Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Từ Hiến pháp 2013, cụm từ 'quyền con người' ở Việt Nam đã trở nên gần gũi

Hiến pháp 2013 lần đầu tiên chỉ rõ trách nhiệm của Nhà nước là "công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân"...

Ngày này tròn 75 năm trước (10/12/1948), bản Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua. Đây là một trong những bước tiến vĩ đại nhất của quá trình văn minh hoá toàn cầu, là cơ sở cho sự ra đời của Ủy ban Nhân quyền, nay là Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Cũng từ đó, ngày 10/12 hàng năm được coi là Ngày nhân quyền quốc tế.

 

Năm nay, trước thềm Ngày nhân quyền quốc tế 10/12, tại Việt Nam có nhiều hoạt động thiết thực như hội thảo khoa học "Thành tựu thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam", hay hội nghị tập huấn cho 26 địa phương về đẩy mạnh truyền thông về quyền con người, khép lại chuỗi sự kiện ở 3 miền đất nước trong năm 2023 với tất cả 63 địa phương tham gia.

“Chúng ta cần làm cho thế giới hiểu về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về quyền con người”, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình nhiều lần nhấn mạnh điều này, đồng thời cho rằng, ngay chính cán bộ, đảng viên và nhân dân trong nước cũng phải hiểu rõ về những chủ trương đó cũng như những biện pháp mà Việt Nam đang tiến hành nhằm bảo vệ quyền con người.

Trên thực tế, từ năm 1977, sau khi gia nhập Liên hợp quốc đến nay, Việt Nam tích cực và chủ động ký kết, phê chuẩn, gia nhập các công ước quốc tế về quyền con người. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua có thể coi là đỉnh cao trong lịch sử lập hiến về bảo vệ quyền con người.

Cũng từ đây, cụm từ “quyền con người” ở Việt Nam trở nên gần gũi. 10 năm qua, việc bảo vệ quyền con người thật sự đi vào các chủ trương, chính sách, đi vào nhận thức của cán bộ nhiều cấp, nhiều ngành…

Hiến pháp 2013 lần đầu tiên chỉ rõ trách nhiệm của Nhà nước là "công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân", trách nhiệm của Chính phủ là “bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa…

Pháp luật quy định trừng phạt nghiêm khắc các hành vi tước đoạt mạng sống của con người một cách tùy tiện, nghiêm cấm tra tấn nhục hình, chỉ áp dụng án tử hình với các loại tội đặc biệt nghiêm trọng nhất.

Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục bỏ án tử hình ở 8 tội danh; không áp dụng hình phạt tử hình với người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội...

Có thể nói, từ Hiến pháp 2013, hàng loạt các bộ luật chuyên ngành được ban hành, tạo cơ sở pháp lý toàn diện bảo đảm quyền con người về dân sự, chính trị; quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong xã hội.

Không chỉ đẩy mạnh việc nghiên cứu về quyền con người, Việt Nam còn chủ trương thúc đẩy việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về quyền con người cho đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức Nhà nước và địa phương.

Từ năm 2017, Thủ tướng phê duyệt đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân với mục tiêu đến hết năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục về quyền con người.

Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia 7/9 Công ước quốc tế cơ bản, cốt lõi về quyền con người của Liên hợp quốc, 25 công ước về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có Công ước số 98 về việc áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (năm 2019) và Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức (năm 2020).

Việt Nam cũng chủ động nộp báo cáo rà soát định kỳ phổ quát lần 1, 2, 3 và các báo cáo quốc gia về tình hình thực thi nghĩa vụ đối với các công ước về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Gần đây nhất, vào ngày 29-30/11/2023, Việt Nam có phiên đối thoại quốc gia với Uỷ ban Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc.

Ở cấp độ song phương, Việt Nam thường xuyên có các cuộc trao đổi và đối thoại nhân quyền với các quốc gia và các đối tác quan tâm.

Năm nay, thế giới kỷ niệm “Ngày nhân quyền quốc tế” 10/12 trong bối cảnh ở nhiều nơi, nhiều khu vực đang bị tàn phá bởi chiến tranh, xung đột. Quyền được sống của những người dân vô tội trên thế giới bị tước đoạt. Rất nhiều thách thức đang tác động lớn đến quyền con người như: ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sự gia tăng bất bình đẳng và phân biệt đối xử về chủng tộc, giới, sắc tộc…

Với Việt Nam, một dân tộc đã trải qua những năm dài chiến tranh, chịu tổn thất nặng nề về người và của, hơn ai hết, dân tộc Việt Nam càng hiểu rõ giá trị cao quý của quyền con người và quyền tự quyết dân tộc. Hai lần được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là minh chứng rõ nhất cho thấy, thế giới tin tưởng vào những nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Giáng Hương (VOV.VN)

Tin mới