Thời gian gần đây, ca khúc See tình của Hoàng Thùy Linh trở thành hiện tượng âm nhạc tại nhiều quốc gia trên thế giới. Hai thần tượng Kpop đình đám Seunghoon (Winner) và Shindong (Super Junior) từng nhảy trên nền nhạc bản hit này. Bài hát của Hoàng Thuỳ Linh cũng được phát trong các chương trình ăn khách của truyền hình Trung Quốc với dàn sao nổi tiếng. Nữ vận động viên bóng chuyền Hàn Quốc Lee Da-hyeon, cầu thủ người Philippines – Eric Tai có màn ăn mừng khi nhún nhảy trên nền nhạc See tình. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, See tình còn được mang vào màn múa lân ở Malaysia...
Trước See tình, chúng ta cũng có Hai phút hơn phủ sóng mạnh mẽ ở Hàn Quốc và trên mạng xã hội youtube. Dễ đến dễ đi của Quang Hùng MasterD cực kỳ nổi tiếng tại Trung Quốc và Thái Lan. Pimrype - nghệ sỹ nổi tiếng tại Thái Lan còn thực hiện MV cover Dễ đến dễ đi và nhanh chóng dẫn đầu danh mục thịnh hành của YouTube tại nước của mình. Ê-kíp Trung Quốc liên hệ với Quang Hùng MasterD chuyển ngữ ca khúc thành Đôi mắt em tựa ánh sao và được bộ đôi nghệ sỹ đình đám Cúc Tịnh Y - Hầu Minh Hạo biểu diễn tại Đêm hội Tmall 616 của đài Hồ Nam. Ghen Cô Vy cũng thành hiện tượng khắp thế giới và lên được cả sóng truyền hình Mỹ.
Trước hiện tượng những ca khúc nhạc Việt liên tiếp gây sốt tại nhiều nước trong khu vực, một lần nữa câu chuyện “xuất khẩu âm nhạc”, đưa âm nhạc Việt Nam ra thế giới lại được đặt ra một cách thời sự. Nhân dịp này, phóng viên VTC News cũng có cuộc trò chuyện với nhạc sỹ Anh Quân - người đứng sau thành công của diva Mỹ Linh và nhạc sỹ Khắc Hưng – chủ nhân ca khúc Ghen Cô Vy, tác giả của hàng loạt các ca khúc hot trên thị trường âm nhạc Việt hiện nay.
Trước hiện tượng các ca khúc nhạc Việt phủ sóng tại một số quốc gia trong khu vực, cả nhạc sỹ Anh Quân và nhạc sỹ Khắc Hưng đều đánh giá rất cao. Tác giả Ghen Cô Vy nói: "Tôi nghĩ đây là một tín hiệu tích cực. Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng nên mọi thứ dễ được tiếp cận hơn. Khán giả các nước nghe các ca khúc nhạc Việt, dù chưa biết xuất xứ của nó vì họ cảm thấy thích những giai điệu, tiết tấu. Điều này cho thấy thị hiếu, thẩm mỹ âm nhạc của Việt Nam đang khá tương đồng với thế giới, được nhiều người đón nhận".
Không chỉ chung nhận định với nhạc sỹ Khắc Hưng, nhạc sỹ Anh Quân liên tục nhấn mạnh ý này trong cuộc trò chuyện với phóng viên VTC News: "Việc một số ca khúc nhạc Việt được khán giả thế giới biết đến qua bất kỳ kênh nào, phương tiện nào cũng đều là tín hiệu đáng mừng. Dù nổi tiếng 5 giây, hay 10 giây thì đó cũng là điều rất đáng quý. Chúng ta phải ghi nhận sự nỗ lực và tài năng của các nghệ sỹ trẻ”.
Mặc dù thể hiện sự vui mừng, hạnh phúc khi một số ca khúc nhạc Việt gây sốt tại thị trường một số nước trong khu vực nhưng cả hai nhạc sĩ đều cho rằng, vẫn còn sớm để nghĩ rằng, giấc mơ nhạc Việt bước ra thế giới đã dần trở thành hiện thực.
"Các ca khúc Việt nổi tiếng ở ngoài biên giới gần đây đều được yêu thích trên nền tảng TikTok. Nó là một dạng âm thanh, người dùng họ lấy để làm nền cho clip của họ, chứ chưa phải toàn bộ ca khúc. Cũng có một số người thông qua đó tìm hiểu về toàn bộ ca khúc hay toàn bộ album nhưng nó chưa tạo thành một làn sóng mạnh mẽ. Do đó, nó chưa tạo thành một sức bật như chúng ta mong muốn đối với thị trường âm nhạc Việt.
