Phó Giám đốc tự thú, tố giác đăng kiểm viên
Theo kết luận điều tra, Cơ quan CSĐT tiếp nhận tự thú của ông Phạm Hoàng Phong (SN 1978, trú TP.HCM, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp lái xe Thành Công) tố giác các đăng kiểm viên thuộc Trung tâm Đăng kiểm 50 - 17D (Ấp 2, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM) có hành vi nhận tiền hối lộ.
Cụ thể, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp lái xe Thành Công có chi liên quan đến phí đăng kiểm phương tiện của trung tâm số tiền gần 168 triệu đồng.
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp lái xe Thành Công. (Ảnh: Website trung tâm Thành Công)
Trong đó đưa tiền hối lộ cho Trung tâm Đăng kiểm 50 - 17D gần 135 triệu đồng đồng để đăng kiểm cho 357 lượt phương tiện. Điều kiện thỏa thuận giữa hai bên nhằm đảm bảo cho các phương tiện của Trung tâm Thành Công được đăng kiểm nhanh hoặc khi xe có các lỗi thì bỏ qua với số tiền mặc định là 300.000 đồng/ô tô con và 450.000 đồng/ô tô tải tập lái.
Căn cứ kết quả giám định của Phân viện khoa học Hình sự Bộ Công an tại TP.HCM đối với các phương tiện đến đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm 50 - 17D, cơ quan điều tra xác định có 7 phương tiện đã được bỏ lỗi với số tiền Trung tâm Đăng kiểm đã nhận gần 3 triệu đồng.
Tổng số tiền mà Trung tâm Đăng kiểm 50-17D nhận của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp lái xe Thành Công là gần 135 triệu đồng.
Đối với hành vi đưa tiền cho các đăng kiểm viên để được đăng kiểm đạt cho các xe của Trung tâm lái xe Thành Công, do có đơn tố cáo tội phạm, chủ động khai báo trước khi bị phát giác nên cơ quan điều tra xem xét không xử lý về hành vi đưa hối lộ.
Chỉ đạo đăng kiểm viên nhận hối lộ
Trung tâm Đăng kiểm 50-17D được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy phép kinh doanh và được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động với 2 dây chuyền kiểm định xe cơ giới.
Tháng 10/2022, Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty An Phát, điều hành Trung tâm Đăng kiểm 50 - 17D bàn bạc thống nhất với Hồ Hữu Tài, Giám đốc Công ty An Phát cho đăng kiểm viên nhận tiền hối lộ chủ phương tiện để bỏ lỗi không đạt đối với phương tiện đến kiểm định.
Mục đích nhận hối lộ nhằm tăng doanh thu vì công ty kinh doanh liên tục thua lỗ, không tiền trả lương cho nhân viên và tiền mặt bằng.
Sau đó, Hồ Hữu Tài giao Đinh Thành Trung (con rể Tài) có nhiệm vụ trực tiếp nhận tiền hối lộ từ các chủ phương tiện do đăng kiểm viên báo lỗi không đạt hoặc nhận tiền từ chủ phương tiện rồi báo cho đăng kiểm viên bỏ lỗi không đạt để cấp Giấy chứng nhận kiểm định.
Công an làm việc với các bị can trong vụ án. (Ảnh Công an cung cấp)
Sau khi có chủ trương, các đăng kiểm viên: Đinh Thành Trung, Trần Thanh Vinh, Phan Hữu Minh, Phạm Công Danh, Lê Tấn Thiện, Nguyễn Trung Tín và Dương Minh Khánh đã thống nhất và cùng thực hiện.
Trong quá trình kiểm định, các bị can thường tập trung bỏ qua các lỗi không đạt ở công đoạn đo khói, kiểm tra nhíp, thùng xe, đèn, kèo, tải trọng… cho phương tiện đạt kiểm định để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm trái quy định. Số tiền nhận hối lộ trung bình từ 200.000 - 300.000 đồng/lượt kiểm định.
Để nhân viên tại trung tâm phải thực hiện theo chủ trương trên thì ngày 21/10/2022, Hồ Hữu Tài ký thông báo với nội dung: Ban Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm và tất cả nhân viên phải thực hiện công tác kiểm định xe cơ giới của các phương tiện khi có sự chỉ đạo của Công ty cổ phần đầu tư phát triển An Phát.
Tất cả sai phạm do yêu cầu trên công ty hoàn toàn chịu trách nhiệm, trường hợp nhân viên nào không thực hiện đúng yêu cầu sẽ bị sa thải.
Quá trình thực hiện, Đinh Thành Trung nhận tiền của chủ phương tiện thông qua đăng kiểm viên báo lỗi không đạt hoặc Trung nhận tiền trực tiếp từ chủ phương tiện rồi báo cho đăng kiểm viên bỏ qua lỗi.
Số tiền nhận hối lộ của chủ phương tiện đến cuối ngày Trung sẽ đưa cho Tào Huyền Thanh (vợ của Nguyễn Thanh Phong) để ăn chia.
Cụ thể: trích 50% về Công ty An Phát, 50% còn lại đưa cho Trần Thanh Vinh chia đều cho các đăng kiểm viên.
Theo kết luận điều tra, từ 1/10/2022 - 19/12/2022 số tiền Trung tâm Đăng kiểm 50 - 17D đã nhận là gần 270 triệu đồng.
Ngoài ra, trước đó khi chưa có chủ trương nhận hối lộ để bỏ lỗi không đạt, các đăng kiểm viên cũng thống nhất nếu có chủ phương tiện đưa tiền hối lộ để bỏ qua lỗi không đạt thì các sẽ nhận và ăn chia với công ty.
Số tiền các đăng kiểm viên đã nhận hối lộ trước khi có chủ trương của ban Giám đốc là hơn 113 triệu đồng. Trong số tiền, các đăng kiểm viên trích gần 57 triệu đồng đưa về Công ty An Phát, số còn lại chia cho các đăng kiểm viên, Trung và 1 số người khác.
Đến nay Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã mời làm việc được 125 chủ phương tiện cải tạo với số tiền các chủ phương tiện đưa hối lộ hơn 203 triệu đồng. Lời khai của các cá nhân có liên quan khai nhận phù hợp với thủ đoạn nhận tiền hối lộ mà các bị can đã khai nhận.
Liên quan vụ án sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các cơ quan liên quan, hiện Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố 254 bị can.