Quy định này được nêu rõ trong hướng dẫn mới ban hành của Bộ Giáo dục Trung Quốc, hiệu lực ngày 1/5. Mục đích là để ngăn chặn nạn bắt nạt học đường và hành vi phạm pháp của trẻ vị thành niên.
Theo đó, các hiệu phó kiêm nhiệm sẽ được các cơ quan an ninh, viện kiểm sát và tòa án giới thiệu, bổ nhiệm trước khi được các trường thuê.
“Các phó hiệu trưởng cần hỗ trợ trong việc bảo vệ quyền của học sinh, ngăn chặn hành vi phạm pháp của trẻ vị thành niên, cung cấp quản lý an toàn, kỷ luật học sinh (đối với hành vi sai trái) và hướng dẫn quản trị dựa trên luật cho các trường học", hướng dẫn của Bộ Giáo dục Trung Quốc nêu.
Các hiệu phó kiêm nhiệm giúp ngăn chặn nạn bắt nạt học đường và hành vi phạm pháp của trẻ vị thành niên. (Ảnh minh họa: Global Times)
Từ năm 2003, Bộ Giáo dục Trung Quốc cùng các cơ quan tư pháp, chính phủ khác công bố kế hoạch tuyển dụng các hiệu phó kiêm nhiệm từ cơ quan thực thi pháp luật. Tuy nhiên, chính sách này được thực hiện khá lỏng lẻo.
Hướng dẫn mới phù hợp với điều luật mới được cập nhật ở Trung Quốc về phòng chống phạm pháp ở trẻ vị thành niên
"Trước đây, một số trường học không tuyển dụng các vị trí như vậy kịp thời và một số phó hiệu trưởng đã không thực hiện tích cực và đầy đủ nhiệm vụ của mình. Hướng dẫn mới nhằm tăng cường hơn nữa việc bổ nhiệm và quản lý các phó hiệu trưởng", Xiong Bingqi, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục thế kỷ 21 cho hay.
Hướng dẫn mới cũng lưu ý việc bổ nhiệm các phó hiệu trưởng kiêm nhiệm sẽ ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa và nông thôn, cũng như các cơ sở giáo dục "yếu kém hơn" ở thành phố.
Theo thống kê, 13.801 thẩm phán và gần 40.000 công tố viên giữ chức vụ phó hiệu trưởng tại các trường ở Trung Quốc trong năm 2021.