Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca: Cặp đạo diễn tài ba cùng ngã ngựa

Trong những năm 90 của thế kỷ trước, nói đến điện ảnh Trung Quốc là nói đến Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca, hai đạo diễn lừng danh có công đưa phim nước này ra ngoài biên giới.

Ba liên hoan phim quốc tế hàng đầu thế giới là Cannes, Venice và Berlin lần lượt vinh danh các bộ phim của họ với những giải thưởng cao nhất. Phùng Tiểu Cương xuất hiện muộn hơn vào cuối thập niên 90 và hầu như chỉ thành công ở thị trường nội địa với những bộ phim thiên về giải trí.

Ba đạo diễn lớn nhất của thế hệ điện ảnh thứ 5 Trung Quốc hiện đang ở đâu trong thời đại phát triển cực thịnh của phòng vé nước này? Thời đại mà giới bình luận gọi đùa là “phòng vé luận anh hùng”, nhất là khi bộ phim mới nhất của đạo diễn Trần Khải Ca (Yêu miêu truyện) chỉ đạt doanh thu bằng 1/10 so với doanh thu Chiến lang 2 của diễn viên - đạo diễn Ngô Kinh?

Cuộc đua song mã

Trương Nghệ Mưu (sinh năm 1951), Trần Khải Ca (1952) từng là đồng môn của nhau khi học tại Học viện Điện ảnh Bắc Kinh và bắt đầu khởi nghiệp trong những năm đầu 1980. Bộ phim đầu tiên đánh dấu sự cộng tác của họ là Hoàng thổ (Yellow Earth) ra mắt năm 1984.

Trương Nghệ Mưu trên phim trường tác phẩm "Ảnh".  

Trần Khải Ca giữ vai trò biên kịch và đạo diễn, trong khi Trương Nghệ Mưu là nhà quay phim. Bộ phim về thời Cách mạng Văn hóa Trung Hoa này ít nhiều gây được tiếng vang quốc tế khi đoạt giải Báo bạc tại LHP Locarno, Thụy Sĩ năm 1985 và là bệ phóng đưa 2 tên tuổi của Trần Khải Ca và Trương Nghệ Mưu ra thế giới. Nó cũng khởi đầu cho cuộc đua song mã của hai tên tuổi này trong suốt gần 2 thập niên sau đó.

Năm 1988, Trương Nghệ Mưu vượt lên với bộ phim Cao lương đỏ, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mạc Ngôn, tái hiện lại câu chuyện tình khốc liệt ở vùng quê Cao Mật trong những năm 1920 tại Trung Quốc.

Tại LHP Berlin năm 1988, Cao lương đỏ giành giải Gấu vàng và mở ra một thời đại mới cho điện ảnh Trung Hoa trên bản đồ điện ảnh quốc tế. Củng Lợi, lúc đó mới 19 tuổi, cũng lập tức tỏa sáng và trở thành nàng thơ của đạo diễn họ Trương.

Họ là một cặp đôi đẹp nhất của điện ảnh Trung Quốc trong thập niên 90 khi cùng nhau vẽ chân dung của những con người nhỏ bé, những nạn nhân của lịch sử nhưng có sức sống mãnh liệt trên màn ảnh.

Sau Cao lương đỏ, Trương Nghệ Mưu và Củng Lợi tiếp tục gây tiếng vang với Cúc đậu (1990, đề cử Oscar phim nói tiếng nước ngoài), Đèn lồng đỏ treo cao (1991, giải Sư tử bạc tại LHP Venice, đề cử Oscar phim nói tiếng nước ngoài), Thu Cúc đi kiện (1992, giải Sư tử vàng cho Trương Nghệ Mưu và Nữ diễn viên chính xuất sắc cho Củng Lợi tại LHP Venice), Phải sống (1994, Giải thưởng Lớn tại LHP Cannes).

Cùng với những giải thưởng điện ảnh danh giá, câu chuyện tình sóng gió của Trương Nghệ Mưu và Củng Lợi cũng là đề tài không dứt của báo chí Trung Quốc.

Khi cuộc tình lãng mạn của họ chấm dứt, Trương Nghệ Mưu còn lập thành tích của mình với những bộ phim không có Củng Lợi, trong đó có giải Sư tử vàng lần thứ 2 với bộ phim Không thiếu một ai (1999) và được đề cử Oscar phim nói tiếng nước ngoài lần thứ 3 với Anh hùng (2002), thành tích cao nhất mà một đạo diễn Trung Quốc có được.

Đạo diễn Trần Khải Ca.  

Trần Khải Ca khởi đầu sớm hơn nhưng về đích muộn hơn. Trong những năm đầu thập niên 90, trong khi người đồng nghiệp Trương Nghệ Mưu thành công rực rỡ và liên tục đoạt các giải thưởng quốc tế thì Trần Khải Ca chỉ thực hiện được một vài bộ phim nhỏ và đoạt các giải thưởng khiêm tốn ở trong nước.

Nhưng vào năm 1993, Trần Khải Ca vượt lên với Bá vương biệt cơ, bộ phim dài gần 3 tiếng đồng hồ kể về cuộc đời bi kịch của một nghệ sĩ đồng tính (do Trương Quốc Vinh đóng) và những thăng trầm của lịch sử Trung Hoa kéo dài trong suốt 50 năm.

Bá vương biệt cơ trở thành bộ phim đầu tiên và duy nhất của điện ảnh Trung Quốc cho đến nay đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes và được đề cử Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 1994 (cùng năm với Mùi đu đủ xanh của Trần Anh Hùng).

