Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Barca bị cựu Chủ tịch Bartomeu hủy hoại thế nào?

(VTC News) -

Những yếu kém trong khâu quản lý, điều hành của Bartomeu cùng cơ chế bất cập tại Barca đã khiến CLB này trượt dài từ đỉnh cao xuống vực sâu thăm thẳm.

Barcelona sẽ đá trận lượt về Champions League với Paris Saint-Germain vào ngày 11/3 tới, nhưng những CĐV mơ mộng nhất của đội bóng xứ Catalunya cũng khó tin vào chiến thắng. Barca đã thua thảm 1-4 trên sân nhà Camp Nou ở trận lượt đi. Trừ khi trút vào lưới đối thủ 4, 5 bàn ở trận lượt về và thủng lưới ít nhất có thể, Barca mới đi tiếp.

Lionel Messi và đồng đội đã trượt quá sâu sau khi lên đỉnh vinh quang. Năm 2015, Barca vô địch Champions League để hoàn tất cú ăn ba. 6 năm sau, họ cần một phép màu để vào tứ kết.

Barca sắp bị loại khỏi Champions League. 

Thảm họa Bartomeu

Vương triều của Josep Bartomeu chắc chắn sẽ đi vào lịch sử với tư cách một trong những giai đoạn tồi tệ nhất lịch sử Barca. Đội bóng này từng rũ bùn đứng dậy, để rồi trở về đúng vũng bùn ấy khi Bartomeu bước lên nắm quyền. 

Từ chỗ ngồi trên ngai vàng Champions League trong 6 năm (2009-2015) với 3 danh hiệu, Barca trở thành đội bóng tầm thường. Thất bại nhục nhã 2-8 trước Bayern Munich là giọt nước làm tràn ly, song chưa đủ làm Barca tỉnh ngộ. Mùa giải này, đội bóng của Messi vẫn như người lữ hành đi trong sương khói.

Đau đớn hơn cho Barca, khi Real Madrid giành tới 3 danh hiệu Champions League liên tiếp trong giai đoạn này. Nhưng thua đại kình địch không đau đớn bằng thua chính mình.

Một trong những yếu tố khiến Barca sụp đổ toàn diện là chuyển nhượng yếu kém. Trong kỷ nguyên của Bartomeu, Barca đã bỏ ra 1,08 tỷ euro để mua 34 cầu thủ. Có 3 ngôi sao được mang về với cái giá trên 100 triệu euro là Philippe Coutinho, Ousmane Dembele và Antoine Griezmann. Cả ba vẫn khoác áo Barca, nhưng không để lại dấu ấn.

Barca mua sắm kiểu ném tiền qua cửa sổ. 

Dưới thời Bartomeu, Barca có nhiều hợp đồng khó hiểu. Họ mua đắt, song bán... rẻ như cho, dẫn tới khoản lỗ 300 triệu euro. Với con số rẻ bèo, Atletico Madrid có Luis Suarez, cầu thủ đã ghi tới 18 bàn giúp đội nhà đứng đầu bảng, hơn chính Barca 5 điểm. Ivan Rakitic, Arturo Vidal đều ra đi với giá tượng trưng.

Đội hình với độ tuổi trung bình gần 30 của Barca là sản phẩm của Bartomeu cùng bộ sậu. Sau 5 năm ném tiền qua cửa sổ, Barca vẫn phải sống nhờ Messi, Gerard Pique, Sergio Busquets hay Jordi Alba.

Một Barca già cỗi, thiếu động lực, lại oằn lưng gánh bảng lương liên tục phình to đã trượt dài. Trong giai đoạn 2018/19, tổng lương cầu thủ Barca là 529 triệu euro, cao hơn 98 triệu euro so với đội xếp sau là Real Madrid. Nếu không có dịch COVID-19, tổng lương Barca sẽ tăng thêm 100 triệu euro nữa. 

Bartomeu đã để lại cho người kế nhiệm đống đổ nát, khoản nợ 1,2 tỷ euro cùng nỗi đau thành sẹo trong tim CĐV Barca.

Mặt trái của Barca "dân chủ"

Tuy nhiên, Bartomeu không phải người duy nhất hủy hoại Barca. Theo cây bút lão luyện Gabriele Marcotti của ESPN, không chỉ có Bartomeu, mà chính cơ thế dân chủ của Barca đã thúc đẩy sự suy tàn của CLB.

