Myanmar ngày càng lún sâu vào cuộc khủng hoảng chưa có lời giải, khi làn sóng người biểu tình ngày càng có những hình thức phản đối quyết liệt đối với chính quyền quân sự. Mới đây nhất là các cuộc “biểu tình im lặng” (Silent strick) với mục tiêu khiến cho kinh tế Myanmar kiệt quệ, chính quyền quân sự không thể duy trì sự thống trị, quản lý của mình với một nền kinh tế tồi tàn.
Trước tình hình Myanmar hiện nay, anh Nguyễn Doãn Hưng, một doanh nhân người Việt có nhiều năm học tập, kinh doanh tại Myanmar có thư gửi báo VTC News, chia sẻ về diễn biến ở quốc gia Đông Nam Á này, cũng như đưa ra những nhận định, quan điểm của người đang ở trong “tâm điểm khủng hoảng” về cuộc chính biến Myanmar.
Đường phố Yangon trống vắng do người dân "biểu tình im lặng".
Từ biểu tình bất bạo động
Từ sau đảo chính hôm 1/2, làn sóng biểu tình ở Myanmar bùng nổ và diễn ra sôi nổi, nhiều ngày liên tục và trên nhiều địa phương ở quốc gia Đông Nam Á này. Cuộc đấu tranh của người biểu tình diễn ra với nhiều hình thức khác nhau, từ đình công, bất bạo động… cho đến bạo động. Tuy nhiên, đến nay, phong trào phản đối chính quyền quân sự tại Myanmar vẫn được đánh giá mang tính ôn hoà, ủng hộ chính quyền dân sự được bầu.
Làn sóng biểu tình diễn ra trên quy mô lớn với sự tham gia của hàng chục nghìn người, trong đó có đầy đủ các tầng lớp học sinh, sinh viên, công chức, nhân viên văn phòng…. Các cuộc biểu tình này ra yêu sách đòi trả tự do cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và lãnh đạo cao cấp của đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) đang bị bắt giữ, khôi phục chính quyền dân sự…. Tuy nhiên, nhiều cuộc biểu tình cũng đã biến thành bạo động trên đường phố, với sự trấn áp của chính quyền quân sự.
Đáng chú ý, quá trình đấu tranh, người biểu tình dựng lên “phong trào bất tuân dân sự” (CDM), kêu gọi cán bộ công chức, đội ngũ y bác sỹ, công nhân, nhân viên… đồng loạt nghỉ việc, không phục vụ chính quyền quân sự. Đến nay, phong trào này đã duy trì được 1,5 tháng, xảy ra trên quy mô toàn quốc, với đầy đủ các lĩnh vực ngành nghề. Mục tiêu của “phong trào bất tuân dân sự” là để chính quyền không có nguồn thu để duy trì hoạt động.
Bên cạnh đó, phong trào trừng phạt xã hội (society punishment) cũng nhận được sự chú ý của người Myanmar trong thời gian qua. Theo đó, những người trong lực lượng vũ trang như cảnh sát, quân đội và người thân trong gia đình sẽ bị xã hội lên án và tẩy chay (không bán hàng, không phục vụ…). Tẩy chay các công ty thuộc sở hữu của quân đội. Nhân viên xin nghỉ việc tại các công ty này, và không sử dụng sản phẩm do các công ty này sản xuất. Dịch vụ viễn thông của các công ty này bị người dân tẩy chay, dẫn đến doanh thu sụt giảm mạnh.
Sau cái chết của một em bé 7 tuổi, khắp Myanmar bùng nổ phong trào “Silent strick”, diễn ra trong 1 ngày (hôm 24/3). Theo đó, các nhà hoạt động kêu gọi tất cả mọi người không ra đường, không làm việc, tất cả các hàng quán, cửa hàng đều đồng loạt đóng cửa. Theo quan sát trong ngày 24/3, phong trào “Silent strick” đã tác động sâu sắc đến các thành phố lớn của Myanmar. Đường xá và các tụ điểm tập trung đông người như công viên, trung tâm thương mại đều vắng vẻ.
Người Myanmar cho rằng, các phong trào đấu tranh bất bạo động như “Silent strick”, CDM hay “society punishment” sẽ góp phần đánh vào túi tiền của quân đội, khiến lực lượng này phải lùi bước, và trao lại dân chủ cho người dân. Anh Kyaw Htun, chủ một quầy hàng tại Yangon, cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng không đi làm, và khiến chính quyền bất hợp pháp không thể hoạt động. Và tôi tin tưởng với sự đoàn kết của mình, chúng tôi sẽ giành chiến thắng trong cuộc cách mạng này”.
