Năm 2024, trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) dự kiến mở 6 ngành mới, trong đó bốn ngành thuộc lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin, gồm Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin. Cả bốn ngành đều đào tạo hai hệ cử nhân và kỹ sư, chỉ tiêu dự kiến 50-100 mỗi ngành.
Trường Đại học Ngoại thương (FTU) cũng dự kiến tuyển sinh ngành Khoa học máy tính, với chỉ tiêu trong năm nay là 30, các năm sau có thể tăng.
Nhiều trường đại học vốn đào tạo các ngành chuyên sâu, nay mở thêm nhiều ngành học mới. (Ảnh minh hoạ).
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường Đại học Kinh tế quốc dân lý giải, để phù hợp với mục tiêu và thời đại công nghệ số, việc phát triển thêm một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ là nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của trường.
Những ngành công nghệ, kỹ thuật mà trường Kinh tế quốc dân sắp mở cũng có sự khác biệt vì định hướng ứng dụng, tập trung vào lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh. Đề án mở ngành của trường sẽ được hoàn thiện và nghiệm thu để báo cáo Bộ GD&ĐT trước 13/4.
Lý giải việc mở thêm ngành học mới về công nghệ, PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương cho rằng, đây là xu thế tất yếu xuất phát từ chính nhu cầu của các trường, từ quan điểm xã hội đã thay đổi theo thời gian.
Trước đây, khi ở trình độ phát triển chưa cao, câu hỏi được chứng đặt ra làm thế nào để giải quyết những vấn đề có sẵn, đang tồn tại và nhìn thấy rõ. Thế nhưng khi trình độ phát triển ở mức cao hơn, câu hỏi quan trọng là giải quyết trước, đón đầu xu thế, vấn đề của xã hội thay vì không đợi đến khi vấn đề phát sinh và nhìn thấy thì mới tìm giải pháp.
Ngoài ra, xu hướng giáo dục trên thế giới hiện nay cho thấy các trường top hàng đầu thế giới cũng đã có sự liên ngành giữa kinh tế, kinh doanh và công nghệ rất mạnh mẽ. Đến nay, tại các trường đại học hàng đầu thế giới đều phát triển các ngành phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh.
Không phải đến hôm nay, trường Đại học Ngoại thương mới nghĩ ra mở ngành này, mà đã chuẩn bị cho việc này từ 3 năm trước. “Sau 3 năm triển khai khảo sát và mở các chương trình vệ tinh thăm dò thị trường, chúng tôi thấy rằng nhu cầu từ phía người sử dụng lao động và người lao động là rất lớn”, Phó hiệu trưởng nói.
Trước lo ngại về chất lượng khi trường đại học khối ngành kinh tế lại mở ngành công nghệ, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường Đại học Ngoại thương cho biết, kế hoạch mở ngành Khoa học máy tính được trường xây dựng từ năm 2021.
Sau khi có khung, trường thực nghiệm bằng cách đưa Khoa học máy tính thành chương trình đào tạo ngắn hạn, thời lượng 15 tín chỉ trong ba tháng. Sinh viên trong và ngoài trường học xong sẽ được cấp chứng chỉ.
Bên cạnh đó, ngành Khoa học máy tính của Ngoại thương được xây dựng theo hướng ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh để tận dụng được thế mạnh đào tạo.
Bà Hiền nhìn nhận thách thức khi mở ngành Khoa học máy tính là sự cạnh tranh gắt gao. Nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin rất lớn, nhưng cũng rất nhiều trường đại học đang đào tạo ngành này. Dù vậy, bà cho rằng mỗi trường đều có "tệp" thí sinh riêng, nên nếu đảm bảo các điều kiện chất lượng, tận dụng được thế mạnh vốn có, các trường làm tốt vẫn có thể tìm được chỗ đứng, bất kể "đá chéo sân" hay không.
