Hôm nay, Huân trở thành một trong năm đảng viên trẻ độ tuổi từ 18-25 được kết nạp trong năm qua tại xã Ma Lé.
Một số người nói để có được điều này, không thể không kể đến công tác phát triển đảng viên trẻ, được cấp ủy, chính quyền địa phương hết sức chú ý, trong đó nổi bật là vai trò của Phó Bí thư Đảng ủy xã Trần Minh Phương. Trung tá Phương thuộc lực lượng Biên phòng, được tăng cường về cơ sở.
Lễ kết nạp Đảng ở Ma Lé
Xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, Hà Giang, nằm giữa những khoảnh ruộng bậc thang xanh màu mạ mới.
Mùa xuân Tây Bắc, hoa mận đúng độ căng sức bung nở trắng cả mảng rừng. Trên con đường trải bê tông, nhiều nhóm thanh niên dân tộc Mông, dân tộc Nùng đang hướng về nhà văn hoá xã Ma Lé. Hôm nay, chi bộ thôn Ma Lé tổ chức lễ kết nạp Đảng.
Video: Trung tá Biên phòng 10 năm tạo nguồn đảng viên trẻ, giúp dân vùng biên đổi đời
Trung tá Phương đảm nhận vai trò Phó Bí thư Đảng ủy xã Ma Lé phụ trách an ninh – quốc phòng, phát triển kinh tế - văn hoá – xã hội từ năm 2007. Xã có 12 thôn, trong đó 6 thôn giáp với lãnh thổ Trung Quốc. Người dân chủ yếu là dân tộc Mông, cuộc sống còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức không đồng đều, tình trạng vượt biên sang Trung Quốc còn xảy ra. Tình hình an ninh, trật tự tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Trung tá Phương luôn trăn trở làm sao để thành lập được chi bộ tại Ma Lé, từ đó đào tạo nguồn đảng viên trẻ, góp phần xây dựng quê hương.
Do phong tục tập quán, thói quen sống biệt lập, ít giao tiếp với bên ngoài, người dân ở Ma Lé không muốn thay đổi, không dám tiếp nhận những cái mới. Điều này khiến nhận thức về Đảng trong từng người dân còn hạn chế. Quyết tâm không để chi bộ trắng đảng viên, những ngày đầu, Trung tá Phương một mình trên chiếc xe máy, đi khắp các thôn, bản ở xã Ma Lé nắm địa bàn. Thôn của Lò Văn Huân, tuy chỉ cách trung tâm xã gần 10km nhưng anh Phương phải đi bộ vì đường quá xấu, xe máy không thể vào được.
“Nhiều người dân hỏi vào Đảng để làm gì, mình có được làm cán bộ hay không. Nếu tuyên truyền không sâu, không nói rõ ra cái được, cái chưa được của bà con thì rất khó chọn được thanh niên trong độ tuổi đi học lớp cảm tình, vì người ta không muốn vào Đảng, vào Đảng lại sợ mình không được làm cán bộ”, Trung tá Phương kể.
Từ công tác thăm nắm địa bàn, Trung tá Phương đã tìm thấy những người trẻ tiềm năng. Xác định xây dựng họ trở thành đội ngũ nòng cốt của chi bộ Ma Lé, anh tập trung hướng dẫn, theo dõi, tuyên truyền về tầm quan trọng của việc trở thành đảng viên. Bên cạnh đó, anh còn giúp cuộc sống của họ thêm phần tốt hơn bằng cách dạy họ chăn nuôi sao cho đúng.
Dần dần theo năm tháng, người dân thấy nghe theo cán bộ có cái ăn, cái mặc hơn trước. Không còn bị cái đói đeo bám, niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp hơn, niềm tin vào Đảng cũng dần được củng cố.
Những tấm gương đảng viên trẻ, xuất thân từ chính mảnh đất Ma Lé giúp nhân dân địa phương càng thêm tin tưởng vào Đảng và chính quyền. Việc phát triển, ươm mầm lực lượng đảng viên tại chỗ tạo thêm sự gắn kết giữa bà con với cán bộ địa phương.
Từ một xã không đảng viên, sau gần 10 năm, hiện tại Ma Lé đã có 12 chi bộ thôn, 70% bí thư chi bộ thôn, bản đạt trình độ tốt nghiệp THPT.
Dấu ấn đảng viên trẻ ở Ma Lé
Từ mấy năm nay, xã Ma Lé dần thay da đổi thịt. Từ một xã vùng biên nghèo nàn, lạc hậu, đời sống khó khăn, giờ đây bộ mặt kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến.
“Ma Lé đã có những thay đổi về công tác cán bộ. Cán bộ xã cơ bản có trình độ đại học, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Cán bộ thôn, bí thư chi bộ và trưởng thôn có trình độ học vấn 12/12 đạt 70%, còn lại là trình độ THCS”, Trung tá Phương nói.
Trung tá Trần Minh Phương hướng dẫn bà con nuôi bò.
Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt. Có đường bê tông đến tất cả các thôn, số hộ nghèo giảm từ 70% (năm 2007) xuống còn 36,06% (năm 2020). Các thôn đều có điểm trường cấp 3, toàn xã có 3 trường mầm non, tiểu học, THCS với cơ sở hạ tầng kiên cố.
Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, tiêu chí quy hoạch và thực hiện quy hoạch được thực hiện trước tiên. Xã Ma Lé đã huy động tối đa sự góp của, góp công của nhân dân trong thực hiện các tiêu chí về giao thông. Người dân các thôn Ma Lé, Bản Thùng thời gian qua đã đổ được 1,7 km đường bê tông; hiến 1.800 m2 đất; xây dựng 2 cống qua suối; triển khai đổ đường bê tông vào các nhóm hộ như Ma Xí A, Ma Xí B, Ma Lé.
“Trước đây, có một số hộ chỉ có 1-2 con bò thôi, nhờ cán bộ hướng dẫn che chắn, nên bò đỡ chết rét, các nhà phát triển được nhiều hơn, có nhà nuôi được chục con. Cũng nhờ các cán bộ dạy cách áp dụng khoa học vào trồng lúa, trồng cây ăn trái mà nương lúa nhà tôi không sợ sâu bệnh, quả cam thì cho trái ngon, mọng”, ông Lò Văn Chai, người dân xã Ma Lé nói.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế thông qua chăn nuôi, trồng trọt, xã Má Lé luôn tận dụng tốt những lợi thế sẵn có. Nằm trên trục đường chính dẫn vào Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, xã Má Lé đã xây dựng các khu, điểm dừng chân phục vụ du khách: xây dựng các homestay, khu văn hóa du lịch cộng đồng; trồng hoa tam giác mạch, hoa cải tạo điểm nhấn thu hút khách.
Cùng với đó, xã tập trung phát triển các làng nghề thủ công, làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, vừa tạo việc làm, vừa giới thiệu, quảng bá du lịch.
Thành tựu chung của xã Ma Lé trong những năm qua có dấu ấn từ lớp đảng viên trẻ. Họ là lực lượng nòng cốt, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong mọi công việc được xã triển khai như tham gia bê tông hoá đường nông thôn, giúp các hộ nghèo xây dựng nhà ở; giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình; đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây trồng và vật nuôi…
“Đồng chí Phương là cán bộ năng nổ, nhiệt tình, tích cực bám dân, bám biên giới; vận động và tiên phong, đi đầu trong thực hiện các công việc. Anh thường xuyên tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp cho Thường vụ Đảng ủy xã, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ ở địa phương”, ông Ly Mí Ná, Chủ tịch UBND xã Ma Lé đánh giá.