Đến biểu tình bạo động
Bên cạnh các phong trào bất bạo động như trên thì trên đường phố Myanmar cũng xảy ra tình trạng bạo động. Ban đầu, các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa với sự tham gia của hàng chục nghìn người. Tuy nhiên, từ hôm 28/2, lực lượng an ninh trấn áp mạnh người biểu tình bằng các biện pháp hợp pháp (dùng vòi rồng, hơi cay, đạn cao su) và các biện pháp bất hợp pháp như bắt giữ trái phép, bắn đạn thật vào người biểu tình.
Các biện pháp này được xem là “giọt nước tràn ly”, khiến bạo lực bùng phát mạnh mẽ hơn ở Myanmar. Cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh khiến hơn 200 người chết và hơn 2500 người bị thương. Nhiều nhà máy, đặc biệt là các nhà máy của Trung Quốc đã bị đốt cháy gây thiệt hại nặng nề.
Quân đội Myanmar tổ chức diễu binh lớn hôm 27/3.
Hôm 27/3 đánh dấu kỷ niệm 76 năm ngày thành lập quân đội Myanmar. Tuy nhiên, người biểu tình trên cả nước coi đây là “ngày cách mạng”, với các cuộc biểu tình đồng loạt diễn ra trên cả nước, đẩy tình trạng bạo lực diễn ra cao trào. Ngày này cũng đánh dấu là ngày đẫm máu nhất tại Myanmar.
Theo một số tờ báo tại Myanmar, đã có hơn 100 người chết và hàng trăm người bị thương. Trước đó một ngày, quân đội đã cảnh báo có thể “bắn vào đầu, lưng” người biểu tình và khuyên các gia đình không để con em ra ngoài đường và phải chịu những cái chết không đáng có.
Đến nay, hơn 400 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và hàng nghìn người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình, đụng độ giữa chính quyền quân sự và người biểu tình tại Myanmar. 'Biểu tình im lặng' đã không thể ngăn súng chĩa vào dân thường, người chết vẫn tiếp tục gia tăng.
Nhiều hậu quả khôn lường
Tình hình bất ổn tại Myanmar kéo dài với các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống, trong khi giới chức Myanmar ngày càng áp đặt các biện pháp mạnh tay, ngăn chặn làn sóng biểu tình. Điều này gây ra nhiều hậu quả “khôn lường”, đẩy Myanmar vào tình thế hết sức khó khăn.
Trước đảo chính, kinh tế Myanmar vốn đã rất khó khăn. Sau đảo chính với tình hình bất ổn gia tăng, nền kinh tế quốc gia Đông Nam Á này rơi vào suy thoái trầm trọng, “tê liệt” trong suốt thời gian qua khi mà các ngân hàng, dịch vụ công, hệ thống logistic… không thể hoạt động. Theo giới quan sát, cuộc suy thoái kinh tế đối với Myanmar được cho là xuất phát từ tình hình bất ổn chính trị và các cuộc đình công trong thời gian dài của những người phản đối đảo chính.
Cuộc đảo chính ở Myanmar không chỉ khiến hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài (FDI) vào quốc gia này bị đe dọa mà còn khiến cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt hoang mang, lo lắng. Tình hình bất ổn ở quốc gia Đông Nam Á này khiến nhiều công ty nước ngoài phải dừng hoạt động, nhất là sau vụ việc hơn 30 nhà máy được xây dựng bằng vốn đầu tư của Trung Quốc bị phá hoại.
Kirin Holdings - công ty sản xuất bia của Nhật Bản đang rút khỏi liên doanh bia với MEHL - tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu của quân đội. Trong khi đó, ông trùm người Singapore Lim Kaling cũng vừa tuyên bố rút khỏi liên doanh thuốc lá với Virginia Tobacco - công ty sản xuất thuốc lá lớn nhất Myanmar. Nhà phát triển bất động sản có trụ sở tại Thái Lan, Amata cho biết cũng đã đình chỉ hoạt động đối với một khu liên hợp công nghiệp mà công ty này đang phát triển ở Yangon.
Những bất ổn về chính trị, suy thoái về kinh tế đẩy cuộc sống của người dân Myanmar vào tình cảnh cùng cực. Đời sống của người dân Myanmar bị ảnh hưởng nặng nề bởi các phong trào bất tuân dân sự, vì nhiều dịch vụ công phục vụ người dân như điện nước, vệ sinh môi trường, dịch vụ ngân hàng… đều không thể hoạt động.
Trong bối cảnh tình hình bất ổn ở Myanmar kéo dài, các doanh nghiệp Myanmar đang gặp khó khăn trong việc thanh toán, trả lương cho người lao động. Các giao dịch thương mại và thanh toán tiền lương đang bị gián đoạn vì nhiều nhân viên ngân hàng từ chối có mặt tại văn phòng để phản đối đảo chính quân sự ở nước này.
