Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam hoạt động thế nào?

Việc nhận diện tin giả, xác định nguyên nhân và tác hại của nó là cơ sở để nâng cao cảnh giác chủ động phòng chống tin giả góp phần giữ an toàn xã hội.

Sáng 12/1, trong khuôn khổ hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2020; triển khai nhiệm vụ năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông  tổ chức khai trương cổng thông tin tiếp nhận phản ánh, công bố tin giả: http://tingia.gov.vn/ và ra mắt đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 18008108. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới khác, tin giả xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành vấn nạn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Việc nhận diện tin giả, xác định nguyên nhân xuất hiện và tác hại của nó là cơ sở để nâng cao cảnh giác chủ động phòng, chống tin giả góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tặng hoa chúc mừng khai trương Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Bên cạnh những biện pháp được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương triển khai trong những năm qua, như: chủ động tích cực phát hiện, xử lý các đối tượng phát tán tin giả, yêu cầu các mạng xã hội triển khai các biện pháp chống tin giả trên nền tảng của mình, cũng như nâng cao nhận thức của người sử dụng mạng xã hội, việc thành lập Trung tâm tiếp nhận và xử lý tin giả là rất cần thiết.

Giới thiệu về cổng thông tin tiếp nhận phản ánh, công bố tin giả và ra mắt đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử Lưu Đình Phúc nêu rõ: Thực hiện nhiệm vụ do Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông giao, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã xây dựng trang thông tin điện tử tổng hợp có địa chỉ: http://tingia.gov.vn/ với chức năng là Cổng thông tin tiếp nhận trực tuyến các phản ánh về tinh giả của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đồng thời là Cổng thông tin chính thức công bố tin giả bằng hình thức dán nhãn tin giả, tin sai sự thật, công bố tin xác thực.

Mọi cá nhân, tổ chức có thể phản ánh về tinh giả qua đầu số 18008108, tổng đài của Tập đoàn Viettel sẽ tự động và có người trực để hướng dẫn người dân cách gửi thông tin.

Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam thuộc Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử có nhiệm vụ tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, gắn nhãn tin giả; công bố thông tin xác nhận tin giả, tin sai sự thật trên trang http://tingia.gov.vn/; chủ động phát hiện các xu hướng thông tin có lượng người chia sẻ tương tác lớn để đánh giá, thẩm định, dán nhãn tin giả (nếu có) để cảnh báo người dân không chia sẻ; hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả.

Trang http://tingia.gov.vn/ có 4 chuyên mục chính: Tiếp nhận tin phản ánh; Công bố tin giả; Thống kê tin giả; Tin tức. Quy trình tiếp nhận được thực hiện như sau: Cổng thông tin, đầu số, email tới đây sẽ triển khai nền tảng app trên mạng internet để tích hợp với website; chủ động đánh giá các thông tin có xu hướng lan tỏa lớn, thẩm định, công bố để cảnh báo.

Khi có kết luận của cơ quan chức năng thì công bố, đóng dấu tin xác thực, đăng thông tin. Đối với tin do tổ chức, cá nhân phản ánh sẽ được yêu cầu cung cấp căn cứ gửi cơ quan chức năng để xác thực.

Quy trình công bố tin giả là tin giả sẽ được đóng dấu tin giả, đăng nội dung trên trang http://tingia.gov.vn/ và trang http://abei.gov.vn/ của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử. Tin sai sự thật, sai một phần thì đóng dấu tin sai sự thật. Tin xác thực là tin đúng sự thật, đã được thẩm định, được cơ quan chức năng kết luận thì đóng dấu xác thực.

Cục trưởng Lưu Đình Phúc nêu rõ: Việc ra mắt cổng thông tin tiếp nhận phản ánh, công bố tin giả: http://tingia.gov.vn/ và ra mắt đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 180081108 nhằm thực hiện sứ mệnh lớn lao là lan tỏa sự thật. Thời gian tới, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ hoàn thiện quy trình xử lý công việc, bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Muốn làm được điều này, cần sự quan tâm của các cấp lãnh đạo; sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ của các cơ quan chức năng ở Trung ương, địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí để khẳng định thông tin, công bố tin giả, lan tỏa sự thật, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tin xấu, độc, xây dựng môi trường mạng trong sạch, bình yên cho mọi người.

Nguồn: BNews

Tin mới