Khi chúng ta mới chỉ làm ra được 1,2 bài hát hay thậm chí cả một album thì đó là tín hiệu vui, đáng mừng, đáng ghi nhận, đáng được tôn vinh, nhưng để đưa âm nhạc Việt ra thế giới, điều đó cần thêm rất nhiều yếu tố khác cộng hưởng” – Nhạc sỹ Khắc Hưng nói.
Nhạc sỹ Anh Quân còn phân tích thêm: Những cơn sốt trên mạng xã hội thường ngắn. Nó ồ ạt đến rồi cũng qua rất nhanh. Muốn âm nhạc Việt bước ra thế giới chúng ta cần phải có chiến lược dài hơi và chính thống, chứ không chỉ là thông qua các trend trên mạng xã hội.
Khi được đặt câu hỏi: Cách đây 10 năm, Hàn Quốc có lốc Gangnam Style càn quét mạng xã hội, rồi sau đó mới lọt các bảng xếp hạng âm nhạc danh giá, được cựu Tổng thống Mỹ Obama ca ngợi điệu nhảy ngựa mà Psy thể hiện trong MV đó góp phần kéo thế giới lại gần nhau hơn, nhạc sỹ Anh Quân nhận định: Đó lại là một câu chuyện khác. Dù giống nhau ở chỗ, Gangnam Style và một số ca khúc nhạc Việt gây sốt hiện nay có tiết tấu, nhịp điệu, âm thanh được kết hợp sinh động hay nói một cách đơn giản là dễ hát, dễ nghe, dễ nhảy nên được nhiều người ở các quốc gia khác yêu thích. Tuy nhiên, Gangnam Style có sự hậu thuẫn của cả một nền công nghiệp âm nhạc có khát vọng vươn ra thế giới và thực sự đã vươn ra thế giới.
Nhạc sỹ Anh Quân phân tích cụ thể: Gangnam style có thể chinh phục được thế giới chính là chiến lược của hãng YG - gã khổng lồ trong giới giải trí Hàn Quốc. Vốn có thế mạnh trong việc đầu tư, xây dựng hình ảnh nghệ sĩ trên mạng xã hội, YG tận dụng mọi khả năng của mình để đẩy mạnh Gangnam Style trên toàn cầu. Tiếp đến, hãng bắt tay với ông bầu Scooter Braun - quản lý của ca sỹ đình đám Justin Bieber để tấn công vào Mỹ - thị trường âm nhạc nổi tiếng nhất thế giới. Họ tổ chức những buổi quảng bá rầm rộ, đưa Psy sang Mỹ biểu diễn. Ngay sau Gangnam Style, hàng loạt các nghệ sỹ, nhóm nhạc của Hàn Quốc cũng được đầu tư phát triển với mức độ lớn
Nhạc sỹ Khắc Hưng cũng có chung nhận định với nhạc sỹ Anh Quân: "Đúng vậy, tôi có thể lấy ví dụ là làn sóng Hallyu. Thời đầu năm 2000, Hàn Quốc có rất nhiều hoạt động để quảng bá văn hóa, trong đó có việc quảng bá những bộ phim tới các nước khác mà không lấy tiền bản quyền, hay từ những bộ phim, có nhiều các mặt hàng mỹ phẩm, âm nhạc để cho thấy nền văn hóa, âm nhạc của Hàn Quốc như thế nào. Tôi nghĩ cần sự góp sức từ nhiều bên nữa, Việt Nam mới tạo ra được ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc như bây giờ”.
Cả nhạc sỹ Anh Quân và nhạc sỹ Khắc Hưng đều có chung quan điểm, âm nhạc nói riêng và nghệ thuật của Hàn Quốc nói chung có được vị thế như hiện nay là thành quả của cả một chiến lược quốc gia. Các lãnh đạo hàng đầu của Hàn Quốc đã nhanh nhạy trong việc dồn sức quảng bá văn hóa ra thế giới, để thông qua đó thúc đẩy cả nền kinh tế của mình. Trong khi đó, các nghệ sỹ Việt Nam dường như rất cô đơn trong ước mơ chinh phục thế giới. Ví dụ Quang Hùng Master D, ban đầu chỉ là may mắn được khán giả Thái Lan yêu mến, ngay sau đó nghệ sỹ này đã rất nhanh nhạy khi sang Thái Lan tổ chức các liveshow, các buổi giao lưu. Tuy nhiên, đó chỉ là sự vận động riêng lẻ của một cá nhân. Giá như Quang Hùng hay nói rộng ra là các nghệ sỹ khác của Việt Nam có được sự hậu thuẫn như các nghệ sỹ Hàn Quốc, chắc chắn, họ sẽ tạo nên những kỳ tích.
Câu chuyện đưa nhạc Việt ra thế giới không phải là một câu chuyện mới. Không phải tới bây giờ, các nghệ sỹ Việt mới có khát vọng đưa tác phẩm của mình ra khỏi biên giới. Trịnh Công Sơn và Khánh Ly từng có những buổi biểu diễn tại Nhật. Năm 2003, ca sỹ Hồng Hạnh cũng từng đem tiếng hát của mình đi chinh phục khán giả xứ mặt trời mọc. Ca sĩ Mỹ Linh cũng có những dự án như: Made in Vietnam, Chat với Mozart, Coming to America xuất khẩu sang Nhật và Mỹ; Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương có các dự án tấn công thị trường băng đĩa Hàn Quốc và Trung Quốc, Lam Trường - Đan Trường mạnh dạn thâm nhập thị trường Thái Lan, Đài Loan. Ca sĩ Đức Tuấn còn mạo hiểm cho phát hành album nhạc kịch Music of the night ở Hồng Kông và Canada…
Theo nhạc sỹ Anh Quân nhận định, so với hàng mấy chục năm trước, các nghệ sỹ Việt đã có nhiều thay đổi trong tư duy âm nhạc, cách làm việc, phong cách trình diễn nhưng họ vẫn rất cô đơn trong ước mơ đem nhạc Việt ra khỏi biên giới, giống như các bậc tiền bối trước đó hàng mấy chục năm. Anh đánh giá rất cao tài năng và khát vọng của các nghệ sỹ trẻ. Nhưng đáng tiếc, sau họ không có bệ phóng gì ngoài việc bản thân tự vận động.
Khi được hỏi, chúng ta cần làm gì để âm nhạc Việt ra thế giới, nhạc sỹ Khắc Hưng và nhạc sỹ Anh Quân đều khẳng định, chúng ta cần phải có một chiến lược tổng thể để xây dựng một nền công nghiệp âm nhạc thực thụ.
“Khi chúng ta mới chỉ làm ra được 1,2 bài hát hay thậm chí cả một album thì việc đó cũng chưa chứng tỏ được gì nhiều. Bởi vì vẫn còn rất nhiều điều khác để cộng hưởng và đưa âm nhạc Việt Nam đến gần với thế giới.
Muốn các ca khúc nhạc Việt chinh phục thị trường thế giới thì chúng ta phải có một nền công nghiệp âm nhạc tương đối mạnh, trong khi đó, ngành công nghiệp âm nhạc ở nước ta vẫn còn khá non trẻ so với thế giới. Chúng ta có rất nhiều nghệ sỹ tài năng nhưng để có một ngành công nghiệp âm nhạc đúng nghĩa thì không chỉ dựa vào các nghệ sỹ mà đó là một vấn đề lớn hơn, cần sự đóng góp của rất nhiều bộ phận khác nhau chứ không phải chỉ mỗi âm nhạc.
Ngành công nghiệp âm nhạc bao gồm nhiều thành phần như quá trình sản xuất, quá trình tổ chức, các hoạt động bên lề… liên quan đến âm nhạc chứ không chỉ mỗi âm nhạc. Hiện nay, ngành công nghiệp âm nhạc của chúng ta còn non trẻ. Có thể chúng ta đã làm rất tốt việc kinh doanh những đĩa đơn, kinh doanh những bài hát lẻ, quay những MV. Nhưng để có được sự phát triển mạnh mẽ như Hàn Quốc thì cần cả một chiến lược mang tính tổng thể” – nhạc sỹ Khắc Hưng nói.
Nhạc sỹ Anh Quân lấy dẫn chứng: Những năm gần đây chúng ta thấy bóng đá Việt Nam có những bước phát triển rất lớn. Lý do vì sao? Vì môn thể thao này nhận được sự quan tâm từ phía những cơ quan quản lý nhà nước, sự chung tay của các doanh nghiệp, tức là chúng ta đã có hẳn một chiến lược để phát triển bóng đá, bên cạnh tài năng của các cầu thủ. Và âm nhạc hay nghệ thuật Việt Nam nói chung, cũng cần điều đó.
Sau khi chia sẻ điều này, cả hai nhạc sĩ đều khẳng định, câu chuyện chúng ta cần chiến lược, cần sự đầu tư ở cấp quản lý là câu chuyện …quá cũ. Từ hàng chục năm trước, chúng ta cũng vẫn nói tới điều đó, thế nhưng giờ đây và có lẽ là rất lâu sau đó nữa, nó vẫn dừng lại ở lời kêu gọi.
Nhạc sỹ Anh Quân lý giải: Đầu tư vào những lĩnh vực khác, chúng ta rất dễ dàng nhìn thấy kết quả. Ví dụ, trong lĩnh vực bóng đá, muốn biết đội tuyển chúng ta đã phát triển ra sao, chỉ cần nhìn vào tỷ số các trận đấu, thống kê các bàn thắng là có thể thấy một cách hết sức rõ ràng. Còn văn hóa nghệ thuật lại khác. Không ai nhìn thấy ngay lập tức sự thay đổi đó. Nó cần một quá trình rất dài, cần sự nỗ lực, kiên trì và một tầm nhìn dài hơi. Và đó là điều mà chúng ta đang rất thiếu.
Bên cạnh yếu tố về chiến lược, về quản lý, nhạc sỹ Anh Quân còn đề cập tới vấn đề tâm lý. Đây cũng là trở ngại không nhỏ khiến nền âm nhạc nói riêng và nền nghệ thuật của Việt Nam khó phát triển.
“Thị trường của chúng ta hiện nay đang coi nghệ thuật phải là miễn phí. Khán giả có thể bỏ cả trăm nghìn mua cốc cafe nhưng họ chưa sẵn sàng bỏ mấy chục nghìn ra mua bản quyền để thưởng thức một ca khúc trên mạng, mặc dù người ta rất thích. Kể cả khi chúng tôi tổ chức các đêm nhạc, nhiều người quen cũng hy vọng họ sẽ nhận được giấy mời. Không phải họ tiếc tiền đâu mà đôi khi họ vẫn có suy nghĩ, phải có giấy mời mới là ‘oách’. Chúng ta chưa có thói quen bỏ tiền thưởng thức nghệ thuật" - Nhà sản xuất album Tóc ngắn nói.
Cũng theo nhạc sỹ Anh Quân, vì không có thói quen bỏ tiền thưởng thức âm nhạc, chúng ta có những lỗ hổng lớn về vấn đề bản quyền. Khi bản quyền trí tuệ không được làm một cách bài bản, các hãng thu âm nếu mốn vào Việt Nam, chưa nói tới vấn đề lợi nhuận mà để họ tồn tại cũng đã khó. Mà không có các hãng thu âm lớn, sản phẩm âm nhạc của Việt Nam không thể tấn công vào các thị trường âm nhạc khác.
Nhạc sỹ Anh Quân còn cho biết thêm, sở dĩ âm nhạc Hàn Quốc phát triển rất mạnh vì có được sự ủng hộ rất lớn từ phía người dân trong nước. Họ ủng hộ các sản phẩm âm nhạc cũng như việc hào hứng sử dụng những chiếc điện thoại, ô tô nội địa. Trong khi đó, một bộ phận khán giả Việt vẫn chưa có được sự đồng lòng đó. Có một số nghệ sỹ trẻ khi mang tiếng hát của mình tới các lễ hội âm nhạc thế giới, được khán giả và giới chuyên môn ở đó đánh giá cao nhưng lại vấp phải sự dè bỉu của khán giả trong nước.
Cuối cùng, cả nhạc sỹ Anh Quân và nhạc sỹ Khắc Hưng đều có chung nhận định: Nghệ sỹ chúng ta không thua kém, về giọng hát, phong cách trình diễn, về tư duy âm nhạc nhưng khâu sản xuất và quảng bá của chúng đi sau thế giới rất nhiều năm. “Nếu chúng ta có sự đầu tư xứng đáng, nghệ thuật của chúng ta cũng không phải dạng vừa đâu. Các nước có vị trí thế trên thế giới thì đều là những nước có nền văn hóa, nghệ phát triển, chứ không chỉ riêng kinh tế” – nhạc sỹ Anh Quân nói.