Trong những năm sau đó, tên tuổi của Trần Khải Ca còn tỏa sáng thêm vài lần nữa trên các ảnh đàn quốc tế, với các bộ phim như Phong nguyệt (1996, do Trương Quốc Vinh và Củng Lợi đóng chính) và Kinh Kha thích Tần Vương (1998, Củng Lợi và Trương Phong Nghị đóng chính) - hai bộ phim lọt vào vòng tranh giải Cành cọ vàng tại Cannes.

Cuối thập niên 90 sang đầu những năm 2000, sau khi đã đạt được những giải thưởng cao nhất, cuộc đua song mã của Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca trên trường quốc tế bắt đầu hạ nhiệt để quay sang chinh phục thị trường nội địa, khi nền kinh tế của Trung Quốc bắt đầu phát triển để nhắm vào thị trường điện ảnh tỷ dân.

Tiến cùng tiến, lùi cùng lùi và cùng... ngã ngựa

Trương Nghệ Mưu là người chuyển hướng trước và gặt hái thành công thương mại với Anh hùng (2002), Thập diện mai phục (2004) hay Hoàng Kim Giáp (2006). Tuy nhiên, cuộc chạy đua để phô trương tinh thần Đại Hán và lạm dụng những màn kỹ xảo hoành tráng đã dần dần đánh mất vẻ đẹp nguyên thủy trong những bộ phim thời đầu của ông.

 Vạn Lý trường thành của Trương Nghệ Mưu bị giới phê bình chê bai thậm tệ. 

Sự lạm dụng và phô trương này càng được đẩy cao lên sau chương trình khai mạc Olympic Bắc Kinh do Trương Nghệ Mưu đạo diễn vào năm 2008.

Năm 2011, với Kim lăng thập tam hoa và năm 2016 với Vạn Lý trường thành, người ta đã không còn thấy một Trương Nghệ Mưu của quá khứ, một đạo diễn luôn đứng về phía những con người nhỏ bé, những nạn nhân của lịch sử hay những câu chuyện cảm động về tình yêu thuần khiết được đặt trong những tình thế lưỡng nan.

Đặc biệt là với Vạn Lý trường thành (The Great Wall), bộ phim có kinh phí đầu tư cao nhất của điện ảnh Trung Quốc (khoảng 150 triệu USD), Trương Nghệ Mưu đã thử nghiệm một thứ “quyền lực mềm” về văn hóa để chinh phục khán giả phương Tây bằng cách mời ngôi sao Hollywood Matt Damon đóng chính trong một bộ phim giả sử có bối cảnh chính ở Trung Quốc.

Bộ phim “dở Tây, dở Tàu” này đã gây thất vọng lớn cho khán giả khi họ không thể đồng cảm với một câu chuyện “lẩu thập cẩm” hoàn toàn thiếu vắng bản sắc văn hóa bản địa. Cho dù Vạn Lý trường thành không thất bại về doanh thu, tên tuổi của Trương Nghệ Mưu sau bộ phim này “mất giá” thê thảm.

Thậm chí có nhiều nhận định phũ phàng cho rằng “Trương Nghệ Mưu của quá khứ lừng lẫy đã chết trong thời đại phòng vé luận anh hùng”.

Thất bại với phép thử “quyền lực mềm” và những phản ứng tiêu cực của khán giả nội địa khiến Trương Nghệ Mưu tỏ ra rất thận trọng với dự án điện ảnh mới khi toàn bộ thông tin hậu trường của bộ phim đều được giấu kín.

Bộ phim mới nhất Ảnh (Shadow) ra mắt trong năm 2018 này liệu có vực dậy tài năng và tên tuổi của một đạo diễn từng là biểu tượng của điện ảnh Trung Quốc trong hai thập niên trước?

 Yêu miêu truyện của Trần Khải Ca thất bại về doanh thu. 

Trần Khải Ca cũng đi theo... vết xe đổ của Trương Nghệ Mưu khi chuyển hướng sang làm phim giả tưởng kinh phí lớn và lạm dụng kỹ xảo. Vô cực (2005), Triệu Thi cô nhi (2010), Đạo sĩ hạ sơn (2015) và Yêu miêu truyện (2017) là 4 bộ phim “chỉ thấy xác, không thấy hồn” của đạo diễn từng khiến người xem phải thổn thức với Hoàng thổ hay Bá vương biệt cơ.

Sự dông dài rối rắm trong kể chuyện, sự màu mè trong dàn dựng bối cảnh, kỹ xảo và sự mờ nhạt trong tính cách nhân vật là những điểm yếu cố hữu mà khán giả nhận ra ở Trần Khải Ca qua 4 bộ phim này.

Không những thế, với Yêu miêu truyện, bộ phim mới nhất là ông mất 6 năm để hoàn thành với 1200 hình ảnh được thực hiện bằng kỹ xảo và nhà sản xuất bỏ ra 200 triệu USD để xây dựng một trường quay khổng lồ, khán giả nội địa Trung Quốc cũng tỏ ra ghẻ lạnh.

Sau một tháng khởi chiếu, đúng vào thời điểm Giáng sinh và năm mới, đến nay bộ phim chỉ thu được 83 triệu USD, chỉ bằng 1/10 doanh thu của Chiến lang 2 lập được trong năm 2017.

Ngay cả so với Phương Hoa (Youth), bộ phim ra mắt cùng thời điểm của đạo diễn Phùng Tiểu Cương, một đạo diễn cùng thời với Trần Khải Ca, Yêu miêu truyện cũng kém xa.

Nguồn: Zing News

Tin mới