Trong thời gian qua, tờ China Daily phiên bản tiếng Anh đăng nhiều hình ảnh mẫu nữ trình diễn trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam cùng chú thích: "Chinese style delights China S/S Fashion Week'' (Phong cách Trung Quốc được yêu thích tại China S/S Fashion Week).
Truyền thông Trung Quốc gọi áo dài là "Phong cách Trung Quốc được yêu thích tại China S/S Fashion Week".
Điều này khiến dư luận Việt Nam rất phẫn nộ. Trong buổi họp báo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra sáng 3/1 nhiều phóng viên một lần nữa đề cập tới vấn đề này.
Ông Nguyễn Thái Bình - Người phát ngôn, Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện mới có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Kết quả bước đầu của buổi làm việc là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có thể là đơn vị đứng ra làm hồ sơ đề nghị công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
Các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như: Cục Di sản Văn hóa; Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ hỗ trợ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hoàn thiện hồ sơ.
Các cơ quan chức năng sẽ cố gắng hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể trong năm 2020.
Trước đó, NTK Minh Hạnh từng chia sẻ với phóng viên VTC News cảm giác "sốc" khi phát hiện truyền thông Trung Quốc cố tình gọi trang phục áo dài Việt Nam là "phong cách Trung Quốc".
NTK Minh Hạnh phân tích: "Có thể thấy ngay được thâm ý trong bộ sưu tập này với tuyên ngôn của Nhà thiết kế Trung Quốc: Khi sáng tạo ra bộ sưu tập, tôi nhấn mạnh vẻ đẹp kiêu sa cũng như phẩm giá của trang phục truyền thống Trung Quốc.
Trong lĩnh vực thời trang, khi tạo ra được trào lưu thì mặc nhiên có sức lan tỏa lớn. Với thâm ý có chiến lược này, với nhân lực, vật lực như thế, chúng ta lại một lần nữa gặp phải 'đường lưỡi bò trong văn hóa' và đây là điều rất nguy hiểm".
NTK Minh Hạnh cũng nêu ra giải pháp cần phải thực hiện ngay cách hành động nhằm khẳng định áo dài là quốc phục của Việt Nam.