Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh

(VTC News) -

Xuất khẩu sang Mỹ từ thành phố trung tâm công nghệ phía Nam của Trung Quốc tăng mạnh ngay cả khi nhiều công ty đang phải chịu lệnh trừng phạt do Washington áp đặt.

Thành phố Thâm Quyến được xem trung tâm công nghệ phía Nam của Trung Quốc, đã chứng kiến ​​xuất khẩu tăng mạnh trong hai tháng đầu năm, nhờ xuất khẩu xe điện và hàng loạt thỏa thuận với các quốc gia nằm trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Đáng chú ý, trong hai tháng đầu năm 2024, doanh số bán hàng sang Mỹ của Thâm Quyến tăng 62,4% so với cùng kỳ năm trước, bất chấp nỗ lực của Washington nhằm giảm tiếp xúc với chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Trong khi đó, các chuyến hàng đến châu Âu của Thâm Quyến tăng 20,9%, số liệu hải quan công bố hôm 20/3 cho hay, song không đưa ra tổng giá trị cụ thể.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Thâm Quyến trong hai tháng đầu năm, khi giá trị thương mại tăng 58,1% lên 106,92 tỷ nhân dân tệ (15,85 tỷ USD).

Bên trong một nhà sản xuất máy thở ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc, nơi xuất khẩu tăng mạnh ngay từ đầu năm. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Thương mại của thành phố này với các quốc gia tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, đạt 249,1 tỷ nhân dân tệ (34,61 tỷ USD), tăng 57,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng giá trị hàng hóa vận chuyển từ Thâm Quyến trong thời gian hai tháng đầu năm đạt 441,4 tỷ nhân dân tệ (61,3 tỷ USD), đánh dấu mức tăng 53,1% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu hải quan công bố ngày 20/3. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu tăng 31,9%, lên 233,74 tỷ nhân dân tệ (32,47 tỷ USD).

Tổng giá trị ngoại thương kết hợp đạt ở mức hơn 675 tỷ nhân dân tệ (93,78 tỷ USD), tăng 45% so với một năm trước tại quê nhà của gã khổng lồ công nghệ như Huawei, Tencent, công ty xe điện BYD và nhà sản xuất máy bay không người lái DJI.

Các nhà phân tích cho rằng những số liệu thương mại đầy hứa hẹn do Thâm Quyến báo cáo có thể là tín hiệu tích cực cho mục tiêu của chính phủ trung ương là đạt 5% tăng trưởng kinh tế trong năm nay, trong bối cảnh chống lại những trở ngại địa chính trị và hạn chế công nghệ của phương Tây.

Peng Peng, Chủ tịch điều hành của Hiệp hội Cải cách Quảng Đông, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông), cho biết: “Thật ấn tượng khi xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh trở lại. Thông thường, tăng trưởng xuất khẩu sang ASEAN sẽ đi kèm với sự sụt giảm xuất khẩu sang Mỹ”.

Ông Peng cho biết thêm, sự phục hồi xuất khẩu của thành phố có thể thúc đẩy niềm tin kinh doanh và có thể giúp giảm bớt tổn thất do sự thay đổi chuỗi cung ứng trong ngắn hạn.

Ông nói: “Bước tiếp theo là xem bối cảnh địa chính trị thay đổi như thế nào sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hoặc diễn biến từ cuộc xung đột Nga - Ukraine”.

Trong số các mặt hàng hàng xuất khẩu của Thâm Quyến trong tháng 1 và tháng 2, các sản phẩm cơ khí và điện chiếm giá trị 295,5 tỷ nhân dân tệ (61,06 tỷ USD), tăng 30,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhật báo Đặc khu Thâm Quyến cho biết chỉ riêng BYD đã xuất khẩu 36.700 xe năng lượng mới trên toàn thế giới trong hai tháng đầu năm nay, tăng 47,22% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu đó cũng thúc đẩy doanh số bán các linh kiện và vật liệu nội địa liên quan.

Thâm Quyến là thành phố xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc và là nơi sinh sống của 2,01 triệu doanh nghiệp, hơn 99% trong số đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thành phố này cũng bị cuốn vào cuộc chiến giành ưu thế về công nghệ giữa Bắc Kinh và Washington.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa một số công ty lớn có trụ sở ở Thâm Quyến - bao gồm Huawei, DJI, nhà thiết kế bán dẫn Corad Technology và nhà cung cấp công nghệ nhận dạng khuôn mặt Cobber - vào danh sách đen xuất khẩu.

Những nỗ lực ngăn chặn dòng chảy công nghệ của Washington và nỗ lực giảm tiếp xúc với chuỗi cung ứng của Trung Quốc đã làm tăng thêm những bất ổn bên ngoài mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt.

Hoa Vũ

Tin mới