Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng là học sinh của trường Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội), nay là trường THPT Nguyễn Gia Thiều khi có 6 năm (1957 - 1963) học tập, rèn luyện. Sinh thời, với Tổng Bí thư đây là ngôi trường thân yêu, mang nhiều dấu ấn và để lại biết bao kỷ niệm không bao giờ quên.
Nhận tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, các thế hệ cán bộ giáo viên, học sinh trường THPT Nguyễn Gia Thiều bàng hoàng, tiếc thương. "Đây là tổn thất lớn với Đảng và Nhà nước nói chung, trường THPT Nguyễn Gia Thiều nói riêng”, thầy Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng nhà trường nghẹn ngào nói.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng thầy cô trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Ảnh: Nhà trường cung cấp).
Một ''học trò'' khiêm nhường
Cuối năm 2020, thầy Lê Trung Kiên vinh dự thay mặt các thế hệ thầy trò nhà trường đến mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập trường. Trước vị khách mời đặc biệt, thầy Kiên vô cùng hồi hộp.
“Vinh dự khi được đại diện nhà trường đến mời Tổng Bí thư, nhưng tôi cũng lo lắng, sợ làm ảnh hưởng đến công việc của ông”, thầy Kiên nhớ lại.
Khi được thông báo sẽ có một buổi gặp mặt tại văn phòng Tổng Bí thư, vị hiệu trưởng rất hạnh phúc. Bước vào căn phòng làm việc đơn sơ nhưng vô cùng ấm áp bởi cách nói chuyện ân cần, nhẹ nhàng từ Tổng Bí thư, mọi lo lắng trước đó của thầy Kiên như tan biến.
Nhận giấy mời từ thầy Kiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với ông đây là sự kiện quan trọng. Nếu Bộ Chính trị không có việc đột xuất và điều kiện sức khoẻ cho phép, ông sẽ về tham dự.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh trống khai giảng tại trường THPT Nguyễn Gia Thiều năm 2020. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)
Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều xúc động nhớ lại, dù là người giữ chức vụ cao nhất của Đảng, Nhà nước nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại rất giản dị và khiêm nhường khi luôn xưng ''em'' và gọi ''thầy'' với Ban giám hiệu nhà trường.
“Em báo cáo các thầy, các cô, bây giờ em là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, nhưng khi về trường em xin phép được các thầy, các cô vẫn gọi em là Nguyễn Phú Trọng - cựu học sinh của trường. Trong buổi lễ, thầy cô cũng giới thiệu em là cựu học sinh Nguyễn Phú Trọng”, thầy Kiên nhắc lại lời Tổng Bí thư khi ấy.
Trong suốt 45 phút trò chuyện, Tổng Bí thư luôn nhắc nhớ về kỷ niệm với ngôi trường cũ Nguyễn Gia Thiều, đồng thời hỏi thăm các thế hệ thầy cô và học sinh nhà trường. “6 năm học tập tại đây, Tổng Bí thư có rất nhiều kỷ niệm với thầy cô và bạn bè”, thầy Kiên nói và cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành những từ ngữ trân trọng, trìu mến và ấm áp khi kể về thầy cô, bạn bè. Với ông, họ là một phần rất quan trọng và ý nghĩa trong cuộc đời của mình.
Chia sẻ từ Ban giám hiệu trường THPT Nguyễn Gia Thiều, hầu như những lần kỷ niệm thành lập trường, nếu không bận việc cá nhân, Tổng Bí thư đều về dự. Mỗi lần về dự, ông đều căn dặn, chỉ về với tư cách cựu học sinh, không phải nhà lãnh đạo. Ngoài ra, trong những lần tới dự họp lớp cùng bạn bè và thầy cô, Tổng Bí thư luôn nói: “Xin thầy cô và các bạn cho em được để mọi chức tước ở ngoài căn phòng này. Đến đây, em chỉ là một học trò ngày nào của thầy cô”, thầy Kiên kể.
Không bao giờ quên công ơn dạy dỗ của thầy cô
Cuộc gặp gỡ đầy xúc động giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và thầy giáo chủ nhiệm cũ trong lần cuối cùng về thăm trường. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)
Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập trường THPT Nguyễn Gia Thiều vào tháng 11/2020 cũng là lần trở về cuối cùng nơi mái trường xưa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi ấy, ông vô cùng xúc động vì được gặp lại những thầy giáo, cô giáo cũ. Những ký ức sâu đậm thuở học trò ùa về, Tổng Bí thư bồi hồi kể lại những năm tháng nhiều khó khăn nhưng đặc biệt thân thương.
Thời Tổng Bí thư học, trường lớp còn chật chội, sân đất, nhà tranh, mái lá, phòng thí nghiệm, thư viện đều thiếu thốn. Để đến trường, Tổng Bí thư phải vượt hàng chục cây số từ huyện Đông Anh, đi đò qua sông Đuống. Nhà không có đồng hồ, không nắm được giờ giấc nên ông phải dậy từ sớm, ra ngồi bờ sông chờ đò. Sau khi qua sông, ông tiếp tục đi bộ qua Gia Lâm, Gia Thượng, Ngọc Lâm rồi vào trường.
Sau một thời gian, Tổng Bí thư cùng bạn ở trọ để đỡ vất vả. Tuần hai buổi, cứ học xong là ông cùng bạn học vào khu vực kho xăng Đức Giang dạy bình dân học vụ. Mỗi buổi dạy 2 giờ, mỗi giờ được nhận thù lao 6 hào. Số tiền kiếm được ông dùng vào việc sinh hoạt, học tập và ở trọ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi còn trẻ. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)
Trong lần cuối cùng trở về thăm trường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, từ tâm khảm ông không bao giờ quên công lao dạy dỗ, giáo dục, rèn luyện của nhà trường, của thầy cô giáo và sự giúp đỡ, tạo điều kiện của cán bộ nhân viên, sự đùm bọc, phối hợp cộng tác của các bạn học sinh cùng thời.
Thầy Lê Trung Kiên bày tỏ sự trân trọng và ngưỡng mộ nhân cách của Tổng Bí thư: “Dù là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước nhưng Tổng Bí thư luôn sống giản dị, khiêm nhường. Trong những câu chuyện kể về ngôi trường cũ, trong ông luôn toát lên lòng biết ơn và trân trọng thầy cô giáo đã dạy ông, những người đã góp phần hình thành nhân cách của ông.