Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Từ vụ Nhật Nam, chuyên gia cảnh báo chiêu núp bóng 'kêu gọi đầu tư' để lừa đảo

(VTC News) -

Theo chuyên gia, kêu gọi đầu tư khi bị biến tướng sẽ chỉ là một chiêu bài để thu hút tiền của người sau để trả cho người trước nhằm chiếm đoạt tài sản.

Ngày 8/9, Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Vũ Thị Thúy (SN 1983), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam.

Công an xác định, Vũ Thị Thúy đã đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án, cam kết trả lãi suất từ 34-46% để người dân tin tưởng nộp tiền vào công ty dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh rồi lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước. Với thủ đoạn trên, Vũ Thị Thúy đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng hơn 10.000 cá nhân với tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. 

CEO Công ty bất động sản Nhật Nam Bà Vũ Thị Thúy bị khởi tố, tạm giam. 

Trước vụ việc chấn động này, các chuyên gia kinh tế đã lên tiếng cảnh báo về sự biến tướng của chiêu bài kêu gọi đầu tư, trả lãi suất cao không tưởng rồi chiếm đoạt tài sản nhà đầu tư.

TS Nguyên Minh Phong cho rằng, việc huy động vốn trả lãi cao có phải là lừa đảo hay không còn tuỳ thuộc vào việc doanh nghiệp thực hiện lời hứa thế nào. Nếu họ hứa trả lãi cao mà trả được thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu hứa mà không trả được. lại vẫn không ngừng huy động vốn thì có dấu hiệu lừa đảo.

Ví dụ như Công ty Nhật Nam, hứa trả lãi 46%/năm, thậm chí tới 70% hay 80%/năm, trả lãi theo ngày nhưng chỉ trả lãi nửa tháng rồi dừng hẳn; cam kết mua lại cổ phiếu của nhà đầu tư nhưng cũng không thực hiện, trong khi vẫn thừa nhận không còn khả năng thanh toán và vẫn tiếp tục huy động vốn thì đó là hành vi lừa đảo.

Ông Phong cũng cho rằng, cần thận trọng trước những mức lãi được đưa ra cao bất thường, vượt trội so với bối cảnh chung, bởi phần lớn sẽ không đáng tin cậy.

“Đó thực ra chỉ là mánh lới để thu hút lượng tiền của nhà đầu tư sao cho ngày càng nhiều hơn nhằm dùng của người sau trả cho người trước rồi chiếm đoạt. Bởi vì trên thực tế, những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả cũng không thể nào kham nổi mức lãi trên trời đó để trả đúng hẹn cho nhà đầu tư”, ông Phong phân tích.

Khuyến cáo nhà đầu tư cần phải tỉnh táo, không sập bẫy hành vi núp bóng huy động vốn để lừa đảo, ông Phong nhấn mạnh, trước khi đầu tư, cần tìm hiểu kỹ nơi rót tiền, xem năng lực, lịch sử của họ ra sao.

“Nếu chỉ là lời hứa thì không lấy gì để đảm bảo, đó là vô nghĩa. Trong thời buổi này, nhà đầu tư không nên chỉ lấy lời hứa làm điểm tựa để tin tưởng. Như thế chẳng khác nào ngân hàng cho vay vốn mà không cần thế chấp. Và vấn đề quan trọng là cần hiểu rằng không thể dễ kiếm tiền, bởi nếu dễ kiếm tiền như vậy, bản thân những người kêu gọi vốn đầu tư cần gì phải huy động vốn của các nhà đầu tư”, ông Phong nói.

Trong khi đó, TS Võ Trí Thành cho rằng, việc lừa đảo huy động vốn đầu tư có thể nhận diện qua những dấu hiệu sau:

Thứ nhất, lợi ích mà người kêu gọi góp vốn đưa ra quá cao, hấp dẫn bất thường.

Thứ hai là tính thực thi cam kết trong huy động vốn, góp vốn.

Thứ ba là sự xa dời tài chính, kinh tế thực

Thứ tư là những điểm tương đồng với những tình huống, câu chuyện, những vụ án đã từng xảy ra.

Theo ông Thành, phần lớn những chiêu lừa đảo, lừa dối nhà đầu tư đã diễn ra với những hình thức, cách thức, mánh lới có thể khác nhau nhưng bản chất vẫn thế, vì vậy nhà đầu tư cần tỉnh táo nhận diện.

“Nếu cứ liên quan đến tài sản, tài chính thì cần hết sức cẩn trọng. Nếu không tỉnh táo, không có hiểu biết, không có cách tìm hiểu thông tin về đối tượng mà mình muốn đầu tư thì rất dễ sa vào mê cung và mất trắng tài sản”, ông Thành nói.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, phần lớn những hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư trước đó thường được đánh bóng tên tuổi bằng những thông tin sai sự thật, được thổi phồng để trở nên hấp dẫn trong mắt mọi người.

Ví dụ Vũ Thị Thúy đã thổi phồng việc Công ty Nhật Nam có nhiều bất động sản, dự án đầu tư. Hay trên website của Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam (songdanhatnamgroup.vn) cũng giới thiệu với những lời có cánh: "Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam được biết đến là công ty hoạt động kinh doanh đa lĩnh vực với trọng tâm là hai lĩnh bất động sản và tài chính. Bên cạnh đó, Sông Đà Nhật Nam còn sở hữu một chuỗi hệ thống dịch vụ gồm: nhà hàng, khách sạn, spa, karaoke…

Hiện nay, công ty đang sở hữu rất nhiều bất động sản trải dài từ Bắc tới Nam, bao gồm: TP.HCM, Tây Ninh, Phú Quốc, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội...Các quỹ đất này đều nằm ở vị trí đắc địa đã giúp Sông Đà Nhật Nam triển khai được nhiều những chiến lược kinh doanh nổi bật và phù hợp hơn, từ đó đạt được nhiều thành tựu đáng nhớ.

Người đứng đầu và điều hành thời điểm hiện tại của công ty Sông Đà Nhật Nam là Chủ tịch Vũ Thị Thúy. Ngoài quỹ tài sản khổng lồ, chị Vũ Thị Thúy còn sở hữu hệ sinh thái riêng đa lĩnh vực với quy mô lớn. Nắm giữ thế mạnh về tiềm lực tài chính, vị nữ chủ tịch lại càng tự tin hơn trên thị trường bất động sản khi đóng vai trò là người đầu tàu của Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam".

Những lời giới thiệu "có cánh" về Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam và Vũ Thị Thúy. (Ảnh chụp màn hình)

Trước đó, nhiều cảnh báo đã đưa ra rằng Công ty Nhật Nam có hành vi huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Biểu hiện rõ nhất, sau khi ký hợp đồng và nộp tiền, các nhà đầu tư sẽ được chi trả lợi nhuận hàng ngày vào tài khoản. Nhưng Công ty Nhật Nam không sử dụng tài khoản công ty mà sử dụng tài khoản các cá nhân như của Vũ Thị Thúy (Giám đốc) để chuyển tiền. Đây là “chiêu” lách luật, trốn thuế và bộc lộ phần nào “bản chất” của trò chơi mạo hiểm.

Theo cơ quan chức năng, mục đích sử dụng vốn huy động của Công ty Nhật Nam có nhiều dấu hiệu nghi vấn, khả năng hoạt động theo mô hình “Ponzi” (lấy tiền của người trước trả cho người sau). Đến một thời điểm nào đó Công ty Nhật Nam không còn khả năng chi trả cho nhà đầu tư sẽ nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.

PHẠM DUY

Tin mới