Ngày 5/4, đoàn công tác Sở GD&ĐT TP.HCM có buổi làm việc với đại diện trường Quốc tế Mỹ - Việt Nam (trường Quốc tế AISVN) và phụ huynh học sinh liên quan các vấn đề tại trường.
Tính phương án phát hành cổ phiếu cho phụ huynh
Tại buổi làm việc, ông Hồ Quang Trung, thành viên hội đồng trường cho hay, tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn, trường đã nêu ra nhiều phương án để mời gọi nhà đầu tư vào hợp tác để duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, trường cũng đã cam kết về số tiền hỗ trợ.
Trường quốc tế AISVN (220 Nguyễn Văn Tạo, huyện Nhà Bè, TP.HCM).
"Với số tiền phụ huynh đã đóng, nhà trường đang có hướng phát hành cổ phiếu đến phụ huynh", ông Trung nói và nhấn mạnh, đây là giai đoạn quan trọng và hứa sẽ cố gắng.
Nhà trường hiện đang thực hiện chấm công tháng 3 cho đội ngũ nhân sự, đồng thời duyệt lệnh trả lương cho đội ngũ (15h ngày 4/4) nhưng do phía ngân hàng báo lỗi hệ thống nên nhân sự chưa nhận được.
Ông Trung thay mặt nhà trường, xin nhận lỗi với phụ huynh về các sự việc vừa qua. Ông cũng đã chỉ đạo nhân sự thực hiện trả lời qua email để cảm ơn số tiền góp của phụ huynh và có cam kết sẽ trả lại. Nhà trường sẽ tìm nguồn tài chính để hoạt động lâu dài và sẽ có thông báo chính thức đến tất cả phụ huynh.
Bà Chandra McGowan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện có 2-3 giáo viên từ chối quay lại trường cho đến khi nhận hết lượng tháng 3/2024; 2 giáo viên chưa thực hiện hồ sơ nghỉ việc nên nhà trường chưa thực hiện phân bổ cụ thể. Các lớp thiếu giáo viên, nhà trường chuyển học sinh xuống phòng thư viện và tự học theo sự giám sát của quản thư (chỉ được học môn Toán).
"Hiện có khoảng 15 giáo viên nghỉ với nhiều lý do khác nhau. Nếu thực hiện đầy đủ phí duy trì thì nhà trường vẫn thực hiện chương trình", Hiệu trưởng Trường quốc tế AISVN nói.
Trường hứa quá nhiều lần
Bà Trần Phương Anh - đại diện phụ huynh giám sát hoạt động nhà trường nói, chỉ có thể kêu gọi từng khối lớp hỗ trợ. Tuy nhiên, mỗi phụ huynh có lý do khác nhau, trong khi đó trường không có động thái tích cực.
Bà Anh nhấn mạnh trách nhiệm chính của bản thân là theo dõi dòng tiền chứ không phải đứng ra kêu gọi đóng góp. Trường bị mất lòng tin từ phụ huynh do không đưa ra được phương hướng hoạt động lâu dài với phụ huynh. Vì vậy theo bà, việc kêu gọi đóng tiền từ phía phụ huynh là rất khó.
Buổi làm việc giữa Nhà trường và gần 900 phụ huynh chiều 30/3.
Bà Lê Nhật Yến, đại diện phụ huynh học sinh ý kiến, trong phương án nhà trường trình là góp 4 tỷ đồng vào tài khoản của tổ công tác nhưng hiện chưa thấy. Nhà trường cần có biện pháp để kịp thời thông tin đến phụ huynh. Các bảng về tài chính, số học sinh hiện chưa cụ thể theo thực tế.
"Nhà trường sẽ công khai danh sách phụ huynh đóng góp như thế nào? Tình hình đóng góp cho nhà trường, ai đã đóng, ai chưa đóng... tất cả phụ huynh đều không biết", bà Yến nhấn mạnh.
Trả lời thắc mắc của phụ huynh, bà Nguyễn Thị Kim Tiên, kế toán trường cho hay, hiện trường đang chốt thời gian với bà Nguyễn Thị Út Em - Chủ tịch Hội đồng trường để thực hiện việc chuyển khoản 4 tỷ. Trường sẽ thực hiện văn bản trình bày cụ thể về sự việc trên.
Lắng nghe ý kiến của các bên, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM thông tin, thời gian qua Sở đã lên rất nhiều phương án. Đến hôm nay, Sở chọn giải pháp tin tưởng, mong muốn của phụ huynh cho con tiếp tục học ở đây.
Lúc này, mọi thứ cần được công khai để phụ huynh được nắm, phòng chuyên môn tiếp tục nắm bắt và giám sát, ghi nhận để kịp thời báo cáo, đề xuất hướng giải quyết. Những trường hợp miễn/giảm phải tính toán cho rõ.
"Nhà đầu tư, nhà trường cần phải có thư cảm ơn, gửi như thế nào để thể hiện sự trân trọng của nhà đầu tư, Hội đồng trường đối với nghĩa cử của phụ huynh. Bởi thời gian qua, trường đã hứa nhiều. Sở đề nghị nhà đầu tư sớm có phương án cụ thể về việc tái cấu trúc, trước 15/5. Vai trò của Sở chỉ giám sát", bà Châu cho hay.