Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Truyền hình VTC - Tươi mới và sáng tạo, vào tuổi 20 để đi tới

(VTC News) -

Chuyển đổi số mạnh mẽ cùng với việc mở rộng nội dung đối ngoại, đưa thông tin Việt Nam ra thế giới là một phần trong chiến lược đổi mới hiện nay của Đài VTC.

Thành thật mà nói, 20 năm trước ngành truyền hình nước ta còn khá đơn sơ, nghèo nàn. Ở các tỉnh, thành, Đài phát thanh và truyền hình địa phương chỉ phát sóng 1 kênh truyền hình bằng công nghệ analog, và phóng viên tác nghiệp thì sử dụng máy quay hệ băng VHS, làm hậu kỳ phim vô cùng vất vả.

Nói là phát 1 kênh nhưng thực tế các Đài địa phương thường chỉ sản xuất được 30 phút thời sự và thêm chút ít chuyên đề, vì thế mà thời lượng trên sóng của Đài tự sản xuất cũng chỉ trên dưới 1 - 2 giờ mỗi ngày, còn lại là tiếp sóng Truyền hình Việt Nam và phát phim truyện.

Ở Trung ương lúc đó cũng duy nhất chỉ Truyền hình Việt Nam, một mình một sân ung dung không ai so bì, vì thế mà tốc độ đổi mới và phát triển cũng không mạnh mẽ như giai đoạn gần đây.

Hình ảnh người dân theo dõi VTC qua tivi và đầu thu kỹ thuật số mặt đất đầu những năm 2000.

Có người nói, Đài Truyền hình VTC ra đời là bởi nhân duyên, bởi một lý lẽ không định trước. Nói như thế cũng chẳng sai, vì lúc đó cấp trên cũng không giao nhiệm vụ hay định trước mục tiêu cho ngành truyền hình phải ra đời một Truyền hình VTC để song hành cùng VTV. 

Truyền hình VTC ra đời là từ mong muốn, khát vọng của những người có tư duy đổi mới mạnh mẽ lúc bấy giờ muốn đưa công nghệ truyền hình hiện đại vào Việt Nam, muốn ngành truyền hình Việt Nam thay đổi, chuyển mình cả về nội dung, cả về phương thức, tạo ra một môi trường truyền hình có yếu tố cạnh tranh để đi nhanh và xa hơn.

Người làm truyền hình ở Việt Nam cách đây 10 năm về trước chắc không ai không biết đến ông Thái Minh Tần. Ông được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động, có học vị tiến sĩ, là cựu sinh viên Đại học Bách Khoa những năm đất nước còn chiến tranh.

Tiến sĩ Thái Minh Tần xuất phát từ Truyền hình Việt Nam, ông là cán bộ có năng lực, có cá tính, mạnh mẽ và quyết liệt, ông xin tách khỏi cây đại thụ Truyền hình Việt Nam, thành lập Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ truyền hình trực thuộc Bộ Bưu chính Viễn thông. Nhờ có tư duy đổi mới và ứng dụng công nghệ nên Công ty phát triển rất nhanh, từ khởi nguồn đó mà tiến sĩ Thái Minh Tần đề xuất mở ra Truyền hình VTC, khởi đầu hình thành nên Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC ngày nay.

Chuyện Chính phủ cho ra đời một Đài Truyền hình đặt trong doanh nghiệp là một câu chuyện dài chứa đựng nhiều khó khăn, thách thức. Lúc đó nhiều người trong lĩnh vực truyền hình cũng không thể hình dung ra hết được, bởi lẽ…

Ở nước ta, Đài Truyền hình Việt Nam từ khi ra đời và đến bây giờ vẫn là cây đại thụ. Vì thế, có Truyền hình Việt Nam rồi thì có cần phải thêm một truyền hình nữa? Đó là câu hỏi lớn... Và Luật Báo chí cũng không có điều nào cho phép báo chí trong doanh nghiệp hoặc thuộc lĩnh vực tư nhân.

