Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trung Quốc ‘vừa chạy vừa vấp’ trên đường đua công nghệ

(VTC News) -

Ba năm triển khai chiến dịch xây dựng ngành công nghệ tự chủ, Bắc Kinh ngày càng nhận ra đây là một chặng đường dài tốn công sức và thời gian.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ lâu đã lo lắng về sự lệ thuộc của nước này vào công nghệ nước ngoài. Ông thường xuyên đề cập đến vấn đề từ khi bắt đầu nhiệm kỳ.

Năm 2016, ông Tập nói việc những thành phần chính của ngành internet Trung Quốc phụ thuộc vào nước ngoài khiến cho nước này giống như đang “xây nhà trên móng của người khác”. Ngôi nhà đẹp đẽ thế nào rồi cũng sẽ không chịu được mưa gió.

Cùng năm đó, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành chính sách quốc gia nhằm thay đổi căn bản sự phụ thuộc của nước này vào công nghệ nước ngoài. Bắc Kinh đặt mục tiêu hoàn thành các kế hoạch trước năm 2025.

Nhưng những chính sách và phát ngôn đến năm 2018 mới chuyển hóa thành những hành động cụ thể, khi Trung Quốc phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mạnh tay của Mỹ.

Chip của HiSilicon tại Hội nghị đối tác Huawei, Phúc Châu, Trung Quốc vào tháng 3/2019. (Ảnh: Reuters)

Kế hoạch kéo dài hơn dự kiến

Ba năm triển khai chiến dịch thay thế các sản phẩm phụ thuộc công nghệ nước ngoài bằng phiên bản “cây nhà lá vườn”, Bắc Kinh ngày càng nhận ra đây là một chặng đường dài tốn công sức và thời gian.

Hơn nữa, thành công của chiến dịch cũng chưa chắc đã đảm bảo.

Trong chiến dịch của Bắc Kinh, phần cốt lõi được gọi là Xin Chuang (Tân Trang), nhằm xây dựng ngành công nghệ thông tin nội địa toàn diện, có thể sản xuất chip, hệ điều hành và các ứng dụng. Hiểu một cách đơn giản, công nghệ Trung Quốc lúc đó sẽ không cần Intel, Qualcomm, Microsoft hay Android. Đó là những gì Bắc Kinh cho là một ngành công nghệ an toàn, không sợ bị các lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng.

Chiến lược này được triển khai qua ba bước. Thứ nhất, Trung Quốc nuôi dưỡng một thị trường tự chủ trị giá hàng chục tỷ USD với môi trường quy định khá chặt chẽ. Sau đó, họ đưa các sản phẩm nội địa vào thay thế dần dần trong các ngành công nghiệp chủ chốt được nhà nước hỗ trợ, bao gồm viễn thông, đường sắt, điện, chăm sóc sức khỏe, hàng không vũ trụ và năng lượng. Thị trường này có thể trở nên lớn hơn gấp 4-5 lần. Bước cuối cùng, Trung Quốc đặt mục tiêu cho công nghệ nội địa chiếm lĩnh thị trường hàng tiêu dùng, trong đó có điện thoại, trị giá hàng trăm tỷ USD.

Đến nay, Bắc Kinh đã đạt được một số thành tựu khi triển khai bước 1 và 2, nhưng bước 3 không có nhiều tiến bộ.

“Vừa chạy vừa vấp”

Phytium Technology, công ty đi đầu trong các nhà sản xuất chip xử lý nội địa của Trung Quốc, đã xuất kho được 1,5 triệu chip năm 2020, dự kiến giao hàng được hơn 2 triệu chip trong năm 2021.

So với con số 1,14 nghìn tỷ chip dự kiến được giao của Intel trong năm 2021, thành quả của công ty Trung Quốc chưa thấm vào đâu. Song, đây có thể được xem là bước đầu của họ trong đường đua dài để đạt mục tiêu trên thị trường.

Dù vậy, ngành công nghệ ở Trung Quốc đang vấp phải những thách thức về chính sách mơ hồ.

Ví dụ, chip xử lý của Phytium và HiSilicon (đơn vị thiết kế chip của Huawei) đều được sản xuất dựa trên cấu trúc mà công ty thiết kế chip ARM (Anh) đã đăng ký giấy phép. Các công ty Trung Quốc hiện không chắc chắn có thể tiếp tục sử dụng thiết kế của ARM hay không.

