này sẽ đi xin lộc ở chùa, đi cúng bái sau đó về nhà sau thời điểm Giao thừa. Họ sẽ tự xông nhà và hứa hẹn sẽ đem lại an lành và may mắn cho cả gia đình. Bằng cách này, sẽ không phải nhờ đến người xông nhà, tục lệ xông nhà sẽ diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng, hứa hẹn một năm cũng suôn sẻ và mọi sự thuận lợi.