Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Từ chàng thanh niên say mê với nghề cá tới nghệ nhân thủy sản

(VTC News) -

Hơn 40 năm trong nghề, nghệ nhân Phạm Văn Nhiêu đã trở thành “ông đỡ” đưa những giống thuỷ sản có giá trị vào nuôi trồng, đem lại thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Vươn lên từ nghề nuôi cá giống

Trang trại của ông Phạm Văn Nhiêu nằm ở phía nam TP Hải Phòng, tại Xứ Đồng Ông Cẩm (thuộc địa phận xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng). Năm 1979, gia đình ông Nhiêu bắt đầu biết về nghề ươm cá trắm. Đó cũng chính là cơ duyên giúp ông gắn bó nghề nuôi cá đến thời điểm hiện tại. 

Từ những chuyến xe thồ chở cá đi bán cho các nhà dân trong xã, dần dần cá giống của gia đình ông Nhiêu đã được các huyện lân cận biết đến. Sau năm 90, ông Nhiêu cùng với chị gái của mình - một kỹ sư thủy sản cho sinh sản cá trắm, cá trôi, cá mè và bắt đầu bán cho các tỉnh khác.

Ông Phạm Văn Nhiêu có hơn 40 năm gắn bó với nghề cá.

Đến năm 1995, ông Nhiêu chuyển sang xe máy và tự mình đưa cá giống tới nhiều tỉnh miền Bắc như: Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa.

Không dừng lại ở làm giàu

Sau cá hương và cá trắm giống, ông Nhiêu lại tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống nuôi tôm càng xanh, cá chim trắng. Ông chia sẻ: “Năm 1996, tôi đã tìm hiểu và nhập cá chim từ Trung Quốc về bán. Lúc đó, tôi dùng xe máy chở về bán với số lượng khoảng 5000 - 7000 đến 1 vài vạn (vài chục nghìn) con.” 

Một mặt cung cấp cá chim trắng cho thị trường miền Bắc, ông Nhiêu còn mở rộng quy mô nuôi trồng và cung cấp con giống cho thị trường các tỉnh trong Nam.

Toàn cảnh quy mô đầm nuôi thủy sản lên đến 30 héc ta.

Nối tiếp sự thành công của cá chim trắng, ông Phạm Văn Nhiêu đã chuyển giao mô hình nuôi tôm càng xanh cho 9 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và đạt hiệu quả rất cao. Trong khoảng 5 năm, từ năm 2002 - 2007, ông Nhiêu đã lần lượt xây trại dưỡng tôm tại các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp và Cần Thơ. Đặc biệt, người dân miền trong còn gọi ông với cái tên gần gũi “Nhiêu tôm càng xanh”

Con đường không phải lúc nào cũng trải hoa hồng

Mang tâm thế luôn muốn đưa những giống cá chất lượng nhất từ nước ngoài về phục vụ bà con ở quê nhà, nên ông Nhiêu cũng gặp không ít những khó khăn.

Ở những ngày đầu khởi nghiệp, việc vận chuyển cá ở nước ngoài về bằng đường bộ vô cùng khó khăn, gây trở ngại vô cùng lớn. Khoảng cách địa lý, khác biệt về môi trường và điều kiện thời tiết nuôi trồng cũng nhiều lần đẩy ông Nhiêu nhiều lần lâm vào cảnh mất trắng.

Ông Nhiêu đang thực hiện kỹ thuật tiêm thuốc cho cá tra đẻ.

Đặc biệt, quá trình tìm con giống chuẩn cũng tốn không ít công sức, thời gian và đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật chuyên môn. Nếu như rất nhiều những thương lái nhầm lẫn giữa cá chim trắng và cá trắm, thì ông Nhiêu là người đầu tiên có khả năng phân biệt được hai giống cá này. Cũng vì thế mà tên gọi “vua cá chim trắng” đã gắn liền với ông cho đến tận thời điểm hiện tại.

Thay đổi lối mòn, nối tiếp đam mê

Gần 30 năm đam mê với nghề nuôi cá, chàng thanh niên ngày nào đã trở thành “nghệ nhân thủy sản” luôn tìm tòi những phương thức mới nhằm cải tạo giống cá, tạo điều kiện phát triển cho những người lao động tại địa phương.

Năm 2017 – 2018, ông Nhiêu tiếp tục nghiên cứu thêm về cá rô phi Bảo Lộc. Nhận thấy tiềm năng phát triển và giá trị kinh tế cao, cuối năm 2019 - đầu năm 2020, ông đã hợp tác cùng với công ty TNHH Thủy sản Bảo Minh chính thức đưa cá rô phi Bảo Lộc về cung cấp độc quyền cho thị trường trong nước. 

Cá rô phi Bảo Lộc tại trại nuôi uy tín nhất của Trung Quốc.

Ông Nhiêu cho biết: “Cá rô phi Bảo Lộc là giống cá được cung cấp bởi trại nuôi Bảo Lộc - trại nuôi lớn nhất và nổi tiếng tại Trung Quốc. Giống cá rô phi này khi nhập khẩu về Việt Nam có mức giá cao nhất và chất lượng cũng cực kỳ tốt. Toàn bộ đều có đầy đủ Giấy chứng nhận kiểm dịch thuỷ sản của Chi cục Hải quan và Cục thú y. Ngoài ra, cá rô phi Bảo Lộc cũng có ưu điểm rất thơm và chắc thịt, lại tốn ít thức ăn nên có tiềm năng phát triển vô cùng lớn.”

Những năm gần đây, ông Nhiêu còn tiếp tục mở rộng quy mô nuôi cá theo mô hình “sông trong ao” theo công nghệ tiên tiến của Israelvà nuôi cá tra, tôm, rươi. Mỗi năm, ông thu hơn 50 tấn cá với mức lãi suất từ 600 triệu đồng - 700 triệu đồng.

Mô hình “sông trong ao” tại trang trại của ông Nhiêu.

Chia sẻ về định hướng về chiến lược phát triển trong thời gian tới, ông Nhiêu cho biết bản thân ông hiện đang cùng công ty TNHH Thủy sản Bảo Minh nghiên cứu, ứng dụng KHCN để tạo ra những thành quả mang giá trị thiết thực hơn nữa. 

Đem theo những đam mê cháy bỏng tuổi đôi mươi cùng kinh nghiệm hơn 30 năm làm nghề, ngọn lửa nhiệt huyết của “nghệ nhân thủy sản” Phạm Văn Nhiêu kết hợp với những tiến bộ kỹ thuật từ công ty Bảo Minh chắc chắn sẽ tạo ra một chuỗi giá trị nâng cao chất lượng sản phẩm đạt chuẩn sạch và an toàn.

Quỳnh Chi

Tin mới