Vậy Truyền hình VTC ra đời vì đâu? Câu trả lời của tiến sĩ Thái Minh Tần lúc đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty truyền thông đa phương tiện VTC trình bày và được ông Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông lúc bấy giờ đồng tình, đó là VTC ra đời làm nhiệm vụ tiên phong ứng dụng kỹ thuật số vào lĩnh vực truyền hình. Khái niệm kỹ thuật số vào những năm đầu thế kỷ 21 là cụm từ hấp dẫn vừa mới mẻ, vừa hiệu quả so với những cái truyền thống đang thực hành.

Tiên phong công nghệ

Ngày 1/7/2001, Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ truyền hình Việt Nam được phát sóng thử nghiệm 8 chương trình truyền hình trong nước và quốc tế dựa trên nền tảng truyền hình số mặt đất chuẩn DVB-T. Điều này có ý nghĩa quan trọng, là căn cứ để Chính phủ hoạch định Chiến lược phát triển ngành Truyền hình Việt Nam bằng công nghệ kỹ thuật số tiên tiến theo Đề án “Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020”.

VTC ra mắt Kênh Truyền hình Thể thao VTC3.

Ngày 19/8/2004, Bộ Bưu chính Viễn thông quyết định thành lập Ban Biên tập Truyền hình Kỹ thuật số VTC thuộc Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ truyền hình Việt Nam (VTC) là tiền thân của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC ngày nay. Ban biên tập ban đầu có 50 nhân sự, và đến ngày 2/9 cùng năm cho ra mắt chương trình truyền hình đầu tiên trên sóng.

Ông Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu Chính Viễn thông lúc đó đưa ra nhận xét: “Khi Truyền hình số VTC ra đời gây tiếng vang rất lớn vì hình rõ nét, tiếng trung thực, truyền hình tốt và xa, ưu điểm lớn nhất là lưu trữ được tín hiệu”.

Ông Lưu Vũ Hải, khi còn là Phó tổng giám đốc Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC và sau này có thời gian là Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình (Bộ Thông tin và Truyền thông) từng nói: “VTC ra đời được xã hội đón nhận nồng nhiệt và từng bước thuyết phục các cơ quan chức năng. Sau này, tiêu chuẩn phát hình số mặt đất đã trở thành tiêu chuẩn phát sóng chính thức của Đài Truyền hình Việt Nam”.

Không chỉ mạnh về công nghệ và kỹ thuật, những chương trình truyền hình của VTC còn mang đến một diện mạo mới tươi trẻ, mới mẻ và hấp dẫn. Truyền hình VTC được người dân cổ vũ, được các Bộ, ngành, Chính phủ ghi nhận, và như một quy luật tất yếu, năm 2007, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức cấp giấy phép hoạt động báo chí cho Đài, khẳng định vị trí pháp lý để Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tiếp tục phát triển.

Ở thời điểm đó, Chính phủ Thụy Điển khi đánh giá độc lập thông tin báo chí ở Việt Nam đã nhận định: Sự ra đời của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tạo cho người dân có thêm một lựa chọn để xem truyền hình, thúc đẩy truyền hình Nhà nước không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bứt phá mạnh mẽ

Những năm đầu thành lập, dù nhân lực ít, nhưng Đài Truyền hình VTC đã có sự phát triển vượt bậc mà không một đài truyền hình nào ở thời điểm đó làm được. Với tinh thần khởi nghiệp, nắm bắt cơ hội, chủ động đổi mới, dám nghĩ dám làm, VTC đưa đến cho khán giả những chương trình truyền hình đặc sắc và tươi mới.

Đoàn phóng viên VTC tác nghiệp tại SEA Games Lào 2009.

Cuối năm 2005, sau hơn một năm thành lập, Đài Truyền hình VTC đã tham gia truyền hình trực tiếp Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 23, đánh dấu lần đầu tiên VTC thực hiện sản xuất các chương trình thể thao. Sau này, VTC khẳng định mạnh mẽ vị thế trong hệ thống truyền hình Việt Nam khi liên tục có được bản quyền các sự kiện thể thao lớn của Việt Nam và thế giới.