Marcotti dẫn một câu châm ngôn rằng: "Dân chủ là hệ thống công bằng nhất, nhưng độc tài mới là hệ thống hiệu quả nhất". Nếu Chủ tịch CLB có quyền lực tuyệt đối và vô hạn (hoặc cho đến khi từ chức), ông ta có thể làm những gì mình muốn. Roman Abramovich ở Chelsea là một ví dụ.

Nỗi lo mất ghế buộc Bartomeu phải "ăn xổi". 

Nhưng nếu ông ta phải lo lắng về các cuộc thăm dò, bỏ phiếu hoặc tín nhiệm của các thành viên trong ban lãnh đạo và cổ đông, ông ta sẽ có xu hướng là suy nghĩ ngắn hạn, ưu tiên hiệu quả trước mắt để giữ ghế cho mình trước.

Dưới điều hành của Bartomeu, Barca trở thành thương hiệu thể thao đầu tiên đạt mốc doanh thu 1 tỷ euro, nhờ tham gia các hoạt động buôn bán và được cấp phép theo đuổi các chiến lược tài trợ.

Đó là loại động thái cần có dũng khí và tầm nhìn xa, khi CLB hy sinh khoản tiền mặt đảm bảo ngắn hạn từ các đối tác để đổi lấy tăng trưởng và doanh thu trong dài hạn.

Dù vậy, vấn đề là bóng đá không giống kinh doanh thuần túy. CLB cũng không phải thương hiệu bán lẻ. Thành bại của CLB được đánh giá hàng tuần bởi những gì diễn ra trên sân, đòi hỏi nhiều quyết định ngắn hạn chuẩn xác. Đây là nhược điểm của Bartomeu.

Cựu Chủ tịch Barca đã mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác khi phải giải quyết vấn đề tức thì. Khi Neymar kích hoạt điều khoản giải phóng hợp đồng với Barca để sang PSG, Bartomeu đã làm gì với "cục tiền" 222 triệu euro? Ông mua Coutinho và Dembele, với ảo tưởng rằng cả hai sẽ thế chỗ Neymar. 

Bartomeu và Messi không còn nhìn về một hướng. 

Dembele chấn thương? Tốt thôi, chi thêm 41 triệu euro nữa để mang về Malcom. Sau 6 trận, ai cũng thấy Malcom thất bại. Coutinho không hay? Không sao, chi thêm 120 triệu euro nữa cho Griezmann, để rồi cầu thủ người Pháp trở nên lạc lõng cạnh Messi và Suarez. 

Barca cần một tiền vệ trung tâm? Họ ký hợp đồng với Kevin-Prince Boateng, người đã 31 tuổi, nhưng chỉ có một mùa giải ghi quá 10 bàn trong sự nghiệp. 

Không bàn đến mối quan hệ giữa Bartomeu và Messi (vì chưa nắm rõ sự thật phía sau), cựu Chủ tịch Barca cũng có vô số sai lầm đau đớn. Ông để Eric Abidal (cựu GĐKT mâu thuẫn với Messi) tự do trả lời phỏng vấn, đàm phán giảm lương không khéo hay khẳng định Messi ở lại. Những tình huống cần phản ứng tức thì, Bartomeu đều quyết định sai.

"Barcegate" là viên đạn cuối cùng phá hủy vương triều Bartomeu. 

Đó là mặt trái của mô hình "dân chủ" của Barca. Bạn muốn suy nghĩ dài hạn vì lợi ích của câu lạc bộ, nhưng cuối cùng bạn phải hành động ngắn hạn để phản ứng với mối quan tâm tức thời - hoặc những gì bạn nghĩ là mối quan tâm tức thời, để làm hài lòng cổ đông và giữ được chỗ đứng.

Bartomeu đã làm hại Barca, nhưng ông không phải thủ phạm duy nhất. Nếu mục tiêu chỉ đơn giản là vô địch và phá vỡ kỷ lục doanh thu, Marcotti cho rằng sẽ tốt hơn nếu Barca được chỉ huy bởi một tỷ phú, người có thể thuê những bộ óc thông minh để đưa ra các quyết định dài hạn "máu lạnh" mà không cần tham khảo quá nhiều ý kiến. 

Nhưng nếu như thế thì đã không phải Barca, đội bóng tự xưng là "Còn hơn cả một CLB". 

Hồng Nam

Tin mới