Hôm 7/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng, Nga đã tìm cách phá hoại các thể chế dân chủ của Ukraine trong nhiều năm, can thiệp vào chính trị của nước này, chặn các nguồn cung năng lượng, thương mại và tuyên truyền, gieo rắc thông tin sai lệch.
Theo ông Blinken, Nga đã bố trí gần 100.000 quân gần biên giới với Ukraine "với kế hoạch huy động gấp đôi con số đó trong thời gian ngắn", đồng thời biện minh cho việc làm như vậy với những "thông tin sai lệch" rằng Ukraine đang tìm cách kích động xung đột.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Ảnh: AP)
“Ý tưởng cho rằng Ukraine là kẻ gây hấn trong tình huống này là vô lý, Nga đã đưa ra thông tin sai lệch rằng NATO đang đe dọa Nga", Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh.
Đề cập đến khả năng hợp tác giữa Mỹ, NATO đối với Nga trong cuộc hội đàm an ninh vào tuần tới, ông Blinken cho rằng, có những lĩnh vực tiềm năng hợp tác giữa các bên, trong đó giải pháp ngoại giao được xem là ưu tiên, có thể thực hiện được.
“Tuần tới, chúng tôi sẽ xác nhận lại sự sẵn sàng của mình trong việc tăng cường tính minh bạch, thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro và nỗ lực đổi mới để giải quyết các mối đe dọa hạt nhân và thông thường đối với an ninh châu Âu. Tuy nhiên, điều này phải là xuất phát từ hai phía", ông Blinken nói.
Căng thẳng Mỹ và Nga gia tăng gần đây liên quan đến Ukraine. Phương Tây cáo buộc Nga có thể đang chuẩn bị một cuộc tấn công vào Ukraine. Tuy nhiên, Moskva phủ nhận điều đó, cho rằng chính mối quan hệ ngày càng tăng của Ukraine với NATO đã khiến leo thang tình trạng bế tắc hiện nay.
Theo dự kiến, đối thoại an ninh Nga - Mỹ có thể sẽ diễn ra vào hôm 10/1, trong khi đó cuộc họp giữa Nga và NATO sẽ diễn ra hôm 12/1. Nga đề xuất 2 dự thảo văn kiện, một cho Mỹ và một cho NATO. Theo đó, Nga yêu cầu NATO cam kết không mở rộng về phía Đông, loại bỏ vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu, rút quân và tên lửa NATO khỏi biên giới Nga.