Cũng chỉ trong khoảng thời gian ngắn, VTC liên tục cho ra đời nhiều kênh truyền hình mới, thỏa mãn nhu cầu xem truyền hình ngày càng đa dạng của khán giả, nổi bật là Kênh VTC1 - Kênh thời sự chính trị tổng hợp lên sóng nhiều bản tin thời sự trực tiếp hàng ngày, với cách thức tiếp cận thông tin nhiều chiều, gần gũi với cuộc sống, không khô khan, cứng nhắc.

Và cũng chỉ trong 3 năm từ 2008 - 2011, Đài có thêm 3 kênh truyền hình được Chính phủ đặt hàng sản xuất chương trình, phát sóng phục vụ nhiệm vụ công ích, gồm: Kênh Văn hoá Việt VTC10 đưa văn hoá Việt Nam đến với đồng bào ta ở xa Tổ quốc; Kênh truyền hình phòng chống thiên tai phục vụ cộng đồng VTC14 và Kênh truyền hình Nông nghiệp, nông dân và nông thôn VTC16.

Đài VTC còn hợp tác, liên kết với nhiều đối tác xã hội hoá hoạt động sản xuất các chương trình truyền hình, tạo ra sự phong phú trên kênh sóng như kênh truyền hình VTC7, VTC9, VTC5 lúc bấy giờ.

Cũng từ đây, Đài VTC thực sự trở thành nhân tố đi đầu phá bỏ thế độc quyền truyền hình ở Việt Nam, mang đến môi trường truyền hình năng động, phát triển, và công chúng khán giả là đối tượng được hưởng lợi khi có thêm rất nhiều món ăn để lựa chọn.

Nhằm nâng cao vị thế của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, từ ngày 1/1/2014, Đài chính thức tách khỏi Tổng công ty VTC, trở thành cơ quan sự nghiệp trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Đến cuối năm 2014, Đài VTC được chuyển từ Bộ Thông tin và Truyền thông về Đài Tiếng nói Việt Nam - cơ quan báo chí chủ lực của quốc gia trực thuộc Chính phủ, có truyền thống vẻ vang và  bề dày phát triển gần 80 năm

Đổi mới không ngừng

Truyền hình VTC từ khi ra đời cho đến hôm nay không khi nào ngừng nghỉ đổi mới và sáng tạo, đó là chất của người VTC của hôm qua, hôm nay và ngày mai. Người VTC từ khi ra đời được rèn luyện trong gian khó và khó khăn tạo nên khí chất trong họ. Người VTC ngày hôm nay càng thấu hiểu rằng, dừng lại, chậm đổi mới, sáng tạo, thiếu đi tố chất mạnh mẽ, bứt phá là tự tiêu huỷ mình và vì vậy VTC đang quyết tâm, đi trên đôi chân vững chãi của chính mình.

Khu vực Tổng khống chế - Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, nơi kiểm soát tín hiệu phát sóng các kênh chương trình đặc sắc của VTC.

Cùng với dẫn đầu ứng dụng kỹ thuật số vào sản xuất và phát sóng truyền hình, Đài VTC giai đoạn hiện nay cũng là đơn vi top đầu trong chuyển đổi số, sớm tiếp cận với xu hướng truyền thông hiện đại. Đáng nói nhất là việc Đài tạo lập được hệ thống phân phối nội dung đa phương tiện trên internet (VTC Now), có sự khác biệt rõ rệt so với các ứng dụng truyền hình OTT khác trên thị trường. Đài VTC cũng là đơn vị truyền hình đầu tiên ở Việt Nam có Network trong Youtube với hàng ngàn kênh nội dung, cung cấp lượng thông tin khổng lồ và đa dạng đến khán giả trên toàn cầu. Đây được xem như bước chuyển đổi lần thứ 2 của VTC.

Với chiến lược “Lấy nội dung đặc sắc làm trọng tâm”, sản xuất chương trình phải được tối ưu giữa chi phí và hiệu quả, vì vậy, việc cho ra chương trình mới để thay thế chương trình thiếu hiệu quả với Đài VTC đã trở thành chuyện bình thường. Khi liên kết xã hội hoá kênh sóng không còn là thời thượng, Đài VTC lại mở ra hướng hợp tác chương trình với hàng trăm đối tác mới trong nước và ngoài nước, vì vậy mà kênh sóng của VTC vẫn thường xuyên xuất hiện những chương trình qui mô lớn, rực rỡ về hình thức trong những sự kiện quan trọng và ý nghĩa của đất nước, của dân tộc.

