Kênh nội dung số W (We Are The World) ra đời hướng tới mục tiêu xây dựng kênh giải trí - giáo dục đa phương tiện đáng tin cậy. Tại đây học sinh được tiếp nhận thông tin qua bộ lọc chuẩn xác, có cơ hội tham gia vào các chương trình với vai trò là nhà sản xuất, biên tập nội dung. Đồng thời các em được thể hiện và nói lên tiếng nói của chính mình.
Thông qua các nội dung được phát sóng trên kênh, trẻ em sẽ có sân chơi, điểm đến giải trí lành mạnh dành riêng cho lứa tuổi. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh và nhà trường sẽ có góc nhìn mới về suy nghĩ của các em.
Dự án W là kênh Giải trí - Giáo dục đa phương tiện đầu tiên của trẻ em.
Dự án này do hệ thống The Dewey School chủ trì tổ chức với vai trò cố vấn của nhà báo, đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng. Chương trình kỳ vọng là nơi để trẻ em tự do nói lên tiếng nói của mình, thoải mái bày tỏ quan điểm, cách nhìn nhận về vạn vật xung quanh, thông qua các sản phẩm do chính các em thực hiện trên kênh We are the World.
"We are the World sẽ là nơi tập hợp tất cả chia sẻ, những điều trẻ em muốn làm, muốn nói. Đây sẽ là lần đầu tiên chúng ta tạo ra một kênh nội dung, không phải là của các bạn, mà phải là do các bạn và cho các bạn", nhà báo, đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng nhấn mạnh tại lễ ra mắt dự án.
Các hoạt động và chương trình của dự án không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà còn thúc đẩy tư duy sáng tạo và khám phá của trẻ em. Ông Đăng mong muốn, các em học sinh có thể tự tạo ra những sản phẩm với nội dung ý nghĩa ngay trong các hoạt động quen thuộc. Chẳng hạn, khi học sinh tham gia chuyến dã ngoại hè, các em hoàn toàn có thể sáng tạo, chia sẻ về sự đẹp đẽ của thế giới xung quanh đến với tất cả mọi người, thông qua kênh của dự án.
Qua việc tham gia vào quá trình sản xuất chuyên nghiệp, trẻ không chỉ được trang bị những kỹ năng quan trọng để biểu đạt ý kiến, đặt câu hỏi, phản biện, thể hiện quan điểm của mình trước công chúng, mà còn là cơ hội xây dựng niềm tin vào bản thân, tự tin diễn xuất và truyền đạt thông điệp một cách hiệu quả.
Dự án này bắt đầu từ Deway nhưng đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến của mọi học sinh Việt Nam, cả trong và ngoài nước; là địa chỉ quen thuộc học sinh thường xuyên gửi các sản phẩm mình tự sáng tạo; tạo cầu nối để học sinh có sân chơi, thể hiện sản phẩm, nói lên được tiếng nói của mình.
Nhà báo Hoàng Anh Tú cũng bày tỏ sự ngạc nhiên trước những gì mà các em học sinh chia sẻ. Ông tin rằng, trẻ em có thể làm được hết tất cả mọi thứ, ngược lại với định kiến bấy lâu "trẻ con thì biết cái gì". "Thế hệ trẻ ngày nay có đầy đủ mọi công cụ, từ smartphone, đến các chatbox hỗ trợ hay các em có thể sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để làm rất nhiều thứ", ông Tú nói.