Video: Công an phường mặc quần đùi, áo cộc đi xử lý bán hàng rong ở Hà Nội
Phản hồi bài "Công an phường mặc quần đùi, áo cộc đi xử lý bán hàng rong ở Hà Nội", hầu hết độc giả đều thể hiện sự bất bình trước hành vi của anh công an phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội. Trong clip do người đi đường ghi lại, một phụ nữ bán hàng rong giằng co với nam thanh niên mặc quần đùi, áo cộc vì bị thu hàng hóa trước cửa xe thùng biển xanh có chữ "cảnh sát". Thanh niên này sau đó được lãnh đạo Công an phường Phúc Lợi xác nhận là thành viên của đơn vị.
Một số độc giả lo ngại rằng, việc công an không mặc sắc phục khi xử lý vi phạm có thể dẫn đến các hậu quả xấu, như khiến người dân lo ngại không biết mình có đang được làm việc với công an thật sự hay không, sợ gặp phải kẻ xấu giả danh công an, hoặc phát sinh các tiêu cực...
NMH: Nhiệm vụ không đòi hỏi phải hóa trang, mật phục..., nếu không ăn mặc nghiêm chỉnh, quân hàm quân hiệu đầy đủ, tùy tiện về điều lệnh... thì dễ dẫn đến xử lý cũng tùy tiện và dễ sinh ra tiêu cực.
Phạm Tiến Dũng: Nếu một tên nào đó lợi dụng đóng giả công an thì sao nhỉ?
Lehuan: Nếu để những người mang mác công an nhưng không mặc sắc phục đi thi hành công vụ, ai tin đây là công an? Mọi người sẽ cho rằng đây là công an rởm hoặc trấn lột đội lốt công an.
Hình ảnh cắt từ clip.
Mai Anh: Là người dân, nếu gặp một người đàn ông tự xưng cảnh sát đòi xử lý mình nhưng anh ta lại không mặc sắc phục, tôi sẽ rất hoang mang, không biết người này có thật sự là cảnh sát hay kẻ xấu giả mạo để gây sự, vòi vĩnh mình. Nhất là nếu như tác phong, cách ăn nói của người đó không mẫu mực, tôi càng không thể khẳng định thật giả. Vì vậy, mong cơ quan công an xử lý nghiêm anh chiến sĩ trong clip để các anh khi đi làm nhiệm vụ thì giữ đúng tác phong, để người dân an tâm, tin tưởng.
Thành Trung: Tôi không rõ anh công an trong clip không mặc quân phục khi xử lý hàng rong thì có sai với quy định của ngành không, nếu sai sẽ phải xử lý thế nào. Nhưng tôi cho rằng chỉ trừ những trường hợp cần thiết, cán bộ chiến sĩ công an khi làm việc với dân, nhất là khi xử lý vi phạm hành chính, cần mặc trang phục công an với đầy đủ phù hiệu, phụ kiện, có bảng tên để dân biết mình được làm việc với ai. Nếu mặc thường phục, chúng tôi dựa vào đâu để biết mình đang làm việc với công an thật. Nếu bị họ thu xe, thu hàng hóa chẳng hạn, không chịu thì sợ chống người thi hành công vụ, mà chấp hành nhỡ gặp kẻ xấu đóng giả công an thì sao?
Bên cạnh đó, nhiều độc giả cho rằng việc chiến sĩ công an trong clip mặc quần đùi, áo cộc khi tiếp xúc với dân, xử lý vi phạm là bất lịch sự, thiếu nghiêm túc khi làm nhiệm vụ, thiếu tôn trọng người dân.
Linh Anh: Đừng nói là công an khi làm nhiệm vụ phải ăn mặc nghiêm túc. Bất cứ ai, thuộc ngành nghề gì cũng phải ăn mặc lịch sự khi làm việc, không thể quần đùi áo cộc như thế này được.
Huyền Thương: Cách ăn mặc, đi đứng, nói năng của đồng chí công an này thể hiện anh ta xem thường nhân dân, xem thường nhiệm vụ của mình.
Doàn Xuân Hòa: Hết sức phản cảm. Đi xe cảnh sát mà ăn mặc như vậy khác nào mấy kẻ trấn lột ở chợ mà tòa vừa xử thời gian qua. Cần xử lý nghiêm.
Đào Vinh: Chú công an trẻ sai rồi, đi làm việc không mặc đúng điều lệnh lại chỉ có một mình? Hoan hô công dân chỉ ngay ra cái sai của chú công an trẻ.
Pham Thien: Công an sao lại nhếch nhác thế? Chỉ huy là ai đây?
Trọng Đức: Trong 5 lời thề danh dự của Công an nhân dân Việt Nam, lời thề thứ 3 là kính trọng, lễ phép với nhân dân. Trong 10 điều kỷ luật của Công an nhân dân Việt Nam có câu "Có thái độ niềm nở, lịch sự, đúng mực khi tiếp xúc với mọi người". Anh công an trong clip mặc quần đùi, áo cộc khi tiếp xúc với dân, cách giao tiếp cũng không chuẩn mực, lịch sự.
Hùng: Không mặc sắc phục đã là sai rồi. Đây còn là quần đùi áo cộc, quá bất lịch sự, không có chút nghiêm túc nào.
Bạn có đồng tình với các quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới?