Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trường Đại học Hà Nội không còn lưu bằng cấp 3 của ông Thích Chân Quang

(VTC News) -

Đại diện Đại học Hà Nội cho biết, trường không còn lưu hồ sơ tuyển sinh và đào tạo, trong đó có bằng cấp 3 của ông Thích Chân Quang.

Trưa 15/8, đại diện trường Đại học Hà Nội cho biết, ông Thích Chân Quang (tên thật Vương Tấn Việt, SN 1959) từng học chương trình ngành Ngôn ngữ Anh, hệ đào tạo từ xa trong thời gian từ năm 1994 đến 2001.

Thời gian học ngành Ngôn ngữ Anh của ông Vương Tấn Việt kéo dài 6 năm 4 tháng, từ tháng 8/1994 đến tháng 12/2000, hệ đào tạo từ xa. Bằng tốt nghiệp đại học của ông Việt được cấp vào đầu năm 2001. Như vậy, thời gian đào tạo nằm trong khung thời gian cho phép đối với hệ đào tạo từ xa.

Hiện nhà trường không còn lưu hồ sơ tuyển sinh, trong đó có bằng cấp 3 của ông Thích Chân Quang vì theo quy định, thời hạn lưu giữ hồ sơ tuyển sinh là đến khi kết thúc khóa học.

Trước nghi vấn ông Thích Chân Quang chưa có bằng tốt nghiệp cấp 3, trường Đại học Hà Nội phối hợp với Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT rà soát, báo cáo thông tin về hồ sơ, quá trình học tập. "Sau khi có thông tin chính thức từ cơ quan quản lý về bằng tốt nghiệp cấp 3 của Thích Chân Quang, nếu có sai phạm trường sẽ thực hiện thu hồi, huỷ bỏ bằng cấp theo quy định của Bộ GD&ĐT", đại diện nhà trường nói.

Ông Thích Chân Quang. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

>> ÔNG THÍCH CHÂN QUANG KHÔNG CÓ BẰNG CẤP 3

Mới đây, Sở GD&ĐT TP.HCM trả lời Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) về xác minh văn bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa của ông Thích Chân Quang.

Sở GD&ĐT xác nhận ông Thích Chân Quang không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989; không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp III bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM.

Thông tin về việc đào tạo và cấp bằng cấp 3 cho ông Thích Chân Quang, Bộ GD&ĐT bước đầu xác định nghi vấn về giá trị của tấm bằng này là có căn cứ. Tuy nhiên, Bộ vẫn cần tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng và cơ quan an ninh để điều tra, làm rõ hơn những thông tin quan trọng khác.

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục xác minh đây có đúng là văn bằng của ông Thích Chân Quang hay không. Nếu thông tin văn bằng nói trên không trùng với thông tin văn bằng do ông Thích Chân Quang sở hữu thì cần tiếp tục làm rõ theo các kênh khác.

Không chỉ bằng cấp 3, thời gian qua, ông Thích Chân Quang gây xôn xao dư luận khi liên quan đến các vấn đề bằng cấp. Ông tốt nghiệp cử nhân ngành tiếng Anh năm 2001 tại trường Đại học Ngoại ngữ - nay là trường Đại học Hà Nội; tốt nghiệp cử nhân ngành Luật năm 2019 tại trường Đại học Luật Hà Nội (văn bằng thứ 2 - vừa học vừa làm), xếp hạng loại giỏi.

Đến ngày 26/11/2019, ông Thích Chân Quang trúng tuyển nghiên cứu sinh khóa 25B (niên khóa 2019-2023) của trường Đại học Luật Hà Nội. Chỉ sau hơn 2 năm, nghiên cứu sinh này bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường.

Xử lý thu hồi, huỷ bỏ bằng cấp

Theo quy định của Bộ GD&ĐT về tuyển sinh và đào tạo trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, trường hợp học viên có hành vi gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ (sử dụng bằng giả trong hồ sơ đăng ký) thì sẽ bị buộc thôi học. Các văn bằng nếu được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định.

Nghị định 04 của Chính phủ ban hành năm 2021 cũng quy định rõ việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. "Tùy theo hành vi cụ thể mà người sử dụng bằng giả có thể bị xử phạt vi phạm về hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ với mức phạt từ 30 triệu đến 40 triệu đồng" - (Khoản 3, Điều 21 Nghị định 04).

Hà Cường

Tin mới