Các hoạt động không giới hạn ở khuôn viên trường mà mở rộng toàn TP.HCM và các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, được tổ chức nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, tạo hành động thực tiễn có sức lan tỏa để nâng cao nhận thức của viên chức, sinh viên về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Khởi động tháng vì môi trường năm 2023, Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức buổi tập huấn “Nâng cao nhận thức về Luật bảo vệ môi trường và chất thải nhựa”.
Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng hành động vì môi trường.
Tại đây, ThS. Đặng Mỹ Thanh (Khoa Môi trường và Bảo hộ lao động, TDTU) trình bày các nội dung cập nhật, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về giấy phép môi trường, đăng ký môi trường và công tác quản lý chất thải...
Ngoài ra, phần chia sẻ với chủ đề “Hiểu đúng về nhựa” cung cấp thêm kiến thức thiết thực về cách lựa chọn và khả năng tái chế nhựa qua con số được ghi dưới đáy chai, lọ, đồng thời nhấn mạnh quy tắc 4R: REFUSE (từ chối nhựa dùng 1 lần), REDUCE (giảm thiểu tiêu dùng), REUSE (tái sử dụng) và RECYCLE (tái chế) với thông điệp “Hãy phân loại, tái sử dụng và tái chế chất thải nhựa”.
Được biết, vào 12/2022, Tổ chức UI GreenMetric xếp hạng Đại học Tôn Đức Thắng vị trí thứ 114/1.050 đại học tham gia bảng xếp hạng các trường đại học phát triển bền vững nhất thế giới năm 2022. Nhà trường tham gia hệ thống xếp hạng này từ năm 2016 và liên tục duy trì thứ hạng cao.
Để đạt được thành quả này, trường luôn định hướng hoạt động dựa trên các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, duy trì diện tích cây xanh chiếm 77,75%, thực hành tiết kiệm, sử dụng năng lượng tái tạo, vừa tăng trưởng vừa bảo vệ môi trường và trái đất.