"Chúng tôi tự tin mở những ngành mà nhiều người vẫn nghĩ vốn là thế mạnh của khối trường công nghệ, kỹ thuật", bà Hiền khẳng định.
Chuyên gia khuyên thí sinh tìm hiểu kỹ thông tin trước đi đăng ký, lựa chọn nguyện vọng. (Ảnh minh hoạ)
Đây không phải năm đầu tiên hiện tượng các trường chuyên sâu khối ngành kinh tế mở đào tạo ngành công nghệ, ngành học mới. Từ năm 2020, trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đã mở ngành mới "Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh".
Năm 2021, Học viện Ngân hàng mở mới và tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin. Năm 2023, Đại học Kinh tế TP.HCM mở loạt ngành mới, trong đó có một số ngành Công nghệ như Eobot và trí tuệ nhân tạo, Công nghệ logistics.
Ngược lại, nhiều trường đại học ở khối kỹ thuật cũng tuyển sinh các ngành khối kinh tế như: Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo Quản trị Kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán; trường Đại học Thủy lợi đào tạo Luật, Ngôn ngữ.
Theo một số chuyên gia, đại học đào tạo đa ngành là xu hướng chung của thế giới, phù hợp với xu thế đào tạo liên ngành. Ở Việt Nam, việc đại học phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực là tất yếu để đảm bảo sự phát triển bền vững. Tuy vậy, nếu nếu vội vàng, chạy theo trào lưu mà không có sự chuẩn bị tốt về mọi mặt sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt là chất lượng đào tạo.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm, để xây dựng được một ngành không phải là chuyện đơn giản, bởi không chỉ là đủ điều kiện về mặt con người về nhân lực. Đây mới chỉ là điều kiện tối thiểu.
Xây dựng một ngành đòi hỏi sự công phu, đó là xây dựng đội ngũ, xây dựng phải gắn với định hướng nghiên cứu và có chiến lược phát triển của nhà trường.
"Quan điểm của tôi là nhà trường phải xây dựng chiến lược phát triển rõ ràng và có lộ trình xây dựng phát triển đội ngũ, các hướng nghiên cứu cũng như các điều kiện cơ sở đảm bảo chất lượng, hoạch định ngành nghề trong tương lai thì mới mở, không nên mở tràn lan vô tội vạ", ông Nguyễn Đình Đức nêu.
Hiệu trưởng một trường đại học ở Hà Nội cũng cho hay, việc đào tạo đa ngành là tất yếu. Tuy nhiên, điều quan trọng khi mở ngành mới là đánh giá đúng nhu cầu và tiềm năng thị trường. Nếu chạy theo số đông mà cung cấp thừa nhân lực sẽ rất lãng phí. Đại học Việt Nam có nhiều bài học về việc này, chẳng hạn ngành tài chính ngân hàng.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP.HCM, việc mở ngành theo trào lưu, đặt tên ngành theo "trend" thực chất là hình thức quảng bá và thí sinh cần phải tìm hiểu kỹ.
Có những trường mở ngành mới, tên mới, chẳng hạn thiết kế vi mạch, nhưng chương trình đào tạo không khác mấy so với ngành đã có. Đó chỉ là sự thay đổi tên gọi, thêm vào tên gọi vài chữ nên nó mang tính hình thức nhiều hơn, không thay đổi bản chất.
Điều này khác hoàn toàn với việc mở ngành mới với chương trình đào tạo được thiết kế mới. Do đó thí sinh cần tìm hiểu kỹ chương trình đào tạo của các trường để chọn ngành đúng với nguyện vọng.
Các chuyên gia cho rằng, dù hầu hết trường đại học đã thực hiện tự chủ, được tự mở ngành theo quy định, nhưng Bộ GD&ĐT nên có quy hoạch phát triển các ngành nghề đào tạo phù hợp cho từng giai đoạn, tránh để việc mở ngành tràn lan, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, mất cân đối cơ cấu ngành nghề, nhân lực trong tương lai.