Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Từ phong trào 'Chủ nhật xanh' đến cái Tết 'sạch như Huế' khiến dân cố đô tự hào

(VTC News) -

"Sạch như Huế" là cụm từ được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây và Tết này cũng hiếm có nơi nào sạch như Huế, có được điều này là nhờ vào phong trào "Chủ nhật xanh".

Sau 01 năm triển khai đề án "Ngày Chủ nhật xanh", phong trào tạo được sức lan tỏa rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Cũng từ đó, mảnh đất cố đô trở thành điểm sáng trong toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường và "nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần".

Tết này, hiếm có địa phương nào xanh và sạch như Huế. (Ảnh: Trần Thiện)

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ít nhất 3 lần biểu dương, khen ngợi, đánh giá cao sự lan tỏa của phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” của địa phương, nhất là phong trào “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, xem đây là mô hình điểm cho các bộ ngành, địa phương trong cả nước học tập, nhân rộng.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá, chưa bao giờ có một phong trào nào mà tỉnh Thừa Thiên - Huế đón nhận được sự đồng thuận cao của người dân đến như vậy.

Giờ đây, đến nhiều cơ quan, công sở ở Thừa Thiên - Huế, dễ nhìn thấy là những chai thủy tinh đựng nước trên bàn ở phòng họp, phòng làm việc thay cho chai nhựa như trước đây.

Tại nhiều siêu thị, chợ, việc sử dụng giấy báo, lá cây gói hàng thay cho túi ni lông cũng đã được triển khai.

Có được thành quả "sạch như Huế" là nhờ phong trào "Chủ nhật xanh" do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khởi xướng mà ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh này luôn là người đi tiên phong và hâm nóng cho phong trào. Trong hình là cảnh ông Thọ cùng nhân dân huyện vùng cao A Lưới trồng cây hưởng ứng phong trào "Chủ nhật xanh".

Trong nhiều cuộc gặp mặt cán bộ, người dân, món quà mà ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trao tặng hàm chứa tình cảm và thông điệp về bảo vệ môi trường đó là giỏ nhựa đi chợ và chai thủy tinh đựng nước.

Phong trào này cũng được nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước và các bộ, ngành Trung ương học tập và áp dụng.

Để tạo được sức lan tỏa này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, kiên trì với quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh. Trong nhiều tháng đầu phát động phong trào, đích thân ông Phan Ngọc Thọ đến tận các vùng quê cùng người dân nhặt rác, vệ sinh môi trường.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận định: “Lãnh đạo, người đứng đầu chỉ làm gương chứ không làm thay. Ngày Chủ nhật xanh không chỉ đơn thuần là thu dọn rác, tạo cảnh quan môi trường, điều quan trọng phong trào hướng tới là thay đổi nhận thức của người dân, để người dân thật sự là chủ nhân của phong trào. Nếu bạn nhặt rác thì sẽ có một người nhặt rác cùng bạn và bớt đi một người xả rác".  

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tặng chai nước thủy tinh cho Thủ tướng Chính phủ với mong muốn phong trào"Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần" được lan tỏa mạnh trên toàn quốc.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, những ngày cuối năm 2019, Đảng bộ và nhân dân vui mừng khi Bộ chính trị ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đây là tiền đề và cơ sở cũng như khẳng định hướng đi đúng của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong thời gian quan khi luôn xem công tác bảo vệ di sản, môi trường là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá: “Có thể một thời gian nữa nền kinh tế của tỉnh mới theo kịp các địa phương bạn. Nhưng điều chúng ta có thể tự hào và sánh vai với bất cứ đô thị nào đó là những giá trị văn hóa, lịch sử, con người mà Huế đã và đang có, và không gì hơn khi giá trị ấy được tỏa sáng trong một không gian xanh - sạch - sáng”.

Trong suốt một thời gian dài, Thừa Thiên - Huế luôn kiên định và đặt sự phát triển bền vững lên hàng đầu, chú trọng bảo vệ môi trường, xanh hoá đô thị, phát triển du lịch xanh.

Cùng với phong trào Ngày Chủ nhật xanh thì các mô hình khác cũng đang triển khai có hiệu quả như mô hình "Huế - thành phố bốn mùa hoa", "Dòng Hương trong xanh", "60 phút sạch nhà đẹp ngõ", "Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - trật tự trị an"...

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng từng kêu gọi mỗi người dân trồng một cây xanh để góp phần làm cho Huế ngày càng xanh, sạch đẹp, văn minh hơn.

Hiện nay, Huế là đô thị có mật độ cây xanh cao nhất cả nước, với hơn 64.000 cây xanh trên đường phố, công viên. Nhờ đó, tiêu chuẩn về không khí ở Huế luôn đảm bảo.

“Thừa Thiên Huế đã và đang nâng cao vị thế trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế thông qua những phong trào, hoạt động tích cực hướng đến bảo vệ môi trường. Tôi không mong Huế có thể sánh vai cùng Singapore nhưng tôi muốn làm thay đổi nhận thức của người dân, đưa Huế trở thành một địa phương kiểu mẫu về môi trường, một quê hương bình an và hạnh phúc để ai ai cũng muốn tìm về", ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế bày tỏ.

Không gian xanh đang là nét đẹp đặc trưng của đô thị Huế (Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải)

Những ngày Tết Canh Tý, ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ hình ảnh những công nhân môi trường đang cần mẫn dọn rác trên sông Hương khiến cộng đồng mạng xúc động. 

Người dân cố đô tự hào, Tết này hiếm có nơi nào xanh và sạch như Huế bởi đa phần cán bộ, nhân dân địa phương này luôn có ý thức bảo vệ môi trường và chủ động làm sạch môi trường họ đang sống. Từ đó mà cụm từ "sạch như Huế" luôn được nhiều du khách ví von khi đến tham quan đất cố đô. 

NGUYỄN VƯƠNG

Tin mới