Rating kênh VTC1 của Đài luôn ở nhóm dẫn đầu kênh tin tức, chính luận, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, bộ ngành chọn để truyền đạt  những thông điệp quan trọng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước, trở thành kênh thông tin chiều, có bản sắc riêng, có tính phản biện cao. Hàng trăm chương trình truyền hình trực tiếp, chương trình toạ đàm đối thoại được Đài thực hiện trong năm… đó là thước đo đánh giá chất lượng, sự trưởng thành của VTC trong lòng công chúng, khán giả.

Chỉ trong 5 năm qua, đội ngũ phóng viên, biên tập, kỹ thuật của Đài đã ghi dấu ấn trong hoạt động chuyên môn với hàng trăm Giải Báo chí quốc gia, Giải Búa liềm vàng, Giải Diên Hồng, Liên hoan truyền hình toàn quốc và giải báo chí của các bộ ngành và Đài Tiếng nói Việt Nam. Dấu ấn chuyên môn của Đài thật khó để kể hết, đó là kết quả của sự sáng tạo và vượt khó, bởi cái khó của ngày hôm nay cũng khác với cái khó của hôm trước.

Ông Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) chia sẻ: “Có thể nói, những cuộc trao đổi được phát trên sóng truyền hình VTC có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, đặc biệt hơn là những cuộc trao đổi trực tiếp trên sóng truyền hình có các đồng chí là Bộ trưởng, Bí thư, các đồng chí Chủ tịch các tỉnh, lãnh đạo địa phương…, tôi cho rằng đây là một minh chứng và sự tin cậy của lãnh đạo Đảng, Nhà Nước đã dành cho Đài Tiếng nói Việt Nam nói chung và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC nói riêng”.

Trong hành trình phát triển của mình, cùng với các cơ quan báo chí chính thống khác, Đài VTC đã góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội, khẳng định giá trị, bản lĩnh của những người làm truyền hình ở VTC.

Nhiều thế hệ cán bộ Đài VTC đã bền bỉ và quyết tâm để theo đuổi các giá trị cốt lõi, đó là cung cấp thông tin đúng sự thật, khách quan, nỗ lực tìm mọi cách để đến gần hơn với khán giả, độc giả, với nhiều đổi mới trong sản xuất chương trình, làm sao lắng nghe, phản hồi và đáp ứng yêu cầu của khán giả một cách tốt nhất.

Thế giới thay đổi, truyền thông đang thay đổi và chúng tôi cũng tâm niệm Đài VTC tiếp nối truyền thống phải thay đổi, thích ứng linh hoạt để chuyển mình mạnh mẽ trong mái nhà chung VOV. Và thực hiện chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, cùng với việc mở rộng nội dung đối ngoại, đưa thông tin Việt Nam ra thế giới là một phần trong chiến lược đổi mới hiện nay của Đài”, ông Trần Đức Thành, Giám đốc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC chia sẻ.

Mục tiêu đã định, và giải pháp đã rõ, hành trình đi tới của Đài VTC đòi hỏi những con người hôm nay phải vượt lên chính mình, vượt qua thách thức nội tại, giải quyết tốt bài toán tài chính, tái cơ cấu mọi mặt, từng bước đầu tư đổi mới nội dung theo hướng tập trung vào thế mạnh thời sự chính trị, khoa giáo, giải trí và đời sống dân sinh - lấy khán giả, người dân làm thước đo đánh giá chất lượng các chương trình trên kênh sóng.

20 năm - từ một Công ty Công nghệ truyền hình đầu tiên đến hành trình phát triển của Đài hôm nay, hàng nghìn cán bộ, nhân viên đã và đang công tác ở Đài, đặc biệt là những thế hệ lãnh đạo ở từng thời kỳ, đều thể hiện bản lĩnh của những con người sẵn sàng tạo ra cái mới, không ngừng sáng tạo và cống hiến cho sự phát triển của Đài VTC.

Bình Lê

Tin mới