Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

TS Lê Trường Tùng: Nâng chi phí đào tạo đại học lên gấp 5 trong 10 năm tới

Theo TS Lê Trường Tùng, mức chi phí trung bình đào tạo đại học ở Việt Nam hiện dưới 1.000 USD năm/sinh viên, các năm tới, cần phải nâng chi phí đào tạo lên gấp 5.

Tham luận tại Hội nghị tự chủ đại học do Bộ GD&ĐT tổ chức hôm 4/8, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT - nhìn nhận, việc thực hiện tự chủ trong giáo dục đại học là điểm nhấn quan trọng trong phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Đây là xu hướng toàn cầu, thậm chí còn có cả ý kiến kêu gọi không đưa tên các trường đại học ở các quốc gia có sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào các bảng xếp hạng đại học quốc tế.

"Hiện nay, khi bàn về tự chủ trong giáo dục đại học, chất lượng thường là yếu tố được nhấn mạnh. Tuy nhiên trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, nên chăng mục tiêu chiến lược kết hợp hài hòa giữa chất lượng, số lượng và hiệu quả” - TS Lê Trường Tùng nêu quan điểm.

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2022.

Theo TS Lê Trường Tùng, vấn đề hiện nay hệ thống giáo dục đại học đang phải đối mặt là ngân sách nhà nước hạn chế, ngân sách giáo dục cần dành chi nhiều hơn cho giáo dục phổ thông, còn với giáo dục sau phổ thông thì ngân sách nhà nước chỉ tập trung chi cho các trường, các ngành trọng điểm và các đối tượng người học cần ưu tiên, còn lại dựa vào nguồn thu học phí, nguồn tín dụng nguồn thu khác của trường, và hiện nay đang lồng nội dung “tự túc” này vào việc tự chủ trong các chỉ đạo.

Dù đầu tư từ nguồn nào, thì một trong các yếu tố để đảm bảo chất lượng là chi phi đào tạo/sinh viên (định mức kinh tế kỹ thuật) phải đủ lớn. Hiện mức chi phí trung bình đào tạo đại học ở Việt Nam dưới 1000 đô la Mỹ/năm/sinh viên, chỉ bằng 1/20 chi phí của Australia.

“Các năm tới, Việt Nam cần phải nâng chi phí đào tạo lên từ nhiều nguồn, chắc phải lên gấp 5 con số này trong 10 năm tới (tương đương với Thailand, và bằng 5-10% Mỹ, Australia hiện nay) để có điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ở mức tối thiểu. Tự chủ đại học cần phải góp phần giải quyết vấn đề này” - TS. Tùng nhấn mạnh.

Liên quan đến chi phí đào tạo, PGS.TS Nguyễn Hoàng - Hiệu trưởng Đại học Thương mại cho rằng, cùng với gia tăng mức độ tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục đại học, nguồn tài trợ từ ngân sách nhà nước có xu hướng giảm dần và nguồn thu từ học phí ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 70-80% tổng thu của các trường.

Ông Hoàng chỉ ra, nghiên cứu của Ngô Thu Giang và Nguyễn Tài Phương (2018) về nguồn thu của các trường đại học thực hiện cơ chế tự chủ đã chỉ rằng, nguồn thu từ ngân sách nhà nước giảm từ 25,5 -28,7% năm 2015 xuống tới 2,6 – 6,1%; trong khi đó nguồn thu từ học phí, lệ phí tăng lên đáng kể từ 53,5 – 59,7% lên mức 69,0 – 75,5%. Nguồn thu từ hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ cũng như các dịch vụ khác tăng không đáng kể.

Như vậy, cùng với quá trình tự chủ tài chính là quá trình giảm dần đầu tư ngân sách công cho các trường đại học và tăng thêm sự đóng góp tài chính của người học. Xu hướng này cũng phù hợp với xu hướng chung đối với các nước khác trên thế giới khi mà ngân sách nhà nước đang hạn hẹp.

Tuy nhiên, do không nhận được tài trợ từ nhân sách nhà nước, dưới sức ép của chi phí, các trường có xu hướng tăng quy mô tuyển sinh và tăng học phí để bù đắp sự giảm sút về nguồn thu.

“Điều đó cũng tạo ra những hệ lụy liên quan đến chất lượng đào tạo của các trường và sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học đối với người dân có thu nhập khác nhau”- ông Hoàng nhấn mạnh.

Tăng phí đào tạo cách nào?

Ông Nguyễn Hoàng, Hiệu trưởng Đại học Thương mại cho rằng, cần đổi mới chính sách học phí theo nguyên tắc chia sẻ chi phí với xã hội, trong đó các trường đại học đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ. Vì vậy, Nhà nước cần trao quyền tự chủ cho các trường đại học công lập về mức thu, trước hết là thu học phí, lệ phí.

Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học công lập được phép tính đủ chi phí tiền lương và chi phí hoạt động thường xuyên trong giá dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở khung giá do Nhà nước quy định, chi phí khấu hao tài sản cố định trong học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập, đảm bảo nguyên tắc lấy thu đủ bù đắp chi phí đào tạo trong học phí.

“Tuy nhiên, kèm theo cơ chế này cần có chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người ở vùng sâu, vùng xa về mức học phí… tạo điều kiện cho mọi người đều được tiếp cận giáo dục đại học”- ông Hoàng nêu quan điểm.

TS Lê Trường Tùng cho rằng, do ngân sách hạn chế, Việt Nam chỉ thể tăng chi phí đào tạo/sinh viên theo 3 cách: thực hiện lộ trình tự chủ gắn với lộ trình tăng học phí trường công như hiện nay; tăng tỷ trọng sinh viên trường tư song song với giảm tỷ trọng sinh viên trường công để tối ưu việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học; tín dụng, vay tương lại tiêu cho hiện tại.

Cách một, không thể tăng học phí quá nhiều, cho nên sẽ đến lúc phải dùng đến cách. Cách hai, giới hạn sinh viên trường công từ khoảng 85% hiện nay xuống còn khoảng 65% là tạm ổn (chẳng hạn mỗi năm giảm 5% chỉ tiêu trường công), cũng để tỷ lệ sinh viên trường công trường tư tương xứng với các nước khác trong khu vực.

Ngoài ra, cũng theo ông Tùng, cách đi phù hợp, vì liên quan đến cả tín dụng đầu tư và tín dụng sinh viên.

Cũng cần xây dựng hành lang pháp lý cho việc vay, bảo lãnh nợ vay và trả nợ vay – đặc biệt là cho các trường công tự chủ tài chính.

Khi sứ mạng của đại học là kiến tạo tương lai, dẫn dắt kinh tế xã hội chứ không phải là đi sau để xã hội hiện tại dẫn dắt, nếu như đại học không tự chủ thì làm sao giải phóng được sức sáng tạo của nhà trường, làm sao phát triển với tốc độ nhanh trong nền kinh tế tri thức không theo quy luật “cá lớn nuốt cá bé” mà là quy luật “nhanh thắng chậm”, nhanh theo tốc độ mở của hàm mũ - TS Lê Trường Tùng nêu quan điểm.

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới