Chuột không chỉ gây phiền toái cho con người bằng việc phá hoại các đồ vật, "trộm" lương thực thực phẩm, mà còn lan truyền nhiều bệnh nguy hiểm. Nếu bạn đang tìm kiếm một giải pháp đơn giản, tiết kiệm để đối phó với chúng, hãy thử tự chế bẫy bắt chuột bằng chai nhựa. Đây là một phương pháp dễ thực hiện, nguyên liệu lại thường có sẵn trong nhà.
Bẫy bắt chuột bằng chai nhựa có cơ chế hoạt động dựa trên nguyên lý đối trọng, khiến cho chuột dễ dàng bị rơi vào bẫy mà không có cách nào thoát ra, giúp bạn bắt chuột một cách an toàn và hiệu quả.
Để tự chế bẫy bắt chuột bằng chai nhựa, bạn cần chuẩn bị một số nguyên liệu và dụng cụ sau đây:
- Chai nhựa: Chọn loại chai có dung tích từ 1,5 lít đến 2 lít.
- Dao hoặc kéo: Để cắt chai.
- Dây thép hoặc dây dù: Để cố định chai nhựa.
- Que xiên bằng gỗ hoặc kim loại: Để tạo trục quay cho bẫy.
- Mồi nhử: Có thể sử dụng thức ăn yêu thích của chuột như bánh mì, gạo, thịt, trái cây,…
Trước tiên, bạn rửa sạch chai nhựa để loại bỏ mùi và các chất bẩn bên trong, sau đó cắt phần đáy chai nhưng không cắt rời hoàn toàn, để lại một đoạn làm bản lề giúp phần đáy này có thể mở và đóng lại dễ dàng.
Dùng xiên hoặc kim nhọn để đục hai lỗ nhỏ đối xứng ở phần trên của thân chai nhựa, luồn một que xiên bằng gỗ hoặc kim loại qua hai lỗ này để tạo trục quay cho chai. Hãy đảm bảo que xiên này nằm ở vị trí cố định và chắc chắn.
Gắn mồi nhử ở bên trong chai, gần phần đáy chai mà bạn đã cắt trước đó. Hãy đảm bảo mồi được cố định chắc chắn, thu hút được sự chú ý của chuột. Các loại mồi nhử hấp dẫn chuột là mỡ lợn, bánh mỳ phết bơ đậu phộng hoặc các loại thực phẩm có mùi thơm khác.
Cuối cùng, bạn dùng dây thép hoặc dây dù để cố định chai nhựa ở vị trí muốn đặt bẫy. Có thể buộc bẫy vào một thanh gỗ hoặc bất kỳ vật cứng nào đó để đảm bảo chai nhựa không bị lăn hoặc xê dịch khi chuột vào.
Khi chuột ngửi thấy mùi thơm của mồi nhử, nó sẽ chui vào bên trong chai qua phần đáy đã được cắt. Khi chuột đẩy mạnh vào đáy chai, phần này sẽ khép lại và giữ nó bên trong chai. Với cơ chế đối trọng từ phần chai đã cắt, chuột sẽ không thể dễ dàng thoát ra ngoài.
Cách làm bẫy bắt chuột tự chế bằng vỏ chai nhựa khá dễ thực hiện. (Ảnh: Science)
Tự chế bẫy bắt chuột bằng chai nhựa thành công, bạn còn cần lưu ý cách sử dụng hiệu quả:
- Lựa chọn vị trí đặt bẫy: Bạn nên đặt bẫy ở những nơi mà chuột thường xuất hiện, như trong nhà bếp, nhà kho, hoặc gần các khe hở mà chuột thường xuyên di chuyển qua lại. Đặt bẫy ở các góc tối, nơi chuột hay lui tới và có khả năng xuất hiện nhiều.
- Kiểm tra bẫy thường xuyên: Hãy kiểm tra bẫy thường xuyên để kịp thời xử lý chuột bị bắt và đặt mồi nhử mới. Nếu để lâu, mồi nhử có thể bị hỏng và giảm hiệu quả thu hút chuột.
- Đảm bảo an toàn khi xử lý chuột: Khi phát hiện chuột đã bị bắt trong chai, bạn cần xử lý chúng một cách an toàn. Bạn có thể áp dụng các biện pháp diệt chuột khác nếu cần thiết.
Ngoài việc tự chế bẫy bắt chuột bằng chai nhựa và lừa bắt chúng bằng bẫy, bạn cũng có thể áp dụng các mẹo đuổi chuột sau:
- Đuổi chuột bằng ớt bột: Bạn rải ớt bột ở những vị trí mà chuột thường hay chạy qua. Vì chuột rất sợ mùi bột ớt nên bạn chỉ cần rải một lần là chúng sẽ bỏ đi, ít khi quay lại.
- Đuổi chuột bằng tỏi: Củ tỏi phát ra mùi cay nồng mà không con vật nào thích, đặc biệt là loài chuột có khứu giác rất nhạy cảm. Mùi tỏi sẽ khiến chuột rất sợ hãi và tránh xa. Bạn hãy đập dập tỏi, đặt ở các góc nhà và những nơi chuột hay qua lại, có thể dùng bột tỏi để rắc xung quanh các khe tường. Sử dụng nước tỏi thấm vào những miếng bông để xung quanh nhà để xua đuổi chuột cũng là một mẹo hay.
- Đuổi chuột bằng bột xà phòng: Cho vài muỗng canh tương ớt cùng với xà phòng giặt đồ và nước vào một chiếc bình, lắc nhẹ cho hỗn hợp hòa tan và đem xịt ở nơi chuột thường đi lại. Bột giặt như một chất keo giúp ớt bám dính lâu hơn, khiến chuột không dám đến gần nhà bạn.