Các doanh nghiệp, cộng đồng người Việt tại Myanmar cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng, tác động nặng nề từ bất ổn hiện nay ở Myanmar. Các diễn biến thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và công việc kinh doanh của người Việt tại quốc gia Đông Nam Á này. Đa số doanh nghiệp Việt Nam chỉ hoạt động cầm chừng, hoặc tạm ngừng hoạt động. Các doanh nghiệp Việt cho rằng, tình hình an ninh trật tự không đảm bảo, hệ thống đường xá, cảng biển… bị ách tắc, ngân hàng không mở cửa khiến công việc của họ bị đình trệ, không thể duy trì hoạt động bình thường.
Bất ổn khó tháo gỡ
Trên thực tế, các cuộc biểu tình, phong trào đấu tranh, phản đối đảo chính của người dân Myanmar khó thay đổi cục diện tại quốc gia Đông Nam Á này khi chính quyền quân sự sẽ không dễ dàng nhượng bộ người dân, khôi phục chính quyền dân sự được bầu. Ngược lại, bất ổn hiện nay đẩy hàng triệu người dân nghèo vào cảnh đói khổ, khi nền kinh tế bị đình trệ. Nhiều người muốn đi làm lại vì không còn tiền, nhưng sợ bị tẩy chay và không an toàn.
Bất ổn hiện nay không đơn thuần xuất phát từ mong muốn phần lớn của người dân Myanmar - khôi phục lại chính quyền được bầu, mà chịu sự tác động rất lớn từ các yếu tố bên ngoài. Theo đó, nhiều tổ chức, phần tử kích động dân chúng đứng lên, phản đối chính quyền dân sự. Nhiều doanh nghiệp và người dân muốn làm ăn kinh doanh lại bình thường, và tình hình đã yên lắng hơn tại nhiều nơi.
Thế nhưng, nhiều thế lực thù địch vẫn khai thác, xoáy sâu mâu thuẫn bên trong, khiến tình hình Myanmar rơi vào bất ổn.
Bất ổn từ sau đảo chính hôm 1/2 khiến tương lai của Myanmar trở nên bất định.
Sau khi lên nắm quyền, chính quyền quân sự Myanmar cũng đã có các hoạt động thúc đẩy kinh tế, đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp trong và ngoài nước không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế bị đình trệ do tình trạng bạo loạn, phong trào bất tuân dân sự tiếp diễn không ngừng trong thời gian qua.
Do vậy, sau khi tình hình yên ổn trở lại, chính quyền quân sự sẽ cố gắng khôi phục các hoạt động kinh tế như trước khi diễn ra các cuộc đảo chính. Đối phó với tình hình bất ổn và các cuộc biểu tình, chính quyền quân sự cũng sẽ tiếp tục các biện pháp cứng rắn với người biểu tình, và số người chết được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Tương lai nào cho Myanmar?
Chính quyền quân sự Myanmar sẽ cố gắng nhanh chóng ổn tình hình trật tự trị an, và nối lại các hoạt động kinh tế. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ tìm mọi cách đổ hết lỗi cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và chính quyền dân sự, coi họ là bên đã đẩy Myanmar vào tình cảnh hiện nay, trong đó sẽ nỗ lực phơi bày những cáo buộc đối với bà Suu Kyi. Mục tiêu của chính quyền quân sự là nhằm cứu vãn tình hình, tranh thủ sự ủng hộ của người dân Myanmar.
Bước tiếp theo của chính quyền quân sự sẽ là nhanh chóng tổ chức lại cuộc bầu cử theo như đã cam kết, dựng lên chính quyền dân sự mới. Trong đó, có sự tham gia của đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) - được quân đội hậu thuẫn, và liên minh các đảng phái khác có thiên hướng ôn hòa hơn với quân đội, trong khi vẫn kiểm soát chính trường trên thực tế.
Tình hình Myanmar sẽ còn tiềm ẩn nhiều bất ổn trong tương lai gần, nhưng sẽ khó thay đổi được cục diện quân đội vẫn nắm kiểm soát chính trị đất nước. Cuộc cách mạng dân chủ tại Myanmar cần diễn ra trong thời gian dài, kết hợp sức ép từ trong nước và quốc tế, và từ sự chuyển hóa trong chính lực lượng quân đội. Những cuộc đấu tranh của người dân trong thời gian qua mang tính tự phát, cho thấy chưa có lực lượng chính trị đối lập đủ mạnh, cương lĩnh chính trị rõ ràng.
Nền kinh tế Myanmar về lâu dài chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn khi mà thu hút đầu tư nước ngoài giảm mạnh, các biện pháp trừng phạt, cô lập kinh tế từ phương Tây… Các nỗ lực xóa đói giảm nghèo của Myanmar sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, biến Myanmar tiếp tục trở thành một trong những nước nghèo nhất châu Á.