Theo thông báo của UBND TP Hà Nội, từ ngày 8/11, học sinh một số khối lớp sẽ quay trở lại học trực tiếp sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng chống dịch. Theo đó, việc học trực tiếp sẽ được ưu tiên với học sinh đầu cấp, cuối cấp, áp dụng với các trường tại các đơn vị xã /phường/thị trấn của 18 huyện và thị xã có mức độ dịch cấp 1, cấp 2 trong 14 ngày tính đến thời điểm 8/11 không có các ca mắc trong cộng đồng.
Như vậy, sẽ chỉ có học sinh lớp 5, lớp 6, lớp 9, lớp 10 và lớp 12 khu vực ngoại thành có thể trở lại trường học trực tiếp từ ngày 8/11. Học sinh ở các quận nội thành, vẫn chưa có phương án đi học trực tiếp cụ thể.
Từ ngày 8/11, học sinh đầu, cuối cấp tại 18 huyện, thị xã ngoại thành sẽ được đi học trở lại. (Ảnh minh họa)
Tại huyện Chương Mỹ, trường THPT Chương Mỹ A đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón học sinh trở lại trường. Theo thầy Nguyễn Hồng Quang, Hiệu trưởng trường THPT Chương Mỹ A, trong thời gian học sinh học trực tuyến, trường vẫn thường xuyên khử khuẩn trường lớp, đảm bảo vệ sinh. Từ nay đến cuối tuần, trường tiếp tục tổ chức phun khử khuẩn theo lịch của toàn huyện.
Tính đến nay, mọi điều kiện cơ sở vật chất đều đã được chuẩn bị sẵn sàng, 100% cán bộ, giáo viên làm việc trực tiếp tại trường đều tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.
Để đảm bảo an toàn, trường THPT Chương Mỹ A cũng giao giáo viên chủ nhiệm các lớp rà soát danh sách học sinh đi học trở lại, tình trạng sức khỏe và lịch sử di chuyển của từng em cũng như phụ huynh học sinh.
Thầy Nguyễn Hồng Quang cho biết, hiện mọi điều kiện để tổ chức học trực tiếp đã sẵn sàng, tuy nhiên, trường vẫn đang tiếp tục chờ hướng dẫn từ Sở GD-ĐT Hà Nội về quy định giãn cách trong lớp học: “Nếu phải thực hiện giãn cách, các lớp sẽ phải chia đôi. Như vậy toàn khối 10 và khối 12 trường đã có 30 lớp, nếu giãn cách, số lớp học sẽ tăng gấp đôi thành 60 lớp. Như vậy rất khó đảm bảo về số lượng phòng học cũng như giáo viên giảng dạy. Đây sẽ là khó khăn chung với nhiều trường nếu như phải học giãn cách”.
Hiệu trưởng trường THPT Chương Mỹ A cho biết thêm, riêng với khối lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, các em cũng là khóa phải trải qua 2 năm liên tiếp học trực tuyến. Do đó, ngoài những tiết học chính khóa trực tiếp tại lớp, trường vẫn tổ chức các lớp, các kênh học online dành riêng cho học sinh lớp 12 để bổ sung kiến thức.
Còn theo thầy Nguyễn Anh Chiến, Hiệu trưởng trường THCS Hợp Thanh (Mỹ Đức), trường đã khử khuẩn, vệ sinh trường lớp theo hướng dẫn của ngành y tế. Khi học sinh đi học trở lại, trường sẽ tổ chức các lớp học giãn cách, hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa các lớp.
Toàn trường THCS Hợp Thanh có 28 lớp, riêng khối lớp 6 và lớp 9 có 14 lớp. Trường chủ trương thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến”. Cụ thể, học sinh đi từ nhà đến trường sẽ vào thẳng lớp học, hạn chế việc giao lưu giữa học sinh các lớp. Bên cạnh đó, trường cũng bố trí phân chia các khu để học sinh vui chơi trong phạm vi nhỏ, trường hợp xấu nhất phát hiện ca dương tính sẽ kịp thời cách ly, không để ảnh hưởng trên diện rộng.
Hiệu trưởng trường THCS Hợp Thanh thông tin, theo rà soát, toàn trường có 10 học sinh về từ vùng dịch, tính tới ngày 8/11, vẫn sẽ còn khoảng 5-6 em chưa hết thời gian cách ly theo quy định. Để đảm bảo việc học, trường sẽ gắn thêm 1 camera trực tiếp tại lớp học để đảm bảo cho học sinh đang giãn cách có thể học cùng cả lớp.
Tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), cô Phạm Thị Phúc, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Xuân cho biết: “Chúng tôi đang đợi chỉ đạo cụ thể từ UBND huyện Sóc Sơn và Phòng GD-ĐT về việc có được đón học sinh trở lại trường hay không. Trường cũng đang làm thống kê những xã có học sinh theo học tại trường.
Mọi công tác phục vụ cho việc học trực tiếp đều đã được chuẩn bị đầu đủ, sẵn sàng. Ngoại trừ 3 giáo viên không đủ điều kiện về sức khỏe, thì tất cả cán bộ, giáo viên còn lại của trường đều đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Thực hiện hướng dẫn liên ngành của Sở Y tế và Sở GD-ĐT Hà Nội, trường cũng yêu cầu mỗi em khi đi học ngoài tuân thủ nguyên tắc 5K thì đều tự mang bình nước cá nhân, trường không tổ chức ăn bán trú để phòng chống dịch bệnh”.
Cô Phạm Thị Phúc cho hay, nếu được học trực tiếp, toàn trường sẽ có khoảng hơn 100 học sinh lớp 5 quay trở lại trường. Bên cạnh các phương án phòng chống dịch bệnh, trường Tiểu học Thanh Xuân cũng đang xây dựng thời khóa biểu cụ thể cho từng lớp học, đặc biệt là một số môn chuyên biệt, có ít giáo viên.
Về việc bồi dưỡng kiến thức cho học sinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân cho biết sẽ ưu tiên bổ trợ kiến thức những môn cơ bản cho học sinh, kết hợp giữa học kiến thức mới và ôn tập kiến thức cũ. Dựa vào kết quả đánh giá trong thời gian học trực tuyến của giáo viên, trường sẽ tiến hành chia lớp, chia nhóm để bổ sung kiến thức cho học sinh.