Trong khi cơ quan thực thi pháp luật đang cố gắng xác minh động cơ của nghi phạm đứng sau vụ nổ súng ám sát cựu Tổng thống Donald Trump, thì mạng xã hội lại đặt ra nghi vấn "dàn dựng" đối với sự việc này.
Cụm từ "dàn dựng" đã trở thành từ đồng nghĩa với nhiều thuyết âm mưu cực đoan trên khắp các nền tảng mạng xã hội, thường được sử dụng để đặt câu hỏi về tính xác thực của một vụ tấn công hoặc nổ súng.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã trở thành mục tiêu của vụ ám sát. (Ảnh: Getty)
"Trông có vẻ rất dàn dựng... Không ai trong đám đông chạy trốn hay hoảng loạn. Không ai trong đám đông nghe thấy tiếng súng thật. Tôi không tin điều đó. Tôi không tin anh ta", một bài đăng đã nhận được hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội X.
Sau đó, bài đăng được gắn thêm ghi chú chỉ ra vụ nổ súng là có thật. Tuy nhiên, bài đăng này đã bị người đăng gỡ bỏ sau đó dù nhận về gần một triệu lượt xem.
Một người dùng X khác viết: "Dàn dựng để lấy lòng cảm thông? Bạn không thể tin tưởng những người này bất cứ điều gì và không, tôi sẽ không cầu nguyện cho anh ta".
Theo BBC, trong 24 giờ qua, chủ đề này đã vượt qua nhiều chủ đề khác trong các cuộc thảo luận phổ biến trên Internet. Đồng thời, hầu hết những bài đăng lan truyền thông tin sai sự thật thường đến từ những người dùng có khuynh hướng cánh tả, giữ vững quan điểm chống ông Trump.
Ngoài ra, những bài đăng không có bằng chứng, nhắm mục tiêu vào ông Donald Trump còn tràn lan trên nhiều nền tảng khác như Gab, Truth Social hay Parler (được phe cực hữu ưa chuộng), Telegram, Facebook và Instagram.
Dân biểu Cộng hòa Mike Collins của bang Georgia cũng nhanh chóng cáo buộc "Tổng thống Joe Biden ra lệnh nổ súng" trên nền tảng X. Sau đó, kêu gọi ông Biden phải đối mặt với cáo buộc "kích động một vụ ám sát".
Thuyết âm mưu trong lịch sử nước Mỹ thường liên quan đến nỗ lực ám sát tổng thống. Ví dụ nổi tiếng nhất là vụ ám sát ông John F. Kennedy vào tháng 11/1963. Đây là vụ ám sát gây chấn động nước Mỹ, nhiều giả thuyết được đặt ra sau đó.
Hiện tại, chuyên chức về thông tin sai lệch cúa chính quyền Mỹ kêu gọi công chúng nước này không chia sẻ thông tin chưa được xác nhận trên mạng.