Thứ nhất, Nvidia (Mỹ) đang có thương vụ trị giá hàng chục tỷ USD nhằm mua lại ARM. Trước các lệnh cấm vận của Mỹ với ngành công nghệ Trung Quốc, nếu ARM trở thành công ty Mỹ, đó sẽ là trở ngại đáng kể ngăn các nhà sản xuất Trung Quốc tiếp tục sử dụng thiết kế chip.

Và kể cả Bắc Kinh có thể chặn được vụ mua bán này, vẫn chưa rõ các chip sản xuất dựa trên thiết kế của ARM có thể “an toàn” 100% với Trung Quốc hay không. 

ARM đã ngừng làm việc với Huawei sau các lệnh cấm của Mỹ từ năm 2019. Dù vậy, công ty đang vướng vào tranh chấp với ARM Trung Quốc về vấn đề kiểm soát các hoạt động kinh doanh của ARM tại Trung Quốc. 

Một nhà khoa học kiểm tra các thiết bị lưu trữ tại Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia ở Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc năm 2018 (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Một vấn đề chính sách khác là trong ngành IT Trung Quốc không có sự đồng thuận về việc liệu nước này có nên “đánh cược” vào thiết kế của ARM, hay tập trung vào sử dụng một thiết kế chip tự phát triển hoàn toàn. Thiết kế ARM sẽ hoạt động hiệu quả với các ứng dụng tương lai như internet vạn vật (mạng lưới các thiết bị có thể kết nối và chia sẻ dữ liệu với nhau) và phù hợp với một hệ sinh thái công nghệ đa dạng. 

Hơn nữa, các yêu cầu của Bắc Kinh đối với sản phẩm “sản xuất nội địa” cũng không rõ ràng và thống nhất. Sau khi đề xuất rằng một “sản phẩm nội địa” là sản phẩm có trên 50% giá trị đến từ các nguồn nội địa, cơ quan chức năng Trung Quốc vẫn chưa đưa ra quy định cuối cùng. Vì vậy, mỗi cơ quan chính phủ lại vận dụng định nghĩa khác nhau.

Sự không chắc chắn về chính sách và quy định này gây ra nhầm lẫn và phân tán. Khi nhà thiết kế chip cho hệ điều hành hay nhà phát triển phần mềm phải thích nghi với các quy tắc địa phương hóa khác nhau, chi phí sẽ bị tăng lên, làm cho khả năng tương tác trên toàn bộ chuỗi cung ứng trở nên khó khăn hơn.

Vì quá trình chậm trễ này, một số tổ chức chính phủ và nhà nước tại Trung Quốc phải cài đặt cả hai bộ hệ điều hành và phần mềm: một hệ thống trong nước để đáp ứng các yêu cầu về địa phương hóa và một hệ thống khác như Windows của Microsoft để đảm bảo khả năng sử dụng.

Những tình huống tương tự xảy ra với các doanh nghiệp nhà nước. Ngân hàng Trung Quốc đã thông qua hệ điều hành từ nhà cung cấp địa phương UnionTech, trong khi đó hệ thống thẻ tín dụng của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc sử dụng một hệ điều hành khác có tên là Kirin.

Dù sự cạnh tranh ban đầu là tốt, nhưng việc hợp nhất các hệ điều hành là rất quan trọng. Quá trình này có thể còn mất nhiều thời gian hơn khi sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp nội địa gia tăng. 

Nhìn chung, Trung Quốc ít khả năng đảo ngược được sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài trước năm 2025, hay đạt được dự báo của ngành về việc có được một nửa thị trường máy tính sử dụng các hệ thống nội địa vào năm 2023. Nhìn vào những tiến bộ nước này đã đạt được cho đến nay, việc liệu Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu tự chủ công nghệ hoàn toàn trong thập kỷ tới, hoặc thậm chí xa hơn trong tương lai hay không, vẫn là một câu hỏi. 

Trong khi đó, các công ty Mỹ cũng đang bị tổn thương. Các lô hàng Qualcomm đến Trung Quốc đã giảm 48,1% so với cùng kỳ vào năm 2020, khi các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc tìm cách đa dạng hóa mạng lưới cung cấp. Các công ty Mỹ trong lĩnh vực viễn thông, thiết bị y tế và thiết bị hàng hải cũng có thể sớm phải rút khỏi thị trường Trung Quốc khi Bắc Kinh có biện pháp đáp trả Washington.

Xét trên góc độ này, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể muốn tránh thiệt hại bằng cách quay lại bàn đàm phán, sẵn sàng thoả hiệp.

Phương Anh

Tin mới