Theo ghi nhận, nhiều đại học trên cả nước công bố danh sách sinh viên nợ học phí lên website nhà trường. Trường Đại học Tài chính - Marketing liên tục công bố danh sách sinh viên nợ học phí từng học kỳ và năm học, hay trường Đại học Giao thông Vận tải phân hiệu TP.HCM đăng tải danh sách sinh viên không tham gia Bảo hiểm y tế và danh sách sinh viên nợ học phí học kỳ I năm học 2023 - 2024.
Các trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường Đại học Luật Hà Nội, trường Đại học Hà Nội… cũng áp dụng phương thức đăng tải danh sách công khai sinh viên nợ học phí trên website nhà trường.
Hàng loạt trường đại học công khai danh sách sinh viên nợ học phí trên website nhà trường. (Ảnh chụp lại màn hình)
Việc công bố danh sách nhằm nhắc nhở sinh viên đóng học phí đúng hạn, đồng thời thông báo các em có thể bị hủy đăng ký môn học của học kỳ đó, cấm thi hoặc chịu mọi hình thức kỷ luật theo quy định.
Điều đáng chú ý, trong các danh sách sinh viên nợ học phí, ngoài họ tên và số tiền cần nộp, nhiều trường còn kèm theo thông tin cá nhân như ngày tháng năm sinh, mã số sinh viên, lớp sinh hoạt, số tín chỉ đã học… Chỉ cần một cú click chuột, bất cứ ai cũng có thể xem được các thông tin này.
Anh Phạm Văn Quyết (Thái Bình), phụ huynh có con đang theo học tại trường Đại học Hà Nội phản đối kiểu đăng thông tin như trên của các trường, vì đây là hành động thiếu tôn trọng người học. “Việc các trường công khai danh sách sinh viên nợ học phí lên mạng tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt thông tin, đồng thời xâm phạm quyền riêng tư của sinh viên”, anh Quyết nói.
Bùi Quỳnh Mai, trường Đại học Luật Hà Nội - sinh viên từng có tên trong danh sách nợ học phí của trường chia sẻ bản thân thấy xấu hổ nếu chẳng may bạn bè của em biết được thông tin này.
“Nhiều cách để nhà trường nhắc nhở, tại sao phải chọn công khai trên mạng xã hội. Em nghĩ trường không nên dùng cách bêu tên, đòi học phí trên mạng. Điều này có thể khiến những người nợ học phí như em cảm thấy bị kỳ thị, mất uy tín trong mắt bạn bè”, Mai bày tỏ và cho biết, bản thân có lý do cho việc chưa hoàn thành học phí đúng hạn.
Nhắc nhở là cần thiết nhưng cần khéo léo
Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông trường Đại học Công thương TP.HCM, không nên quá tiêu cực mà cần nhìn nhận sự việc theo hai hướng.
Thứ nhất, trên thực tế không ít sinh viên “chây ì” trong việc đóng học phí nên các trường đại học mới phải dùng đến biện pháp đăng danh sách sinh viên nợ học phí lên mạng. Đây có thể coi là biện pháp cần thiết để thúc đẩy trách nhiệm và khuyến khích sinh viên thanh toán các khoản nợ của họ. Chỉ khi công khai danh tính của những người nợ học phí mới tạo ra áp lực xã hội khiến họ ưu tiên trả nợ.
Thứ hai, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, việc bảo mật dữ liệu cá nhân trên không gian mạng có ý nghĩa quan trọng, bởi nếu bị đánh cắp có thể gây ra những tổn thất khó lường.
Vì vậy, phản ứng gay gắt của nhiều sinh viên, phụ huynh trước động thái công khai nợ học phí cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, khi bị công khai thông tin trên mạng sẽ khiến sinh viên trở nên nhạy cảm, ngại với bạn bè, người thân.
Do đó, ông Sơn cho rằng, việc các trường nhắc nhở sinh viên nộp học phí là cần thiết nhưng cần khéo léo, không nên công khai thông tin chi tiết lên mạng xã hội, tránh làm tổn thương sinh viên.
“Sinh viên nợ học phí là tình trạng thường thấy ở các trường đại học, có thể hiểu do nhiều lý do khác nhau. Ví dụ như riêng 2020 - 2021, trường Đại học Công thương TP.HCM ghi nhận số nợ học phí của sinh viên vào khoảng 30%, ảnh hưởng khá lớn đến tài chính của trường.
Nhà trường áp dụng biện pháp dán giấy có ghi thông tin sinh viên nợ phí trên bảng tin của nhà trường, đồng thời gửi email riêng cho từng sinh viên”, ông Sơn thông tin.