Trong bài phát biểu tại Hội thảo về tình hình quốc tế và ngoại giao Trung Quốc năm 2022, ông Vương Nghị đánh giá, dù là đối với thế giới hay Trung Quốc, năm 2022 sắp qua đi đều là một năm bản lề. Hai xu hướng thay đổi và bất ổn vẫn tiếp diễn.
Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Đề cập đến 6 nhiệm vụ chính của ngành ngoại giao Trung Quốc, ông cho biết, trước tiên là phục vụ và bảo đảm tốt hơn công tác đối ngoại nguyên thủ. Theo ông tiết lộ, năm 2023, ngoại giao nguyên thủ của Trung Quốc sẽ dậy lên một “cao trào mới” với ngoại giao chủ nhà có nhiều điểm sáng.
Thứ hai, Trung Quốc cần lập kế hoạch tổng thể để mở rộng bố cục ngoại giao toàn diện, trong đó bao gồm làm sâu sắc hơn tin cậy chiến lược và hợp tác cùng có lợi với Nga; thực hiện đồng thuận đạt được giữa nguyên thủ hai nước Trung-Mỹ, hiệu chỉnh và đưa mối quan hệ với Mỹ trở lại đúng hướng; thắt chặt qua lại cấp cao và liên lạc chiến lược giữa Trung Quốc và châu Âu; làm sâu sắc thêm tin cậy hữu nghị và dung hòa lợi ích với các nước láng giềng; tăng cường đoàn kết và hợp tác với các nước đang phát triển.
Thứ ba là tiếp tục tìm kiếm sự hội tụ lợi ích rộng rãi nhất trong quản trị toàn cầu và thứ tư là tích cực phục vụ phát triển chất lượng cao và mở cửa. Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh, năm 2023 sẽ đánh dấu kỷ niệm 10 năm Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế BRI lần thứ ba dự kiến sẽ được tổ chức, nhằm tổng kết thành tựu và vạch ra một kế hoạch chi tiết hơn.
Ông cũng cho biết, hai nhiệm vụ cuối cùng của ngoại giao Trung Quốc là tiếp tục tạo dựng tuyến phòng thủ vững chắc để bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao năng lực giao tiếp quốc tế và sức mạnh diễn ngôn.
Trong quan hệ với các nước lớn, Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định, Trung Quốc và Mỹ sẽ “không bị tách rời, không đứt liên kết”. Trong tình hình mới, lợi ích chung giữa hai bên không giảm đi mà còn nhiều hơn nữa.
Theo ông, “không xung đột, không đối đầu, chung sống hòa bình là lợi ích chung; hội nhập kinh tế sâu rộng, hưởng lợi nhiều hơn từ sự phát triển của nhau cũng là lợi ích chung; vực dậy nền kinh tế toàn cầu, ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết các điểm nóng khu vực cũng là lợi ích chung.”
Về quan hệ với Nga, ông Vương Nghị đánh giá, Trung Quốc đã làm sâu sắc hơn hợp tác láng giềng hữu nghị với Nga, phối hợp chiến lược toàn diện giữa hai bên ngày càng thành thục và mạnh mẽ. Ông khẳng định, “mối quan hệ Trung-Nga thiết lập trên cơ sở không liên minh, không đối đầu và không nhằm vào bên thứ ba vững như bàn thạch”, không bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp và chia rẽ, cũng như những thay đổi của môi trường quốc tế.