Chuyện một người đàn bà sinh con rồi bỏ con xuống hố ga là một hành động giết chết nhân tính. Không có bất cứ lý do nào có thể biện minh cho hành động ác hơn cả hoang thú này. Cái gì dẫn đến lòng nhân ái và sự độc ác của cái gọi là con người ? Đó là văn hóa.
Chúng ta luôn hiểu điều đó. Nhưng chúng ta thực sự làm gì cho văn hóa? Câu hỏi đó vang lên chứa đựng ngay trong đó sự xấu hổ. Vừa rồi, báo chí lên tiếng về một chương hình nhân đạo đang đứng trên bờ vực của sự kết thúc. Đó là chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly.
Chương trình này trong suốt 13 năm qua tìm lại cho hàng chục ngàn gia đình có những người ruột thịt “lạc” nhau bởi rất nhiều lý do. Hiện có gần 100 ngàn gia đình đang hy vọng tìm lại những người ruột thịt của mình thông qua chương trình truyền hình nhân đạo này. Chương trình này đánh thức lương tâm từ một người rất trẻ đến một người già đang sống bình an và hạnh phúc trong ngôi nhà của mình.
Việc tìm lại những người trong một gia đình phải ly tán nhau hàng chục năm không chỉ là việc đoàn tụ của một gia đình. Nó mang ý nghĩa nhân văn rộng lớn hơn hàng vạn lần. Nó làm cho con người suy nghĩ về mối quan hệ của mình với gia đình mình và với những người thân yêu. Nỗi sợ hãi lớn nhất là con người “lạc nhau” trong chính ngôi nhà mà họ đang cùng sống. Nỗi sợ hãi ấy đang hiển hiện trong không ít những ngôi nhà và thực tế nó đang lớn dần lên.
Những cuộc hội ngộ đầy cảm động trong chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly".
Hành động cha mẹ, con cái, anh em, vợ chồng…giết nhau như chúng ta đã biết là sự “lạc nhau” kinh hoàng nhất. Với những nỗi kinh hoàng ấy, đáng lẽ văn hóa phải được coi như cơm ăn nước uống hàng ngày của mỗi gia đình, của mỗi quốc gia. Nhưng sự thật là văn hóa hàng ngày đi qua đời sống chúng ta như một người dưng.
Bởi thế mà tôi cứ phải cất lên câu hỏi: Những hành động văn hóa như chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly vì sao lại phải kết thúc? Chỉ vì chương trình không thể tìm được kinh phí thực hiện. Hóa ra, từ đầu đến giờ chương trình này được xã hội hóa. Thực lòng, tôi cứ nghĩ đó là một trong những chương trình quan trọng nhất của Chính phủ thông qua Đài Truyền hình Việt Nam, thì đơn vị này phải giữ lấy mà cũng đâu khó để giữ.
Nhưng tôi sai lầm một cách ngớ ngẩn. Đầu tiên chương trình này được phát trên VTV1, rồi sau đó nó chuyển sang kênh khác như thể người ta “giấu” chương trình này vào một chỗ kín đáo. Vì sao lại như vậy ? Không ít người nói với tôi vì nó không có khả năng kiếm được nhiều tiền quảng cáo như ban đầu nữa. Chẳng lẽ lòng nhân ái và giáo dục nhân văn lại chỉ có giá trị khi nó mang về nhiều và nhiều tiền hơn nữa hay sao?
Vì có một chút khó khăn kinh tế (như lời khai của người đàn bà bỏ chết con đẻ) người ta sẵn sàng làm những điều độc ác? Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ rằng: Vì sao có những công trình như dựng cổng chào…tốn hàng trăm, hàng ngàn tỷ thì người ta cố “biện minh” mọi nhẽ để làm, còn một chương trình nhân văn sâu sắc như vậy chỉ tốn vài tỉ thì người ta bỏ quên. Cái chết của nhân tính bắt đầu từ đây.
Tiền rất quan trọng. Ai cũng cần có tiền trong đó có tôi. Nhưng nếu chúng ta coi tiền là tất cả thì những chuyện kinh hãi như chuyện cha mẹ, con cái, anh em, vợ chồng…giết nhau sẽ là chuyện thông thường trong một ngày gần đây. Đến lúc đó, tiền sẽ giúp các ngươi được điều gì?
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận phía dưới.