Điều các cấp chính quyền sở tại phải giật mình là có tới hàng chục nghìn thanh niên bỏ đã bản cả năm trời đi làm thuê; hàng chục bản bám biên không còn nhân lực lao động tại chỗ; nương bỏ trắng đồng không canh tác; trẻ em thất thường đến trường thiếu sự chăm sóc của bố mẹ…Đây chính là thực tế đau lòng đang diễn ra với các huyện biên giới Tây Bắc….
5h30 đầu xuân mới 2020, đồn biên phòng Simacai (Lào Cai) vẫn chìm trong sương mù đặc quánh. Cái rét dưới 3 độ không làm nản chí các chiến sĩ ra chốt bám biên.
Cứ 4 mét có một chiến sĩ canh gác. Căng bạt, lập 4 chốt trực 24/24 quên cả Tết để giữ biên những ngày có dịch. Nhiều lối mở, các chiến sĩ phải căng mình kiểm soát. Đồn trưởng Tạ Bình Nguyên cho biết: Từ mùng 1 Tết, đồn tập trung 100% quân số.
Dải biên đồn phụ trách chưa đầy 10 km duy nhất chỉ có một cửa khẩu Hoá chư Phùng, còn lại là hàng chục lối mở nên rất khó kiểm soát dân đi lại trong đỉnh cao mùa dịch như thế này.
Huyện lỵ Simacai chưa tới 4 vạn dân nhưng có đến trên 3 ngàn lao động bỏ bản qua biên giới làm thuê kiếm sống. Đi không hẹn ngày về. Người nhà cũng không biết sang biên làm ở đâu? Vùng nào? Con cái, ruộng nương vứt bỏ lại cho bố mẹ già ở nhà chăm sóc..
Tác giả gặp nhân vật vừa từ Trung quốc trở về.
Bên hiên nhà, ông bố trẻ Giàng Seo Lỳ thuộc xã Nàn Sán, Simacai, chưa đến 30 tuổi đời, cũng không nhớ cưới vợ năm nào thẫn thờ buồn bã. Hai đứa con bé dại trong tay bố ngây ngô nhớ mẹ. Giờ này năm ngoái, vợ chồng Lỳ vượt qua lối mở sang Trung Quốc đi trồng mía thuê.
Ngày hai vợ chồng làm khoán công cũng được hơn 100 đồng tiền Trung. Trừ chi phí, vợ chồng cũng kiếm được khoảng 300 nghìn tiền Việt. Tết vợ không về, Lỳ mang được ít tiền cho bố mẹ lo Tết, Lỳ tính ăn tết xong lại sang nhưng do dịch cúm, Lỳ không đi được. Nhìn hai con dại nheo nhóc thiếu chăm sóc, không đến trường, Lỳ không giấu nổi những giọt nước mắt cơ cực…
Trưởng bản Dào Dầu Sán cho biết, cả bản có 600 khẩu nhưng có tới hơn 400 lao động như vợ chồng Lỳ bỏ quê đi làm thuê. Nhân lực không còn nên mấy mùa rồi nương bỏ trắng; trâu bò cũng phải bán dần vì người già không còn sức để chăn thả. Khổ nhất là khi thôn có người già chết, không huy động được thanh niên đến làm ma. Con ở xa, bố mẹ mất không biết để về chịu tang bố mẹ.
Khác với gia đình Lỳ, Giàng Séo Lẩu năm nay vui lắm. Mùng một Tết năm 2019, Lẩu cùng vợ cắt rừng vượt sang biên. Có người đón sẵn, họ đưa vợ chồng Lẩu cùng hơn chục lao động khác chạy hai đêm đến chỗ làm. Công việc hàng ngày hai vợ chồng phát nương trồng mía thuê.
Cũng quen tay việc nương, làm đủ công vợ chồng Lẩu cũng tích cóp được hơn 100 triệu đồng, 23 Tết vừa rồi vợ chồng Lẩu mới mò về. Nhà Lẩu có 10 anh em, giờ vợ chồng Lẩu giầu nhất.
Cũng vì mải đi kiếm sống, bỏ 3 con ở nhà nhờ bố già trông chừng, con trai thứ 2 của Lẩu chưa học xong lớp 12, bỏ học và dự định trong tháng này sẽ cưới cô học sinh lớp 9 ở bản dưới. Tôi nói với vợ chồng Lẩu, nhà mình làm như thế là vi phạm pháp luật, con của Lẩu sẽ đi tù nếu như làm vợ chưa đủ tuổi vị thành niên có con… không biết Lẩu có nghe không?
Trong câu chuyện đầu năm mới, Phó chủ tịch UBND huyện Simacai Giàng Sín Chớ không giấu nổi nỗi lo. Toàn huyện hiện có trên 20 ngàn lao động nhưng để giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động là rất khó khăn.
Các chương trình mục tiêu về địa phương hầu như đổ bể, không có hiệu quả. Nhãn tiền như vùng dược liệu Atiso. Khi nghiên cứu, Công ty Traphaco nói hay lắm. Nào là thổ nhưỡng phù hợp, thu mua cam kết giá ổn định…nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, các đoàn thể cùng người dân đều thất vọng vì giá thu mua cho bà con không đủ tiền chăm sóc. Rồi tiếp đến nay lại cây xa nhâm tím, tam thất.
Nhìn thấy có lợi thật nhưng đầu tư trồng 1 ha lên tới gần tỷ bạc thì có ai còn tha thiết nữa. Vậy là đồng bào chỉ còn biết dứt áo tha hương làm thuê xứ người. Nếu không có đại dịch xảy ra, huyện cũng không thể thống kê hết số lao động bỏ bản lại nhiều như thế. Lại bàn đến chuyện làm thuê.
Với trình độ lao động thấp như hiện nay, huyện đã chạy khắp nơi để tìm việc cho đồng bào. Ở độ tuổi còn đào tạo, các doanh nghiệp như Samsung Bắc Giang, may Vĩnh Phúc, thợ lò Quảng Ninh… cũng về tuyển chọn nhưng số lao động không được là bao.
Một số đi làm bốc vác các cửa khẩu, làm thợ xây… thu nhập bấp bênh, chủ quỵt tiền công nên hùa nhau bỏ đi hết. Vậy an ninh vùng biên sẽ thế nào khi mà một lực lượng thanh niên sung sức không bám trụ? Rồi xa hơn là tương lai những đứa con trẻ không được sự chăm sóc của bố mẹ sẽ ra sao? Những câu hỏi vẫn đi vào bề tắc….
Thống kê nhanh từ Sở LĐTBXH Lào cai và Lai Châu, số lao động sang Trung Quốc làm thuê lên tới gần 30 nghìn người. Con số trên vẫn chưa hẳn chính xác bởi thực tế số lao động không qua đăng ký (đi chui) còn cao. Ông Phàn A Tỏn, chủ tịch UBND xã Bản Lang, huyện Phong thổ, tỉnh Lai Châu kể lại, cho đến hết ngày 4/2/2020 xã mới thống kê đủ trên 200 số người trong xã sang biên lao động. Vẫn còn 52 trường hợp hiện không thấy về ăn Tết.
Như vậy đã rõ về sự yếu kém của chính quyền cơ sở trong việc quản lý nhân khẩu địa bàn. Rất nhiều địa phương khi chúng tôi đến thực hiện phóng sự này đều cho biết, chỉ khi xảy ra dịch bệnh corona, có lệnh thống kê, huyện, xã mới làm và ra con số… áng chừng như vậy?!
Những lao động chui tha hương, xa xứ ai đảm bảo tính mạng, quyền lợi cho họ? Tại xã Mường Than, huyện Than Uyên đã có nhiều trường hợp đi làm chui rồi bị chính quyền Trung Quốc bắt giam, bỏ tù 2 tháng, và chỉ đến khi trao trả, chính quyền địa phương cùng gia đình mới biết.
Trong mắt du khách, cung đường mùa xuân qua Tây Bắc vẫn đẹp nhất. Nhưng dưới chân những cung đường như dải lụa mềm mại đó lại là sự xác xơ mùa màng thiếu nước vì sự hỗn loạn trong quy hoạch xây dựng thuỷ điện vừa và nhỏ; là cánh đồng bạc trắng không thể gieo cấy, những dòng suối khốc khô trơ đá vì thiếu nước và nguy hơn là những bản trắng thiếu vắng thanh niên - lực lượng lao động quan trọng trong việc bám biên, giữ đất.
Video: Sự hy sinh thầm lặng của những 'chiến sĩ áo trắng' trên tuyến đầu chống dịch Covid-19